Có thể phát sinh những "cuộc đua xuống đáy" của chính sách, ưu đãi

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, để có thể xây dựng được những chính sách nổi trội, nhà làm luật đã so sánh với 13 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai thành công và thấy rằng, chính sách thiết kế trong Luật có thể cạnh tranh được.

Ông Đông cũng cho hay, dự án Luật cũng đang chia 2 nhóm chính sách, nhóm thứ nhất về tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, như giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, visa điện tử; thứ hai là nhóm chính sách ưu đãi thuế, đất đai, tưởng là nhiều, nhưng thực tế đều là đã có.

“Chúng tôi không thể làm theo kiểu kẻ một đường kẻ, để phải cao hơn và cạnh tranh quốc tế, nhưng thực tế có những chính sách còn thấp hơn, chỉ có ưu đãi cho ngành nghề ưu tiên, ví dụ chính sách đất đai”, ông Đông chia sẻ.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, 3 điểm thành công của đặc khu trên thế giới là địa điểm tốt, kết nối hạ tầng tốt và là nơi có môi trường chính sách tốt.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, những khu đặc khu kinh tế cũ thành công như ở Trung Quốc, Singapore... chưa chắc đã là kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam.

Về dự thảo Luật Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt, vị chuyên gia này thẳng thắn: "Chúng tôi lo ngại là Việt Nam xây dựng và làm nhiều đặc khu khác nhau, điều này có thể phát sinh những "cuộc đua xuống đáy" của chính sách, ưu đãi. Thay vì đưa ra những chính sách bằng nhau thì các đặc khu cắt giảm khuôn khổ, xé rào chính sách. Điều này dẫn tới các ảnh hưởng không mong muốn, như tác động môi trường, thay đổi chuẩn mực môi trường”.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Công ty KPMG thì ưu đãi thuế chỉ chiếm 30-40% quyết định của nhà đầu tư. Hai tiêu chí khác họ quan tâm là thể chế, minh bạch chính sách, cơ sở hạ tầng.

“Các diễn giả nói nhiều về ưu đãi thuế, các yếu tố phi thuế, phi tài chính, nhưng có 1 cái quan trọng ít được đề cập là cơ sở hạ tầng. đây chính là yếu tố quyết định của nhà đầu tư, nhất là logistic. Trong chính sách ưu đãi, miễn thuế của mình, có áp dụng ưu đãi cho nhà đầu tư vào đặc khu. Nhưng, cái không đột phá chính là ưu đãi cho logistics, khó kêu gọi đầu tư nước ngoài”, ông Hòa chia sẻ.

Vị chuyên gia này chỉ rõ, nhiều nhà đầu tư phản ánh rằng, việc không thống nhất trong chính sách thuế, cũng như sự tùy tiện áp dụng của cơ quan thuế dẫn đến nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi như trong quy định.

TS. Trần Du Lịch cũng đồng tình rằng, nhà đầu tư không hẳn quan tâm thuế bao nhiêu. Ông cho rằng, quan trọng với nhà đầu tư là cách hành thu như thế nào, chứ không chỉ thuế suất bao nhiêu.

Những diễn giả trao đổi về chính sách phát triển đặc khu tại Việt Nam

Không nên trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết

Ông Teo Eng Cheong - Tổng giám đốc Tập đoàn Surbana jurong Singapore chia sẻ, rất nhiều đặc khu thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả.

“Mặt khác, nếu đặc khu kinh tế có một tầm nhìn rõ ràng, thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ sẽ là một cơ hội tốt để thành công”, ông Cheong nhấn mạnh.

Ông Cheong cũng chỉ rõ, một thất bại chung của rất nhiều đặc khu là trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì sợ việc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát.

“Điều này là không tốt vì ý tưởng thiết lập một khu vực như một đặc khu kinh tế chính xác là cho phép thử nghiệm và tự do hóa các chính sách mà không làm ảnh hưởng đến phần còn lại của đất nước. Để thành công, đặc khu cần phải tạo cảm hứng đầy tự tin rằng nó sẽ khác so với các khu vực khác của đất nước”, ông Cheong nói.

Còn TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Đảng và Nhà nước đã quyết, dù đã muộn, dù rủi ro và nhiều thách thức, Việt Nam phải dám đánh cược với cuộc chơi này, vì thế giới đã thay đổi, phải cải cách thể chế.

“Quan trọng là dám chơi”, vị chuyên gia này hóm hỉnh.

Đồng tình với việc phải cải cách thể chế, TS. Trần Du Lịch khẳng định, muốn mô hình đặc khu thành công, phải đột phá về thể chế, phải là quốc gia, chính phủ kiến tạo chứ không chỉ là chính quyền Quảng Ninh kiến tạo.

“Điều quan trọng là phải có vốn mồi, muốn câu cá lớn thì mồi phải thơm, ngon. Nhưng, không được làm mất mồi, mất mồi là có tội!”, ông Lịch cảnh báo.

Luật phải đi thẳng vào đời sống, hạn chế những thể chế, thông tư

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vấn đề còn lại rất quan trọng là thực thi luật, triển khai thực hiện ra sao.

“Việc ban hành luật là đương nhiên, nhưng chúng ta cần cụ thể cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện, đưa được chính sách vào thực tiễn”, Bộ trưởng nói.

GS.TS Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: "Các nhà đầu tư luôn mong muốn làm ăn có lãi nhưng phải đúng luật. Hệ thống thể chế và pháp luật nước ta phức tạp nhất thế giới bởi có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật.Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đừng để những thứ đặc thù trở thành rào cản những phát minh mới của nhân loại”.

Ông cho rằng, cần phải có sự phân quyền rõ ràng, luật phải đi thẳng vào đời sống, hạn chế những thể chế, thông tư. Năng lực thực thi rất quan trọng nên chúng ta cần phải tìm được những cán bộ tốt, hết lòng vì nhân dân.

Còn vị Kinh tế trưởng đến từ WB nhấn mạnh, để tối đa hóa lợi ích và hạn chế rủi ro, việc thành lập và thiết kế các đặc khu kinh tế nên được gắn chặt với chiến lược toàn diện về phát triển công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập trung vào việc lựa chọn vị trí, tính kết nối, dịch vụ hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh.

“Chúng ta không muốn nhìn thấy đặc khu như một hòn đảo tách rời khỏi đất nước. Chúng ta cần chú ý, để đảm bảo đầu tư vào đặc khu có đóng góp cho phát triển tổng thể ở Việt Nam bền vững hơn”, ông Sebastian nói.

Trong tương lai, ông Sebastian cho rằng, chúng ta nên tập trung vào tạo ra công việc làm cho tương lai, năng suất cao, sáng kiến về chi phí và lợi ích. Hơn nữa, cần tập trung vào trách nhiệm giải trình, không nên tập trung vào ưu đãi thuế, phải định hướng vào các ngành chiến lược và tránh phân mảnh chính sách./.