Ngày 1/7, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo "Điểm lại", cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2019.

Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng từ yếu tố bất lợi bên ngoài. Rủi ro tiếp tục gia tăng do tình trạng bất định toàn cầu tăng lên khi căng thẳng thương mại leo thang và biến động tài chính nhiều hơn. Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến, các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới, ông Ousmane Dione cho rằng: “Động lực tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam vẫn là ngành chế tạo. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình 11%-12%/năm trong vòng 4 năm qua. Ngành dịch vụ đạt kết quả kinh doanh tốt, cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững”.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ/GDP giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn 58,4% năm 2018. Hoạt động thương mại sôi động đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới, với tỷ lệ thương mại trên GDP trong năm đạt gần 200%...

Theo ông Ousmane Dione, mặc dù có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chững lại theo chu kỳ, báo cáo này nhận định rằng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn tích cực.

“Tăng trưởng GDP trong năm 2019 được Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ giảm còn 6,6% do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục bị thắt chặt. Tốc độ này vẫn rất tích cực dù chững lại”, ông Ousmane cho biết.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng Việt Nam đạt 6,6% trong năm 2019

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng lo ngại những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt. tăng trưởng gần đây giảm tốc là do tác động dội của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng. Trong đó, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp.

“Dịch tả lợn châu Phi làm tăng trưởng suy giảm, 3 triệu con lợn bị tiêu hủy đầu năm cũng ảnh hưởng giá cả và lạm phát trong nửa năm nay”, ông Sebastian nói.

Bên cạnh đó, sức cầu bên ngoài yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Ngoài ra, theo Ngân hàng Thế giới, rủi ro đến từ bên ngoài còn trở nên phức tạp hơn khi kết hợp với những nguy cơ dễ tổn thương trong nước, bao gồm chậm trễ trong quá trình củng cố tình hình tài khóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư và viễn cảnh tăng trưởng.

Trước tình hình trên, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm đảm bảo bền vững dài hạn. Ông Ousmane Dion cho rằng, Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, dẫn đến suy giảm sâu hơn so với dự kiến.

“Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các hiệp định khu vực và đa phương, đặc biệt là EVFTA vừa được ký kết”, ông Ousmane Dion nhấn mạnh./.