Đây là Hội nghị trực tuyến đầu tiên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị/ Ảnh: Đức Trung

GDP năm 2018 có thể vượt mức 6,7%

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhờ tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.

Theo ông Trần Quốc Phương, một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế - xã hội năm 2018 chính là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, ước đạt 6,7%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu.

Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016-2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân duy trì ở mức dưới 4%; thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Về kiểm soát lạm phát, liên tiếp trong 3 năm 2016 - 2018, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%; giữ vững được sự ổn định của tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, tín dụng trong nước; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP; xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng và tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vượt mốc kỷ lục của năm 2017, ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%;

Đặc biệt, tốc độ và tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, năm 2018 ước đạt khoảng 6,7% và dự báo triển vọng có thể đạt cao hơn. Chỉ số này khẳng định được vai trò là năm bản lề của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020.

Động lực tăng trưởng kinh tế đến từ cả phía cung và phía cầu, trong đó, đáng chú ý là sự phát triển toàn diện của tất cả các ngành, lĩnh vực, với nhiều nhân tố mới cùng vai trò nòng cốt của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cơ cấu lại nền kinh tế có bước chuyển biến tương đối rõ nét, thực chất hơn trong các ngành, lĩnh vực; đạt nhiều tiến bộ trong giải quyết những tồn tại cố hữu của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiềm lực quốc phòng - an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được nâng lên.

Tuy nhiên, trong năm 2018 có 5 vấn đề xã hội nổi cộm gây bức xúc, như tiến độ thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 còn chậm; thiên tai dồn dập gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra ở nhiều địa phương; nguồn lực để thực hiện chính sách về văn hóa - xã hội còn hạn chế; vấn đề an ninh trật tự còn nổi cộ;, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn còn diễn ra.

Năm 2019: Kiên định mục tiêu cải thiện chất lượng tăng trưởng

Tại Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất mục tiêu chủ yếu năm 2019 là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6,8%.

Kiên định mục tiêu cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các đột phá chiến lược; phát triển khoa học và công nghệ; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đẩ

y mạnh khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2018 và những vấn đề cần quan tâm trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu đã tư đưa ra những giải pháp cơ bản và quan trọng.

Theo đó, đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đặc biệt, Bộ cho rằng, cần duy trì tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực.

Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động và phục vụ.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nóng của xã hội nhằm củng cố niềm tin của xã hội, ổn định và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ năm 2018, qua đó đã tạo điền đề vững bước để hoàn thành các kế hoạch đề ra năm 2019.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2018 cũng như triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01 của Chính phủ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định. Tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược.

Các địa phương cần nhận diện được những khó khăn, thách thức cũng như thế mạnh của mình để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội một cách phù hợp.

Nhấn mạnh rằng, 2019 là một năm hết sức quan trọng, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao nhất để hoàn thành mức cao nhất kế hoạch 5 năm, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Phải nhận diện cho được những khó khăn thách thức của toàn nền kinh tế và từng địa phương cùng với những cơ hội mới để kịp thời nắm lấy để hiện thực hóa nó để phát triển kinh tế đất nước nói chung, địa phương nói riêng. Địa phương cần sớm thấy được cơ hội của mình trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 để bứt phá lên”, Bộ trưởng đưa giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực.

Đặc biệt, các địa phương cần tập trung cho quy hoạch, chuẩn bị tốt cho mặt bằng, hạ tầng cho dự án: đường, điện, hệ thống thông tin… và nguồn nhân lực cho các dự án.

Phải thay đổi, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Dẫn việc vừa qua, hàng loạt các hội nghị xúc tiến đầu tư đã được tổ chức với hàng loạt các dự án lớn được ký kết, Bộ trưởng thẳng thắn chi rõ, nếu không có cách, không tập trung, nỗ lực, thì những cam kết vẫn chỉ là những ký kết trên giấy, chứ không thể thành hiện thực.

Bộ trưởng cho rằng, địa phương cần rất nỗ lực. Đặc biệt, cần tổ chức tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, thực hiện đầu tư. Đó chính là thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng, địa phương tập trung cho quy hoạch, chuẩn bị tốt cho mặt bằng, hạ tầng cho dự án: đường, điện, hệ thống thông tin… và nguồn nhân lực cho các dự án.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng cho biết, sẽ sớm ban hành tiêu chí để cấp kinh phí lập quy hoạch cho các địa phương. Đặc biệt, sẽ có kế hoạch tập huấn ngay cho các đội ngũ lập quy hoạch.

Về các vấn đề vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu cho biết, sẽ có trả lời cụ thể theo hướng: đối với những vấn đề chung sẽ hướng dẫn chung, còn các vấn đề cụ thể sẽ gửi văn bản tới từng địa phương./.