Việt Nam đang hướng tới thực hiện mô hình phát triển vì con người (tăng trưởng bao trùm)

Nhiều vấn đề trong bức tranh tăng trưởng của Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011- nay, tốc độ tăng trưởng GDP chưa cao. Nếu tính bình quân giai đoạn 2011-2020, thì khả năng chỉ đạt khoảng 6,58%, không đạt mục tiêu đặt ra cho cả thời kỳ Chiến lược phát triển của thời kỳ này (Ngô Thắng Lợi, 2019).

Tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng giảm dần nếu xét trong chu kỳ trung hạn 5 năm và 10 năm trong vòng 30 năm trở lại đây (Bảng), với tốc độ giảm nhanh dần, giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân năm giảm so với giai đoạn 1991-2000 là 0,34 điểm %, đến 2011-2020 mức giảm đã lên tới 0,68 điểm % so với 2001-2010, làm cho tốc độ tăng trưởng giai đoạn này chỉ bằng khoảng 85% tốc độ tăng trưởng của giai đoạn 1991-2000.

Bảng: Tốc độ tăng trưởng GDP các năm

Giai đoạn

Tốc độ tăng trưởng (%)

1991-1995

8,2

1996-2000

7,0

2001-2005

7,81

2006-2010

7,02

2011-2015

5,92

1991-2000

7,6

2001-2010

7,26

2011-2018

6,58

Nguồn: Niên giám Thống kê

Mặt khác, kết quả tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua bị chi phối rất lớn bởi khu vực FDI. Tăng trưởng GDP dựa vào khu vực FDI như hiện nay khiến nguồn lực của nền kinh tế yếu đi, tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) chiếm trong GDP hiện chỉ là 95% GDP, trong khi năm 2000 tỷ lệ này là 98,6% GDP (Nguyễn Văn Công, 2019).

Những hạn chế về tốc độ tăng trưởng kinh tế thời gian qua một phần quan trọng bị chi phối bởi chất lượng tăng trưởng thấp và chủ yếu vẫn dựa vào các tiềm năng và lợi thế cũ, như: lao động rẻ và khai thác tài nguyên. Trong khi đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng còn hạn chế, hệ số sử dụng vốn (ICOR) cao. Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều, nhất là về thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và đổi mới công nghệ.

Hiện nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm gần 14% GDP, nhưng 70% dân số sống ở nông thôn. Riêng khu vực phi chính thức (những người bán hàng rong, kinh doanh nhỏ lẻ tự phát) có số lượng lao động lớn, năm 2018, ước tính là 56,3% tổng việc làm.

Có thể nói, tăng trưởng không cao và chậm dần, chất lượng tăng trưởng thấp là một vấn đề khá nan giải, nhưng rất cần phải giải quyết trong thời gian tới ở Việt Nam vì nó chính là một rào cản lớn khi Việt Nam đang hướng tới thực hiện mô hình phát triển vì con người (tăng trưởng bao trùm). Nếu không giải quyết bài toán tăng trưởng nhanh và hiệu quả hơn, sẽ không thể có các tiền đề, điều kiện vật chất cũng như nguồn lực tài chính đủ mạnh để tạo ra những bước đột phá để tăng trưởng bao trùm.

Điều này thể hiện qua mức độ bất công bằng đang ngày càng gia tăng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ 2001 đến nay, bất công bằng trong phân phối thu nhập đã chuyển dịch từ cận trên của mức độ bất công bằng thấp hoặc cận dưới của bất công bằng vừa (theo tiêu chuẩn quốc tế) lên cận trên của bất công bằng vừa. Một số tiêu chí có thể lên xấp xỉ tới ngưỡng thấp của bất công bằng cao. Tỷ lệ giữa thu nhập bình quân nhóm người nghèo nhất so với thu nhập bình quân chung của toàn xã hội ngày càng thấp đi (Ngô Thắng Lợi và cộng sự, 2019).

Đổi mới tư duy để phát triển

Việc bước vào nhóm nước thu nhập trung bình đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam, trong đó nổi lên là thách thức tụt hậu và rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Có thể nói, với Việt Nam, đạt được mức thu nhập trung bình là kết quả của nỗ lực rất lớn trong gần 30 năm Đổi mới, nhưng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình hướng tới nền kinh tế bền vững và bao trùm đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy và tầm nhìn phát triển, cũng như bản lĩnh và quyết tâm lớn của cả nền kinh tế.

Đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế sẽ tạo nên nền tảng vững chắc và sức mạnh tiềm tàng cho dân tộc ta phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm, đi tới vị thế vẻ vang và xứng đáng của mình trong cộng đồng thế giới.

Nhìn lại có thể thấy, những thành công có được trong công cuộc đổi mới dựa phần nhiều trên tư duy động lực “cởi trói” chứ chưa phải trên tư duy động lực của “hoài bão và ước mơ chấn hưng đất nước”.

Như nhiều chuyên gia đã chỉ rõ: Thành công trong những năm qua làm chúng ta say sưa với động lực “cởi trói” và nhiều người tin rằng đó là động lực căn bản cho công cuộc phát triển. Điều này rất nguy hiểm!

Thực tế, để sức mạnh tiềm tàng của dân tộc được thực sự khơi dậy, sự nghiệp phát triển của nước ta trong những năm tới đây cần dựa trên động lực mãnh liệt của “ý chí và khát vọng chấn hưng đất nước”, làm cho “non sông ta sánh vai với các cường quốc năm châu”, chứ không phải chỉ là nỗ lực “cởi trói”, “làm cho sản xuất bung ra”. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ “cởi trói”“làm cho sản xuất bung ra” và hài lòng với các thành quả đã đạt được thì trì trệ vẫn có chỗ đứng và dân tộc khó có thể làm nên những thành quả kỳ diệu trong tương lai.

Để thay đổi, chúng ta phải thay đổi tư duy. Cụ thể, phải nhanh chóng chuyển từ tư duy “cởi trói”, “làm cho sản xuất bung ra” sang tư duy tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang chiều sâu .
Để phát triển, đòi hỏi Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới, bền vững và bao trùm. Điều này cũng đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa. Một thị trường lao động với những sinh viên tốt nghiệp từ một hệ thống phát triển kỹ năng chất lượng cao được người sử dụng lao động tin tưởng và đầu tư thời gian và nguồn lực. Một thị trường lao động cho phép học tập suốt đời; và mọi người, dù xuất thân từ gia đình với mức thu nhập nào đi chăng nữa, đều có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục và đào tạo nghề và giáo dục đại học.

Phía trước còn nhiều khó khăn, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, vươn lên phát triển bền vững và bao trùm, việc thay đổi tư duy phát triển là con đường duy nhất. Trên cơ sở đó là việc xây dựng những chương trình hành động để thực thi sự thay đổi đó./.

Tài liệu tham khảo:

1. Ngô Thắng Lợi (2019). Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, vấn đề và định hướng chính sách, Đề tài khoa học cấp nhà nước, Mã số KX04.17/16-20

2. Nguyễn Văn Công (2019). Mô hình tăng trưởng bao trùm và những vấn đề đặt ra với thể chế phát triển của Việt Nam, truy cập từ http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mo-hinh-tang-truong-bao-trum-va-nhung-van-de-dat-ra-voi-the-che-phat-trien-cua-viet-nam.html

3. Lê Minh Nghĩa (2018). Đổi mới tư duy kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam-Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, truy cập từ http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/doi-moi-tu-duy-kinh-te-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien.html