Có nhiều con đường để dẫn tới niềm tin

Theo PGS, TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I vừa qua, nhìn chung, vĩ mô dường như có vẻ ổn định, nhưng nhìn vào kinh tế thì cả tổng cung và tổng cầu đều giảm. “Đây thực sự là dấu hiệu của sự suy giảm và nếu tiếp tục giảm sâu hơn nữa thì sẽ là suy thoái”, chuyên gia này cảnh báo.

Đã đến lúc phải đưa ra các giải pháp cấp bách, bởi nếu nhìn vào số liệu thì quý II chưa chắc đã tăng trưởng cao hơn quý I. Và để giải quyết vấn đề này, cần thay đổi lại định hướng, quan điểm phát triển. Đặc biệt là mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng.

Việt Nam là một đất nước đang chuyển đổi, đang thay đổi cơ cấu, nếu lạm phát nhất thiết phải “kìm nén” ở mức 6,5-7% thì đây không phải là mức tối ưu cho một đất nước đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Nếu như con số này ở mức 8-9% thì sẽ bớt sức ép về suy giảm, đặc biệt là bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Và TS. Đào Văn Hùng cảnh báo thêm, nếu coi lạm phát là “lỗi” của Ngân hàng Nhà nước thì, vô hình chung, tạo 1 sức ép cho cơ quan này. Và để đảm bảo mức lạm phát theo “đúng hướng”, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ cần làm 1 động thái rất nhanh là chặn dòng tiền ra hay làm giảm cung tiền thì lập tức lạm phát sẽ giảm ngay. Bởi vậy, không nên gây ra sức ép như vậy, sẽ tạo ra những phản ứng tiêu cực.

Bên cạnh ổn định kinh tế vĩ mô thì vẫn phải đề cao tăng trưởng và vấn đề là cần phải lấy lại niềm tin, và cách lấy lại niềm tin nhanh nhất là bằng tăng trưởng. Đó cũng là cách để cân bằng giữa các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội. Điều này cần tập trung làm trong thời gian sớm nhất.

PGS, TS. Đào Văn Hùng: “Cách lấy lại niềm tin nhanh nhất là bằng tăng trưởng GDP.”

Một vấn đề nữa, theo ông Hùng, chính tính không hiệu quả của đầu tư công mới làm gia tăng lạm phát, nếu đầu tư công hiệu quả sẽ làm gia tăng hiệu quả về tăng cầu. Đồng thời, cần phải khơi thông bội chi ngân sách, khi tăng trưởng phục hồi, bội chi ngân sách và lạm phát sẽ thấp hơn.

Vấn đề tiếp theo cần làm, theo người đứng đầu Học viện Chính sách và Phát triển, về xử lý nợ xấu, ông cũng còn những nghi ngại vào sự thành công của Công ty Quản lý Tài sản (AMC), bởi đó chỉ là cách gia hạn lại thời gian xử lý, chứ không cắt bỏ hoàn toàn “cục máu đông” này. Cho dù có xử lý được thì mới chỉ cho phía ngân hàng, còn doanh nghiệp thì chưa xử lý được.

Bởi vậy, Chính phủ nên vay các tổ chức quốc tế, để xứ lý các khoản nợ xấu một cách dứt điểm, theo như kinh nghiệm của Indonexia đã làm trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Nó không phải chỉ đơn thuần xử lý nợ xấu mà khi các tổ chức quốc tế tham gia, họ sẽ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời cải cách lại hệ thống quản lý quản trị, thì mới giải quyết dứt điểm được. “Kể cả Nhà nước bỏ tiền ra thì cũng không mấy hiệu quả”, vị chuyên gia về tài chính – ngân hàng này nhấn mạnh.

Theo đánh giá của GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cần vực dậy niềm tin từ phía doanh nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như: giãn, giảm thuế, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tín dụng… Tuy nhiên, những giải pháp này chưa giải quyết được cơ bản các vấn đề của thị trường nhà đất, hàng hóa và chứng khoán... Nguyên nhân là do cường độ các giải quyết chưa đủ mạnh và cách tiếp cận hệ thống các giải pháp nhiều khi không cùng một hướng.

Bên cạnh đó, một số chính sách chưa được nghiên cứu thận trọng đã được ban hành hay thay đổi như: Việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, kinh doanh vàng miếng, thu phí phương tiện giao thông… làm tăng thêm chi phí của doanh nghiệp.

Ông Mại cho biết thêm, Nhà nước cần theo dõi động thái thị trường, lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp thông qua hiệp hội, ngành hàng, thống kê đầy đủ và chính xác thực trạng hoạt động của doanh nghiệp để loại bỏ những chính sách lỗi thời; sửa đổi, bổ sung chính sách, giải pháp hiện có nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới, để những tháng còn lại của nửa đầu năm 2013 tạo ra sự biến chuyển tích cực đối với đầu tư và kinh doanh.

Còn theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Chính phủ đặt ra nhiều mục tiêu như kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc nền kinh tế, mở cửa hội nhập, thậm chí còn đặt mục tiêu dài hạn cho 20-30 năm. Nếu làm được thì rất tốt, tuy nhiên, Việt Nam đang ở trong giai đoạn bước ngoặt của sự phát triển nên khó có thể làm ngay tất cả các mục tiêu này được.

Hiện nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều yếu tố cần xử lý nhưng theo ông Thành, việc cần làm trước mắt là ưu tiên những biệp pháp để vực dậy niềm tin cho thị trường và các doanh nghiệp. Đó là, bắt tay ngay vào xử lý nợ xấu ngân hàng, tích cực hạ lãi suất cho vay với các doanh nghiệp để họ có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Gốc rễ niềm tin ở đâu?

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TW, cần có động lực mới để thay đổi từ gốc của nền kinh tế.

Lý giải cho ý kiến của mình, theo ông, vấn đề của kinh tế đất nước là vấn đề dài hạn, nền kinh tế hiện nay đã rơi vào thời kỳ suy giảm, nếu tìm cách cải thiện có thể sẽ rơi vào khủng hoảng.

Con số tăng trưởng GDP quý I là 4,89% cũng không nói lên điều gì nhiều, bởi nếu cứ diễn biến như thế này thì sang năm nền kinh tế có thể sẽ là như thế và hơn một chút.

“Bởi chúng ta làm nhiều nhưng không có gì mới, không có động lực mới, chất mới, không có gì gọi là cải cách. Những giải pháp chúng ta làm như Nghị quyết 01, 02 hay Nghị quyết 13 trước đó là rất truyền thống, tăng cầu chỗ này một tí, tăng cung chỗ kia một tí, giảm cung, giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp một tí, đó chỉ là cách kéo dài thêm tình trạng suy giảm, chứ không phải là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, vị chuyên gia kinh tế đến từ CIEM thẳng thắn.

“Và những giải pháp này mang tính hành chính là chủ yếu, không thấy một giải pháp nào là khuyến khích cho doanh nghiệp theo chiều ngang, kết hợp với nhau tạo ra một thị trường cho doanh nghiệp kinh doanh. Những giải pháp trên mới chỉ mang tính ngắn hạn, còn tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề gốc thì chúng ta lại làm không triệt để, còn nửa vời, có tính chất che đậy, nửa vời”, ông nói.

Minh chứng cho lời nói của mình, ông cho biết, ví dụ vấn đề nợ xấu, hiện nay chính xác là bao nhiêu thì có nhiều con số khác nhau, bởi cách tính không làm theo chuẩn quốc tế. Nếu làm triệt để, cần phải thuê tư vấn độc lập kiểm định, để biết được thực trạng là bao nhiêu để giải quyết vấn đề.

Ông đề xuất, tái cơ cấu nợ xấu không chỉ là giải quyết số nợ này, mà còn phải đưa tài sản này vào sản xuất. Muốn như vậy thì phải bán, nhưng bán cho ai và bán theo giá nào?

Về giá bán thì phải có sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán. Và có thể tỷ lệ khôi phục lại trên giao dịch là 10%, từ đó có thể nâng lên 15-20-30%.

Về đối tượng người mua, chuyên gia kinh tế này lý giải: “Các nhà tài chính khó có thể làm được vì những người tạo ra khủng hoảng khó có thể thoát ra khỏi khủng hoảng. Bởi vậy, nên bán cho người nước ngoài, muốn bán được cho người nước ngoài, thì chúng ta cần phải sửa một loạt điều luật đầu tư, còn nếu với cơ chế hiện tại thì họ khó có thể tham gia và gặp nhiều rủi ro. Bởi về thương quyền và đầu tư kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay còn hạn chế. Kinh nghiệm thành công tại Indonexia cho thấy, họ bán nợ xấu cho người nước ngoài, phần lớn là cho người Malaysia và Singapore là chủ yếu".

Và muốn lấy lại niềm tin, thì không chỉ có quyết tâm chính trị mà phải có đồng thuận chính trị./.