Đó là tính toán của Tổ tư vấn kinh tế công bố tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều ngày 23/8/2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế

Theo Tổ tư vấn, mô hình tăng trưởng bước đầu có chuyển biến theo hướng tích cực. Tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn, đạt xấp xỉ 6% năm 2017 so với bình quân 4,6% giai đoạn 2012-2015. Đóng góp của năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 44%, so với 33,5% giai đoạn 2011-2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh hơn và cải thiện tỷ trọng đóng góp vào GDP. Xuất khẩu khu vực trong nước bước đầu có dấu hiệu tăng nhanh hơn khu vực FDI (6 tháng 2018, xuất khẩu khu vực trong nước tăng 19,9% so với khu vực FDI tăng 14,5%).

Tuy nhiên, kết quả đạt được, theo các chuyên gia, vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu, yêu cầu vào năm 2020 cần tạo được tiền đề vững chắc cho giai đoạn kế hoạch 5 năm tiếp theo phát triển nhanh hơn (GDP tăng bình quân 7-7,5% năm), nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, nhiều rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến kết cấu và mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Theo tính toán của Tổ tư vấn, tốc độ tăng năng suất lao động trong những năm tới phải đạt tốc độ cao hơn mới tạo được tiền đề cho tăng trưởng kinh tế cao hơn trong giai đoạn 2021 – 2025. Để tăng trưởng đạt bình quân 6,85% trong 3 năm 2018 – 2020 và mức 7-7,5% bình quân giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng năng suất đến năm 2020 cần đạt 6,3% và tiến tới phải đạt 6,8%.

Tổ tư vấn khuyến nghị, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt mức 8% GDP (kế hoạch 7%). Tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân (bao gồm dân cư) đạt khoảng 15% GDP (năm 2017 đạt 13,5%). Tạo không gian chính sách mới cho chính sách tài khóa: Kiên quyết chỉ đạo thực hiện để đạt mục tiêu đã xác định “chi thường xuyên dưới 64% tổng chi ngân sách”.

Tổ tư vấn cũng đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát 37 vướng mắc phổ biến đối với doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư trong 9 luật và văn bản dưới luật.

Tổ tư vấn cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với các vấn đề kinh tế nóng mới nổi lên như biến động thị trường chứng khoán, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc…

Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn chủ động phân tích, thấy được những khó khăn bên trong và bên ngoài, từ đó, góp ý về các cơ chế chính sách để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững; có tư vấn về chiến lược phát triển, nhất là các động lực mới, các nhân tố mới, các "dư địa" cần tập trung để phát triển.

“Cần góp ý cả chính sách ngắn hạn, trung và dài hạn, những đột phá nào để tăng nhanh tự cường kinh tế quốc gia, năng suất lao động, làm chủ công nghệ. Hay những vấn đề lớn khác như nghiên cứu cơ chế liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là vấn đề góp vốn đất đai”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng đặt đầu bài với Tổ tư vấn về cơ chế thúc đẩy huy động nguồn lực trong dân, xã hội hóa, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hình thức hợp tác công-tư (PPP)…

Đánh giá cao báo cáo của Tổ tư vấn về chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng nhất trí cho rằng, 2 năm qua, chương trình này đã đi vào thực chất hơn, tạo chuyển biến rõ nét hơn và đề nghị các thành viên Tổ tư vấn góp phần thông tin rõ hơn, đầy đủ hơn về kết quả tích cực trên các mặt của đất nước, góp phần tạo không khí phấn khởi, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong làm ăn kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cần thẳng thắn nhìn nhận, tái cơ cấu kinh tế còn có mặt hạn chế, bất cập như nhiều ngành, lĩnh vực chuyển dịch còn chậm, chưa thực hiện được một số mục tiêu, yêu cầu đề ra…

Ghi nhận góp ý của Tổ tư vấn về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để không có cú sốc xảy ra với nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế với các biện pháp kịp thời hơn.

Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của Tổ tư vấn về các giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn để vượt qua các khó khăn, thách thức hiện nay của kinh tế thế giới./.