Báo cáo “Vượt qua trở ngại” cập nhật tình hình kinh tế tại các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vừa Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam chững lại, còn 6,6% năm 2019. Hai năm trước đó, số liệu được ghi nhận lần lượt là 6,8% và 7,1%.

Nền tảng tích cực

Sau khi đạt mức tăng trưởng 6,8% năm 2017, số liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng GDP năm 2018 đã lên đến 7,1%, do các hoạt động kinh tế đồng loạt khởi sắc.

Tăng trưởng ở các ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt mức 3,5% so với 2,8% năm 2017. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,5%, do các lĩnh vực chế tạo, chế biến tăng trưởng mạnh ở mức 13% nhờ sức cầu bên ngoài cao. Ngành dịch vụ đạt tăng trưởng 7,2% do duy trì được thế mạnh về du lịch và tiêu dùng trong nước.

Hoạt động kinh tế sôi động đã tạo thêm việc làm và hỗ trợ tiếp tục giảm nghèo. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 2,2% trong năm 2018, ngang mức năm 2017, nhưng tỷ lệ khiếm dụng lao động đã giảm xuống 1,5% trong cùng kỳ so với 1,7% năm 2017.

Theo ước tính, tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo quốc tế áp dụng cho các quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,2 USD, ngang giá sức mua năm 2011) giảm từ 8,4% năm 2016 xuống còn 5,9% năm 2018.

Mặc dù tình hình thương mại thế giới có nhiều biến động, cán cân kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn tiếp tục cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính tăng 13,2% trong năm 2018 – thấp hơn so với mức 21,8% năm 2017, nhưng cao hơn đang kể so với tỷ lệ tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh còn 11,1% so với 21,9% năm 2018, cho thấy kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trung gian và phục vụ đầu tư giảm mạnh. Hoạt động thương mại sôi động đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới, với tỷ lệ thương mại trên GDP trong năm đạt gần 200%.

Xuất khẩu tốt cũng giúp Việt Nam duy trì được thặng dư tài khoản vãng lai trong tám năm liên tiếp. Thặng dư tài khoản vốn của Việt Nam vẫn ở mức cao do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được duy trì ở mức cao. Vị thế kinh tế đối ngoại vững chắc làm giảm áp lực tỷ giá, giúp cho NHNN nâng dự trữ ngoại hối từ mức tương đương 2,1 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2015 lên đến khoảng 2,8 tháng vào cuối năm 2018. Nhờ vị thế kinh tế đối ngoại vững vàng, tỷ giá đã và đang tương đối ổn định kể từ giữa năm 2018, nhưng vẫn để lại một số quan ngại về sự mất giá thực của tiền đồng, với khả năng gây tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Tình hình tài khóa của Việt Nam cũng đã cải thiện khi bội chi ngân sách chung ước tính giảm xuống còn 4% GDP trong năm 2018 so với 4,3% năm 2017 và 4,9% năm 2016. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 23,6% GDP năm 2018 – tương đương với số liệu báo cáo năm 2016 và 2017 – nhờ nguồn thu từ các sắc thuế lớn được khôi phục theo chu kỳ do tăng trưởng mạnh về tiêu dùng và thu nhập.

Trong cùng kỳ, chi ngân sách ước giảm còn 27,6% GDP trong năm 2018, thấp hơn so với 28,5% năm 2016 và 27,8% năm 2017, chủ yếu do cắt giảm chi đầu tư và hợp lý hóa các nội dung chi có thể chủ động khác.

Năm 2019, GDP tăng 6,6%

Tăng trưởng được dự báo sẽ chững lại còn 6,6% năm 2019, do tín dụng được thắt lại, tiêu dùng tư nhân giảm đà và nhu cầu bên ngoài yếu hơn. Áp lực lạm phát vẫn ở mức vừa phải theo dự báo, trong điều kiện sức cầu trên toàn cầu giảm nhẹ, giá cả năng lượng và lương thực thực phẩm ở mức vừa phải.

Nhìn về trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ xoay quanh mốc 6,5% do tác động tăng theo chu kỳ như hiện này sẽ giảm dần. Tỷ lệ nghèo dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi các điều kiện trên thị trường lao động vẫn thuận lợi.

Mặc dù viễn cảnh trước mắt được cải thiện, nhưng vẫn còn đó những rủi ro theo hướng xấu đi đáng kể. Nhìn từ trong nước, các nỗ lực tái cơ cấu DNNN và khu vực ngân hàng bị trì hoãn có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến tình hình tài chính – vĩ mô, làm suy giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ cho khu vực công. Đầu tư công tiếp tục suy giảm có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển dài hạn.

Các nỗ lực củng cố tình hình tài khóa tiếp theo cần tập trung kiềm chế tăng chi thường xuyên và đồng thời phải ổn định được kết quả thu.

WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương với những biến động tiếp theo của nền kinh tế toàn cầu do độ mở cửa thương mại lớn, dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa còn tương đối hạn chế./.

BẢNG: Việt Nam / Các chỉ số triển vọng nghèo vĩ mô (thay đổi % theo năm trừ khi diễn giải theo cách khác)

2016

2017

Ước 2018

Dự báo 2019

Dự báo 2020

Dự báo 2021

Tăng trưởng GDP thực, theo giá thị trường cố định

6,2

6,8

7,1

6,6

6,5

6,5

Tiêu dùng tư nhân

7,3

7,4

7,3

7,2

7,2

7,2

Tiêu dùng của Chính phủ

7,5

4,9

4,7

5,8

6,0

6,0

Đầu tư tài sản cố định gộp

9,9

9,4

8,3

8,4

8,0

8,0

Xuất khẩu, hàng hóa và dịch vụ

13,9

14,9

14,5

14,1

14,0

14,0

Nhập khẩu, hàng hóa và dịch vụ

15,3

15,3

14,3

14,2

14,1

14,1

Tăng trưởng GDP thực, theo giá yếu tố sản xuất cố định

6,2

6,7

7,1

6,6

6,5

6,5

Nông nghiệp

1,4

2,8

3,5

2,5

2,0

2,0

Công nghiệp

7,6

8,0

8,5

8,0

8,0

8,0

Dịch vụ

7,0

7,1

7,2

6,9

6,7

6,7

Lạm phát (Chỉ số giá tiêu dùng)

3,2

3,5

3,5

4,0

4,0

4,0

Cân đối tài khoản vãng lai (% GDP)

2,9

2,8

2,9

2,4

2,2

1,9

Cân đối tài khóa (% GDP)

-4,9

-4,3

-4,0

-3,9

-3,9

-3,9

Nợ (% GDP)

60,0

58,6

57,6

57,2

57,0

56,9

Cân đối cơ bản (% GDP)

-2,8

-2,3

-2,1

-2,0

-1,9

-1,8

Tỷ lệ nghèo chuẩn quốc tế (1,9$ ngang giá sức mua 2011)a,b

2,0

1,7

1,4

1,2

1,0

0,8

Tỷ lệ nghèo chuẩn thu nhập trung bình ngưỡng thấp (3,2$ ngang giá sức mua 2011)

8,4

7,1

5,9

5,0

4,3

3,6

Tỷ lệ nghèo chuẩn thu nhập trung bình ngưỡng cao (5,5$ ngang giá sức mua 2011)

29,0

25,8

22,9

20,4

18,3

16,4


Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Khối Nghiệp vụ Toàn cầu về Giảm nghèo & Công bằng và Kinh tế Vĩ Mô, Thương mại & Đầu tư. Ghi chú e = ước, f = dự báo.
(a) Tính toán dựa trên hài hòa EAPPOV, sử dụng số liệu VHLSS 2014 và VHLSS 2016. Dự báo tức thời từ 2017 đến 2018. Dự báo từ 2019 đến 2021. (b) Dự báo sử dụng độ co dãn quy theo năm (2014-2016) chuyển tiếp = 1 dựa trên GDP đầu người ổn định theo đồng nội tệ.