Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Người đứng đầu không gặp dân... còn mang tư tưởng “đối đầu” với người dân

Thủ tướng chia sẻ câu chuyện xuống cơ sở của mình. Ông cho biết, đã từng đi xử lý một vụ việc, xuống gặp, nói chuyện với người dân. Khi ông hỏi người dân có biết mặt chủ tịch huyện hay không thì người dân trả lời “chưa từng gặp Chủ tịch huyện này”.

Câu trả lời đó của người dân khiến Thủ tướng trăn trở và đặt câu hỏi: “Những vấn đề gay cấn như vậy mà Bí thư, Chủ tịch huyện không xuất hiện thì còn làm cái gì?”.

Có lẽ vì thế, thời gian qua, dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng tình hình khiến kiện đông người, vượt cấp kéo dài còn diễn biến phức tạp.

Chính phủ đã phải tổ chức hội nghị lần này, triệu tập lãnh đạo 27 địa phương để cùng tìm nguyên nhân, giải pháp xử lý vấn đề. Từ việc xác định những nguyên nhân và tồn tại, các đại biểu cần nêu giải pháp, kinh nghiệm và những đề xuất với Trung ương.

Thủ tướng cho rằng, một số cấp, nhất là cấp địa phương còn lơ là, không thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với người dân, đặc biệt là không nắm vững tình hình, bị động, còn chủ quan.

Nhận thức của một số cán bộ còn mang nặng tư tưởng “đối đầu” với người dân mà chưa thấy trách nhiệm của mình.

Một vấn đề nữa là đối tượng phản động lợi dụng tình hình để kích động người dân.

Vì vậy, “Cần làm rõ trách nhiệm đối thoại với dân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, dân địa phương nào đi khiếu kiện (vượt cấp) thì Chủ tịch, Bí thư địa phương đó phải chịu trách nhiệm đưa người dân về và đối thoại với dân.

“Chúng ta không coi thường những đốm lửa nhỏ, những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu “đừng có chủ quan”.

Nhiều trăn trở trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thủ tướng cũng chỉ ra nguyên nhân là công tác tiếp công dân về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Đó cũng là những trăn trở của người đứng đầu Chính phủ trong lĩnh vực này.

Thủ tướng cho rằng, nhiều cơ quan hành chính chưa thực hiện nghiêm túc, chưa làm hết trách nhiệm với dân, xác minh thẩm tra sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương hướng giải quyết thiếu thuyết phục, thiếu khách quan, công tâm.

Đặc biệt, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hời hợt trong thực thi công vụ về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế, đưa ra các yêu cầu vượt quá quy định của pháp luật. Có trường hợp chây ỳ, đã được giải quyết có lý có tình nhưng vẫn khiếu nại kéo dài. Có trường hợp do phần tử xấu kích động, xúi giục đi khiếu kiện để lấy tiền.

Nếu cán bộ công tâm, thì chắc chắn ít xảy ra khiếu kiện phức tạp

Từ các nguyên nhân này, Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương đối chiếu với tình hình nội bộ của địa bàn mình, tự xác định các nguyên nhân từng vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, từ đó có giải pháp phù hợp, khả thi.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chính chúng ta phải trách chúng ta, xem lại chúng ta. Đồng thời chúng ta nói dân chủ, dân chủ hơn nữa nhưng cũng kỷ cương, kỷ cương hơn nữa trong việc xử lý công việc có liên quan khiếu nại, tố cáo”, Thủ tướng nêu rõ. “Nếu cán bộ không làm sai, làm việc công tâm, khách quan, lắng nghe ý kiến của người dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân thì chắc chắn ít xảy ra hoặc không xảy ra khiếu kiện phức tạp”.

Thủ tướng đề nghị từ Trung ương đến địa phương, các ngành có liên quan như Thanh tra Chính phủ, Tài nguyên và Môi trường, Công an…, đặc biệt là các địa phương cần vào cuộc để có thể thay đổi căn bản tình hình, không để vì vấn đề khiếu nại tố cáo gây mất ổn định tình hình đất nước.

Phải cầu thị, nghiêm túc đánh giá sự việc theo đúng quy định của pháp luật. Việc đúng thì kiên trì thuyết phục, vận động người dân. Việc không đúng thì phải nghiêm túc sửa sai, khắc phục, không ngoan cố, không vì vấn đề nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia mà không dám nhận lỗi. “Xác định rõ yêu cầu này để từng cán bộ, từng cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo cho dân có cách thức làm việc đúng đắn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ và đặc biệt các địa phương phải lập kế hoạch cụ thể về giải quyết các vụ khiếu kiện, tố cáo đông người phức tạp. Thanh tra Chính phủ rà soát, lập danh sách tất cả các vụ việc phức tạp kéo dài tại 27 địa phương. Các tỉnh, thành phố phải cung cấp đầy đủ danh sách các vụ việc cho Thanh tra Chính phủ, cùng Thanh tra Chính phủ lập kế hoạch, có định hướng tiến độ cụ thể để giải quyết từng vụ việc, công khai trên mạng.

Địa phương cần phân công rõ cơ quan chủ trì giải quyết từng vụ việc, phân công mỗi đồng chí trong thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy chịu trách nhiệm theo dõi đôn đốc, giải quyết một số vụ việc. Đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm gắn với việc giải quyết khiếu nại tố cáo.

Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khiếu kiện trên địa bàn. Cần lập chương trình tiếp công dân, giải quyết vụ việc, không ỷ lại, khoán trắng cho một phó chủ tịch phụ trách. Mọi khiếu nại, tố cáo phải được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, giải quyết đúng quy định, đối thoại, lắng nghe, giải quyết hợp lý, hợp tình để không tạo thành điểm nóng.

Cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục các bất cập trong các chính sách pháp luật, nhất là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát đánh giá việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ, chuyển chợ dân sinh, chợ truyền thống sang trung tâm thương mại để có giải pháp tổng thể.

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân. Khi đã giải quyết hết sứ, đối thoại hết sức, có lý có tình nhưng vẫn còn khiếu kiện thì đưa ra tòa hành chính.

Chính quyền địa phương phải có giải pháp kịp thời, bảo đảm tốt an ninh trật tự liên quan đến các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp, nắm chắc tình hình, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi trọng công tác dân vận, mặt trận. Các đoàn thể chính trị phải phân tích, giải thích pháp luật cho người dân hiểu rõ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

“Làm tốt công tác truyền thông thông tin về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc đưa tin phải khách quan, trung thực, không đưa tin một chiều, sai lệch nội dung, bản chất sự việc, gây tác động tiêu cực đến dư luận để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc”, Thủ tướng yêu cầu./.