Đề án cũng nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế; góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế.

Nội dung của Đề án gồm nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát; khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng khu vực kinh tế chưa được quan sát trong nền kinh tế; xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế phản ánh phạm vi, quy mô của khu vực kinh tế này; phương pháp đo lường.

Cụ thể, theo Đề án, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ở nước ta, các hoạt động kinh tế chưa được quan sát xuất hiện ngày càng đa dạng và phức tạp. Đến nay, khu vực kinh tế này vẫn chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện. Tuy vậy, có thể tổng kết đặc điểm của 5 nhóm hoạt động thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát ở nước ta hiện nay như sau:

- Khu vực kinh tế ngầm thường là những hoạt động hợp pháp nhưng dấu diếm có chủ ý (khai báo thiếu, không khai báo…) để tránh nộp thuế hoặc nộp thuế thấp hơn thực tế; tránh đóng bảo hiểm xã hội; tránh thực hiện các quy định theo yêu cầu về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, điều kiện sức khỏe, tay nghề, bằng cấp… của người lao động; tránh các thủ tục pháp lý, hành chính như báo cáo tài chính, báo cáo thống kê hoặc các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật chỉ bị xử phạt hành chính, chưa đến mức xử lý hình sự.

- Hoạt động kinh tế bất hợp pháp là những hoạt động bị pháp luật cấm như sản xuất và buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm, buôn bán người…; hoạt động kinh doanh có điều kiện nhưng không có giấy phép kinh doanh phù hợp, không tuân thủ các quy định của pháp luật; hoạt động kinh doanh hợp pháp nhưng do đối tượng bất hợp pháp thực hiện; hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.

- Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát có một số đặc điểm: quy mô vốn và lao động nhỏ; không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh; không ký hợp đồng lao động; không có hệ thống sổ sách ghi chép kế toán; không tách biệt tài sản và lao động của cơ sở cho sản xuất và sinh hoạt; không có tư cách pháp nhân.

- Hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình là các hoạt động tự sản xuất ra các sản phẩm của hộ gia đình phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, tích lũy của các cá nhân trong hộ, nhưng không bao gồm hoạt động dịch vụ do thành viên trong hộ tự làm phục vụ cho nhu cầu cá nhân của các thành viên hộ như nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà, chăm sóc cây cảnh, vật nuôi cảnh…

- Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê do dàn mẫu điều tra bị thiếu do doanh nghiệp/cơ sở chuyển địa điểm…; không tiếp cận được đối tượng cung cấp thông tin; không điều tra. Ngoài ra, còn do đối tượng cung cấp thông tin không cung cấp do vô tình, không cố ý; do cơ quan quản lý Nhà nước chưa quản lý, nhận dạng được hoạt động.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả thử nghiệm, hằng năm tiến hành đo lường chính thức, cập nhật kết quả biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chỉ tiêu tài khoản quốc gia khác theo phương pháp sản xuất. Các số liệu ước tính, sơ bộ, chính thức; các kỳ biên soạn, công bố, phổ biến quý I, quý II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và cả năm của các chỉ tiêu này thực hiện theo Luật Thống kê ngày 23/11/2015 và các văn bản liên quan khác.

Giải pháp chủ yếu của Đề án là khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ); loại hình sở hữu (Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.

Xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, bảo đảm tính toàn diện và khả thi, phù hợp với khả năng thu thập thông tin của ngành Thống kê và các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó quy định rõ ràng, đầy đủ tiêu thức phân tổ, kỳ thu thập thông tin, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập. Định kỳ rà soát, cập nhật bổ sung Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào để đáp ứng yêu cầu với thực tế.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê, góp phần nâng cao hiệu quả đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Sử dụng đồng thời ba hình thức: Điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin. Kịp thời cài đặt nội dung khu vực kinh tế chưa được quan sát vào các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có (Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê của các bộ, ngành; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã); bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Tăng cường phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát giữa các bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế về đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và nghĩa vụ xã hội của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; quy định về sử dụng lao động, đào tạo nghề, cung cấp tín dụng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội; quy định về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và các quy định khác, góp phần đánh giá chính xác và thu hẹp phạm vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê, cập nhật lý luận, phương pháp nghiệp vụ tiên tiến và kinh nghiệm đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát của các nước, hướng tới thực hiện mục tiêu nâng mức độ biên soạn Hệ thống tài khoản quốc gia của Thống kê nước ta theo Khung đánh giá của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc từ mức 2/6 năm 2008, lên đạt mức 4/6 vào năm 2020 và mức 6/6 vào năm 2030 đề ra trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030./.