Nợ công Việt Nam là bao nhiêu?

Như chúng ta đã biết, khái niệm nợ công của Việt Nam hẹp hơn rất nhiều so với khái niệm phổ biến trên thế giới hiện nay (không tính phần nợ của các tổ chức độc lập mà Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, hoặc việc quyết lập ngân sách phải được sự phê duyệt của Chính phủ hoặc Chính phủ là người chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp tổ chức đó vỡ nợ, trong trường hợp ở Việt Nam thì điển hình cho đối tượng này là các DNNN), đây là nguyên nhân sâu xa khiến còn có nhiều ý kiến khác nhau đối với vấn đề xác định mức nợ công và những chính sách/biện pháp quản lý liên quan.

Tại Hội thảo, TS. Lưu Bích Hồ đã cảnh báo, nợ công của Việt Nam theo định nghĩa quốc tế là gần gấp đôi số Bộ Tài chính công bố. Năm 2011, ước tính theo định nghĩa quốc tế, nợ công của Việt Nam là 128,9 tỷ USD, bằng 106% GDP; theo định nghĩa của Việt Nam là 66,8 tỷ USD, bằng 55% GDP, tức là không tính phần của DNNN là 62,8 tỷ USD, bằng 51% GDP. Chiến lược quản lý nợ công đặt mức khống chế là 65%/năm, nhưng khó thực hiện vì tái cơ cấu kinh tế còn khó khăn kéo dài.

Nhiều chuyên gia nhận định, vấn đề lo ngại nhất trong con số nợ công của Việt Nam lúc này đó không chỉ là tỷ lệ nợ công/GDP cao, mà tốc độ gia tăng nợ công không tương xứng với khả năng trả nợ của đất nước. Có thể nói, con số này đang gia tăng một cách “đáng báo động” trong những năm gần đây. Giai đoạn 2007-2010, nợ công của Việt Nam tăng từ 33,8% lên 54,6% GDP. Tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2007-2010: là 15%/năm. Như vậy, tốc độ gia tăng nợ công (15%/năm) đang dần “bắt kịp” tốc độ tăng thu ngân sách (17-21%), có nghĩa là vài ba năm nữa nguồn tăng thu chỉ đủ để bù trả nợ.

Trong khi đó, nợ được Chính phủ bảo lãnh gia tăng nhanh chóng trong những năm vừa qua, điều này làm gia tăng nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước.

Bài học rút ra từ châu Âu

PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh, Viện Kinh tế Chính trị Thế giới, qua nghiên cứu về khủng hoảng nợ công châu Âu đã rút ra một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới khủng hoảng và liên hệ với Việt Nam, hiện đang có một số điểm tương đồng đó là:

Một là, tất các các nước rơi vào vòng xoáy nợ công đều có kỷ luật tài khóa lỏng lẻo. Tình hình thực hiện ngân sách chi cuối năm luôn vượt xa Nghị quyết của Quốc hội về chi ngân sách được công bố đầu năm.

Hai là, việc phân bổ nguồn vốn dễ bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu chính trị nhiều hơn mục tiêu kinh tế.

Bà là, thời gian thực hiện dự án kéo dài. Hiếm có dự án công nào hoàn thành đúng tiến độ. Hậu quả là tiền lãi phải trả trên vay nợ tăng.

Bốn là, hiệu quả sử dụng vốn thấp (thường thấp hơn các dự án vay vốn thương mại của khu vực tư).

Năm là, trách nhiệm người đi vay không cao vì những người tham gia quyết định vay nợ không hẳn là những người sẽ phải lo trả nợ nhất là khi người vay không có cơ hội tái đắc cử.

Sáu là, Chính phủ có khả năng che đậy các vấn đề bất cập của tình hình nợ công trong một thời gian khá dài (có thể tới 10 năm) nên việc điều chỉnh chính sách khắc phục không được kịp thời.

Bảy là, năng lực quản lý và điều hành của EU, mà cụ thể là Ngân hàng trung ương châu Âu chưa được tốt, có sự mâu thuẫn lợi ích giữa các nước thành viên Eurozone, dẫn đến sự không nhất quán trong việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước thành viên.

Nhìn lại thực trạng của nền kinh tế Việt Nam, nhiều người không khỏi lo lắng, bởi những đặc điểm giống với các nước châu Âu khi lâm vào khủng hoảng nợ công, đó là: (i) Tăng trưởng GDP giảm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 đến nay; (ii) Thâm hụt ngân sách và nợ công lớn, tăng mạnh từ năm 2001 đến năm 2010; (iii) Lạm phát luôn có xu hướng tăng mạnh, luôn cao trên 8% kể từ năm 2006 đến 2011; (iv) Tỷ lệ tiết kiệm ròng đã được điều chỉnh thấp chỉ 12-14% GNI mỗi năm, thấp hơn 5% so với trung bình của châu Á.

Tính bền vững của nợ công đang suy giảm, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng ở châu Âu, cộng với nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn, thì sự việc lại rất đang ngại. Hơn nữa, đề bù đắp thâm hụt ngân sách, trong khi điều kiện vay nợ trong nước bị thu hẹp do kinh tế đang gặp khó khăn thì nhiều khả năng phần nợ nước ngoài sẽ tăng lên. Trước tình hình này, không ít ý kiến của các chuyên gia tài chính cho rằng Việt Nam đang đứng trước những rủi ro nợ tiềm ẩn.

Giải pháp phòng ngừa cho Việt Nam

Những giải pháp mà các chuyên gia thống nhất đưa ra cho Việt Nam nhằm chủ yếu ở công việc phòng ngừa khi mọi thứ còn có thể kiểm soát được.

Trước mắt cần nhanh chóng chuẩn hóa hệ thống thống kê nợ công theo thông lệ quốc tế để nắm bắt được thực chất vấn đề nợ công hiện nay và chiều hướng sắp tới, nhằm phản ánh được đầy đủ tính dễ bị tổn thương trước những “cú sốc” hoặc biến cố bất ngờ, từ đó xây dựng chiến lược về nợ công cũng như có những chính sách, biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.

Thứ hai, là tăng thu, giảm chi, phát huy nội lực của nền kinh tế: tăng hiệu quả trong sản xuất nói chung và hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu nói riêng. Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất để xuất khẩu được nhiều sản phẩm tinh hơn.

Thứ ba, tăng cường công tác thể chế quản lý và giám sát nợ công, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đầu tư công hiệu quả, không dàn trải, lãng phí.

Thứ tư, thay đổi cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng nợ trong nước, giảm tỷ trọng nợ nước ngoài và nợ được Chính phủ bảo lãnh