Tái cơ cấu DNNN đang rất chậm

Điều cần lưu ý là tái cơ cấu DNNN không phải là một hoạt động mới xuất hiện. Thực tế cách đây 20 năm, nó đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong tư duy quản lý mới sau Đại hội Đảng lần VI. Nhiều người vẫn cho rằng, đây là công việc thường xuyên phải làm nếu thực sự muốn vận động theo hướng tiến bộ.

Tuy nhiên, đến thời điểm 1/7/2010, khi Luật DNNN hết hiệu lực, mục tiêu tổ chức sắp xếp lại DNNN đề ra đã không đạt được, tiến trình cổ phần hóa bị trì trệ, việc chuyển DNNN sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) còn nhiều hình thức. Hơn nữa, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước của các doanh nghiệp quá thấp, công luận đã quá nhàm khi đề cập đến vấn đề này. Sức nóng của vấn đề này trên bàn nghị sự, dường như cũng trở thành “quen”.

Nhận rõ sự cấp bách của vấn đề, tại Hội nghị Trung ương 3, khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định, tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước là một trong 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế. Tiếp đó ngày 17/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”.

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 5 vừa qua của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thừa nhận quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang diễn ra khá chậm. Đáng chú ý là Đề án tái cơ cấu DNNN dường như vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Tính đến nay, đã có 17/21 đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm hoặc chưa đạt, nhất là việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính đang đi vào “bế tắc”.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến hết tháng 5/2013, đã có 99/101 dự án tái cơ cấu DNNN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng mới chỉ có vỏn vẹn 16 doanh nghiệp được sắp xếp lại. Trong đó, 10 doanh nghiệp được cổ phần hóa, còn lại là sáp nhập, hợp nhất và thành lập mới. Ngoài ra, mới chỉ có 5/15 dự thảo nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty được hoàn thiện và trình Chính phủ. Hiện 7 đơn vị khác đang trình lên các bộ để chờ thẩm định.

Báo cáo tổng hợp số liệu nghiên cứu ở 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cũng cho thấy, bức tranh cổ phần hóa DNNN cũng không có nhiều khởi sắc. Theo đó, số doanh nghiệp tiếp tục duy trì là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước là 351 đơn vị (chiếm khoảng 27%); số doanh nghiệp thuộc diện chuyển đổi, cổ phần hóa, tiếp tục thoái vốn là 909 đơn vị (chiếm khoảng 73%).

Nhận diện những “điểm nghẽn”

1. Các biện pháp tái cơ cấu vẫn mang nặng tính hành chính, chưa đi vào cốt lõi là đưa DNNN hoạt động và vận hành theo cơ chế thị trường.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng thực hiện tái cơ cấu DNNN, trong đó có 2 quyết định quan trọng là Quyết định số 929/QĐ-TTg, ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và Quyết định số 704, ngày 11/6/2012 phê duyệt Đề án Đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường.

Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 19/2/2013 phê duyệt Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2030, trong đó đề cập đến các nội dung chính như thực hiện phân loại, sắp xếp lại các DNNN tập trung vào 4 lĩnh vực chính, gồm: công nghiệp quốc phòng, các ngành công nghiệp độc quyền tự nhiên, lĩnh vực cung cấp hàng hóa thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn; đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các DNNN không cần nắm giữ 100% sở hữu.

Mới đây, ngày 11/7/2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, kể từ ngày 1/9/2013, DNNN không được đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định.

Tuy nhiên, nhìn chung, các văn bản mới chỉ dừng ở việc đưa ra các biện pháp tái cơ cấu mang tính hành chính, ít tính thị trường, như ít áp dụng các biện pháp theo cơ chế thị trường: phá sản, sáp nhập doanh nghiệp, kể cả với các tập đoàn, tổng công ty; mua bán nợ, tài sản tồn đọng; mở rộng đối tượng mua bán doanh nghiệp, mua bán nợ của nhiều loại doanh nghiệp trong thị trường…

Việc sắp xếp DNNN mới được triển khai theo bề rộng, chủ yếu giảm số lượng doanh nghiệp, mà chưa có những thay đổi về chất. Các DNNN sau khi tái cơ cấu chỉ thay đổi về hình thức, như: tên gọi, hình thức pháp lý là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thay đổi hình thức tổ chức kinh doanh sang dạng tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con… trong khi những tồn tại, yếu kém về tài chính, nhân lực, quản lý lại chưa được thay đổi căn bản. Hơn nữa, chưa đề cập đến nội dung tái cơ cấu trong cơ chế cụ thể thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty và cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ các văn bản này không chỉ ra được việc áp đặt kỷ luật thị trường lên tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tạo dựng môi trường cạnh tranh ở những lĩnh vực, ngành nghề, mà họ đang độc quyền kinh doanh hoặc chiếm vị thế thống lĩnh. Đồng thời, không đặt ra lộ trình các tập đoàn, tổng công ty phải công khai, minh bạch theo các tiêu chí của công ty niêm yết.

2. Khó khăn trong việc bảo toàn vốn. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán ảm đạm, việc tái cơ cấu DNNN đang đứng trước thách thức lớn nếu vẫn cố gắng đề bảo toàn nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện tái cơ cấu theo đúng lộ trình.

Báo cáo Kết quả kiểm toán năm 2012 niên độ ngân sách năm 2011 của 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước do Kiểm toán Nhà nước thực hiện cho thấy, bốn đơn vị được cổ phần hóa trong năm 2012 đều phải điều chỉnh giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, tại Công ty mẹ - Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng giá trị doanh nghiệp tăng thêm 164,43 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước tăng 179,9 tỷ đồng; Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh giá trị doanh nghiệp tăng thêm 15,5 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước tăng 10,49 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội giá trị doanh nghiệp giảm 126,15 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước tăng 10,01 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam giá trị doanh nghiệp giảm 4,02 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước giảm 0,084 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư ngoài ngành của một số đơn vị rất thấp. Thậm chí, nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Điển hình là Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đầu tư vào Công ty liên kết PVC-SG lỗ 85,8 tỷ đồng, PVC Land lỗ 66,4 tỷ đồng, Công ty Sopewaco lỗ 48,5 tỷ đồng;; Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định đầu tư 1,2 tỷ đồng vào Công ty Thực phẩm Xuất khẩu Bình Định không có khả năng thu hồi vốn do bị thua lỗ kéo dài, đang thực hiện giải thể; Tại Vinaconex: ba công ty do Công ty Xuân Mai góp vốn thua lỗ 78,5 tỷ đồng; Công ty E&C đầu tư 26,31 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Vinaconex lỗ 36,3 tỷ đồng, bằng 91% vốn điều lệ, đầu tư vào Công ty cổ phần Xây dựng Vinaconex 11 lỗ 29,5 tỷ đồng, bằng 35% vốn điều lệ...

Đầu tư thua lỗ là một trong những nguyên nhân khiến việc thoái vốn ngoài ngành trở nên khó khăn. Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty mẹ - Vinachem chưa thoái vốn các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm theo quy định; Công ty mẹ - CC1 đầu tư tài chính ngắn và dài hạn 1.105,08 tỷ đồng, bằng 2,25 lần vốn điều lệ và vượt 1,25 lần mức quy định; Công ty mẹ - Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV đầu tư ra ngoài 1.605,74 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 425,2 tỷ đồng; Công ty cổ phần TIE thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đầu tư tài chính 105,6 tỷ đồng, vượt 10% vốn điều lệ.

3. Vốn ít, đầu tư thua lỗ, DNNN đang phải đối mặt với số nợ quá lớn. Tại Chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời” đầu tháng 7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tổng số nợ của DNNN là 1.008.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 790.000 tỷ đồng. Con số “khá sốc” này khiến xã hội thêm nghi ngại về khả năng trả nợ của khu vực DNNN.

Còn theo Kiểm toán Nhà nước, đến 31/12/2011, tổng nợ phải thu của 27 tập đoàn, tổng công ty là 54.133 tỷ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56% và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, có 4/27 tập đoàn, tổng công ty bị lỗ. Trong đó Petrolimex có mức lỗ nặng nhất, với số lỗ 1.671 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán đến 31/12/2011 là 263.288 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu là 65.241 tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng nguồn vốn; nợ phải trả chiếm 69,94% tổng nguồn vốn. Điều này cho thấy, các DNNN đang hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Trong đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam đang có nợ phải trả/tổng nguồn vốn cao nhất, ở mức 97,9%. Tuy nhiên, công ty này lại có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 2,57%.

4. Tốc độ cổ phần hóa chậm. Cổ phần hóa các DNNN được coi là hướng cơ cấu lại bằng các biện pháp có tính thị trường, hiệu quả hơn và có khả năng áp dụng cho số lượng đông đảo các DNNN với các quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, cấp quản lý khác nhau. Tuy nhiên, tốc độ cổ phần hóa chậm và lượng vốn do Nhà nước nắm giữ còn khá cao. Việc thực hiện cổ phần hóa đã diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng còn rất chậm so với kế hoạch đề ra. Kế hoạch cổ phần hóa của nhiều đơn vị bị trì hoãn từ năm này qua năm khác với nhiều lý do khác nhau. Đặc biệt trong hai năm 2009-2010, kế hoạch cổ phần hóa chỉ thực hiện được 20-25%.

Mới đây, thông tin từ Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong cả năm 2012 và trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước mới sắp xếp được 27 doanh nghiệp, cụ thể: cổ phần hóa 16 doanh nghiệp, sát nhập 5 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp và chuyển đổi 3 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đáng chú ý là có 76 doanh nghiệp của 23 tập đoàn kinh tế nhà nước, DNNN trực thuộc bộ, ngành và địa phương xin lùi cổ phần hoá sau năm 2015.

5. Thiếu sự phối hợp liên ngành trong việc chọn DNNN để tái cơ cấu “điểm”.

Tại buổi công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2013, sáng 9/4/2013, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, nếu không có một vài doanh nghiệp hoàn tất kế hoạch này, niềm tin của giới đầu tư kinh doanh vào những triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ khó hồi phục.

Theo quan điểm của ADB, Chính phủ Việt Nam cần có một cách tiếp cận có tính chiến lược và có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các DNNN vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc. Một số thành công và tiến bộ bước đầu có thể tạo động lực cho việc cải cách hơn nữa. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn trong thực thi các đề xuất này, theo ADB, đó là sự phối hợp liên ngành trong giải quyết các vấn đề liên quan đến DNNN (Việt Anh, 2013).

Một số đề xuất

Trên cơ sở nhận diện những điểm nghẽn trong quá trình tái cơ cấu DNNN, theo chúng tôi, trong thời gian tới, Nhà nước nên tập trung vào các hướng sau đây:

Thứ nhất, phân định rõ những ngành nào Nhà nước cần năm 100% vốn, ngành nào cần nắm cổ phần hóa chi phối, ngành nào không cần. Thông qua đó, thu hẹp số lượng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cần có DNNN. Đồng thời, cần dừng thí điểm thành lập và kiểm soát chặt việc thành lập thêm các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty.

Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNN, đặt họ vào môi trường cạnh tranh. Đặc biệt, cần tách biệt vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu quản lý, điều tiết. Việc tách bạch này sẽ tạo áp lực buộc lãnh đạo các doanh nghiệp phải cư xử theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, cần xóa bỏ mọi hình thức ưu đãi đối với DNNN, đối xử bình đẳng như với khu vực kinh tế tư nhân.

Xóa bỏ cơ chế chủ quản theo kiểu hành chính quan liêu, bao cấp đối với các DNNN, để các doanh nghiệp được tự chủ trong cơ chế thị trường và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng đồng vốn của Nhà nước trước các cơ quan tài chính.

Thứ ba, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý về đầu tư, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước; về giám sát, kiểm tra, thanh tra; về tổ chức thực hiện chức năng của chủ sở hữu đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để vừa nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo trong quản lý sản xuất kinh doanh theo pháp luật.

Thứ tư, kiên quyết sắp xếp, giải thể các DNNN hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng khôi phục. Đồng thời, tái cơ cấu nhân lực quản trị, người đại diện theo ủy quyền và người đại diện vốn. Bổ sung cơ chế đào thải cùng các chế tài mạnh dựa trên các tiêu chí minh bạch rõ ràng để thực hiện. Không thể chấp nhận những cán bộ có trình độ chuyên môn thấp, kém năng động, nhất là khi trao cho họ những doanh nghiệp có số vốn lớn hàng trăm tỷ đồng và hàng nghìn người lao động.

Thứ năm, xử lý những vướng mắc còn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa, thúc đẩy nhanh quá trình này theo đúng tiến độ đặt ra. Theo Bộ Tài chính, tiến trình cổ phần hóa vẫn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc xuất phát từ quy định của Nghị định 59/2011/CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Chính vì thế, Bộ này đang đề xuất, trình Chính phủ Nghị định mới trên cơ sở sửa đổi Nghị định 59. Mặt khác, Bộ Tài chính còn kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cơ chế quản lý đất đai đối với các DNNN cổ phần hóa theo hướng quy định về nguyên tắc, tất cả diện tích đất doanh nghiệp đang quản lý phải chuyển sang thực hiện ký hợp đồng thuê đất có thời hạn với cơ quan có thẩm quyền, trừ những trường hợp đặc biệt. Quy định này nhằm khắc phục bất cập trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất trong thời gian qua để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2012). Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015, phê duyệt theo Quyết định số 929/QĐ-TTg, ngày 17/7/2012

2. Thanh tra Chính phủ (2013). Kết quả kiểm toán năm 2012 niên độ ngân sách năm 2011 của 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước, công bố tại buổi Họp báo thường kỳ ngày 25/7/2013

3. Hoàng Thị Bích Loan (2012). Quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp, Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 4/2012

4. Việt Anh (2013). Không thể tái cơ cấu cùng lúc các DNNN, Sài Gòn tiếp thị online, truy cập từ http://sgtt.vn/Kinh-te/176649/Khong-the-tai-co-cau-cung-luc-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc.html

Phùng Thị Phương Anh

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 18/2013