Kinh tế nhà nước và DNNN là một trong những nội dung quan trọng của quá trình đổi mới kinh tế ở nước ta. Trong giai đoạn thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Nhà nước đã triển khai thực hiện chương trình cơ cấu lại DNNN gắn với các kế hoạch 5 năm 2011-2015 và 2016-2020 nhằm mục tiêu góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp.

DNNN giai đoạn 2011-2020: Những kết quả đạt được

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/1/2019, cả nước còn 505 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (chưa tính các công ty nông, lâm nghiệp), bao gồm: 06 tập đoàn kinh tế nhà nước; 74 tổng công ty và nhóm công ty mẹ-công ty con; 425 công ty độc lập thuộc bộ, UBND cấp tỉnh.

Theo số liệu tại Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội 201-2019, từ năm 2011 đến năm 2019, số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã giảm khoảng 2 lần, nhưng tổng giá trị tài sản tăng 1,3 lần, tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tăng 1,8 lần, tổng lợi nhuận tăng 1,1 lần, nộp ngân sách nhà nước tăng 1,1 lần.

Phần lớn nguồn lực của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nằm ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đến hết năm 2018, 6 tập đoàn kinh tế và 74 tổng công ty nhà nước (bao gồm cả nhóm công ty mẹ-công ty con) chiếm 92% tổng tài sản, 89% về vốn chủ sở hữu của 425 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Tổng cục Thống kê cho biết, đến năm 2019, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là trên 714 nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh là trên 626 nghìn doanh nghiệp. Trong đó, DNNN chiếm 0,38% về số lượng doanh nghiệp, 7,6% lao động, 28,6% tổng nguồn vốn và riêng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chiếm 0,18% về số lượng doanh nghiệp, 4,3% lao động, 12,9% tổng nguồn vốn.

Nhìn lại giai đoạn 2011-2020, các DNNN đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận, đảm bảo cung cấp nhiều sản phẩm quan trọng cho phát triển kinh tế như năng lượng, viễn thông, tài chính, tín dụng. Tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước được bảo toàn và phát triển; tỷ lệ DNNN thua lỗ giảm rõ rệt; tỷ suất lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động của DNNN cao hơn mức bình quân chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Song, vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Đánh giá về tình hình sử dụng vốn và tài sản nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tại một báo cáo mới công bố gần đây, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, hạn chế lớn nhất cho đến nay là chưa thực hiện được việc "nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh" theo yêu cầu đã đề ra tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết 27/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là:

(i) Chất lượng tăng trưởng và hiệu quả đầu tư bình quân của khu vực DNNN còn thấp: Trong thời gian qua, DNNN có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. So với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI, DNNN có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn. Nói cách khác, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn để tạo ra 1 đơn vị giá trị sản phẩm đầu ra, là một yếu tố làm giảm hiệu quả đầu tư của DNNN.

(ii) Năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của đa số DNNN chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, theo Niên giám Thống kê 2019, tỷ suất lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động của DNNN cao hơn mức bình quân của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy vậy, số liệu bình quân chưa phản ánh đúng và đầy đủ hiệu quả kinh doanh của phần lớn DNNN. Trên thực tế, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn. Xét trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào 07 tập đoàn và trên 60 tổng công ty nhà nước.

Nhìn ở góc độ thể chế cạnh tranh, phần lớn doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách của DNNN nằm ở các ngành, lĩnh vực ít có cạnh tranh với khu vực tư nhân. Ở các ngành có cạnh tranh cao giữa các thành phần kinh tế như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo…, thì hiệu quả kinh doanh của DNNN còn thấp, chứng tỏ áp lực cạnh tranh đã bộc lộ hạn chế về kinh doanh của DNNN.

Trên bình diện sản xuất và cung ứng dịch vụ, năng lực hạ giá thành, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư của phần lớn DNNN còn hạn chế. Tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực nhất là trong các ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản là bất cập đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả hoạt động.

Về tổng thể, theo CIEM, DNNN chưa đáp ứng mục tiêu và yêu cầu là làm tốt việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ thiết yếu cho xã hội, phục vụ quốc phòng, an ninh, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế theo quy định tại Điều 10 Luật số 69/2014/QH13.

Năng lực của DNNN trong các ngành, lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Vai trò của DNNN trong các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đối cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa còn mờ nhạt. Hoạt động của DNNN trong công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị cơ khí chính xác... có nhiều yếu kém.

“Một số DNNN đã tích cực tham gia hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Tuy vậy, năng lực cạnh tranh, thị phần khu vực và thế giới của DNNN Việt Nam nhìn chung còn nhỏ”, báo cáo của CIEM nêu rõ.

...và nhiều mục tiêu cơ cấu cấu lại DNNN còn chưa hoàn thành

Việc tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ đã tạo điều kiện cho quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2011-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cổ phần hóa và thoái vốn đạt kết quả khá, thực hiện thoái vốn nhà nước thành công tại một số DNNN quy mô lớn. Một số DNNN yếu kém trở lại hoạt động. Số nhóm ngành, lĩnh vực nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giảm mạnh. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập.

Đánh giá lại 09 mục tiêu chính của cơ cấu lại DNNN được đặt ra tại Nghị quyết số 27 (gồm 4 mục tiêu định lượng và 5 mục tiêu định tính), CIEM cho biết, có 1 mục tiêu hoàn thành, 2 mục tiêu có khả năng hoàn thành và 6 mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.

Tuy nhiên quá trình cơ cấu lại DNNN vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể:

Một là, tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm. Trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Hai là, việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Việc gắn cổ phần hóa với niêm yết vẫn chưa được chú trọng.

Bốn là, cơ cấu lại một số dự án đầu tư kém hiệu quả còn chậm. 12 dự án thua lỗ vẫn chưa được xử lý triệt để trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian, chi phí như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản… vẫn phát sinh. Đến nay, có 02 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi; 04 dự án còn đang thua lỗ đã từng bước khắc phục khó khăn; Đối với 03 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 01 dự án vận hành sản xuất trở lại, 02 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất; 3 dự án vẫn đang xây dựng dở dang.

Năm là, mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định pháp luật đã dần được hoàn thiện để DNNN ngày càng vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng trên thực tế chưa đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị DNNN. Lý do là: Mục tiêu, nhiệm vụ của DNNN chưa rõ ràng; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể quản trị DNNN chưa ở mức cao; chế độ thưởng, phạt chưa nghiêm. Đội ngũ quản lý điều hành DNNN chưa chuyên nghiệp như chuẩn mực quốc tế.

Sáu là, việc tổ chức thực hiện pháp luật về công bố thông tin còn mang tính hình thức. Điều này dẫn tới khó giám sát được DN, không đủ thông tin khách quan về DNNN, tạo dư luận xã hội thiếu tích cực về tính minh bạch của DNNN, trước hết là DNNN các ngành, lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc do nhà nước định giá, điều tiết giá hoặc các ngành cung cấp sản phẩm dịch vụ công thiết yếu, ...

Bảy là, cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong khi xảy ra sai phạm cũng như các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc.

Những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới

CIEM cho rằng, thúc đẩy cải cách DNNN, trọng tâm là hoàn thiện quản trị và phát triển DNNN, tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn

Theo đó, cần sửa đổi căn bản chính sách và quy định pháp luật để đảm bảo DNNN có đầy đủ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Chấm dứt việc cơ quan nhà nước quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của DNNN. Khẩn trương hoàn thành mục tiêu tách người quản lý DNNN ra khỏi chế công chức, viên chức nhà nước.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách thể chế và cách thức quản lý theo hướng buộc các DNNN cạnh tranh công bằng và tuân thủ đầy đủ kỷ luật và chuẩn mực thị trường trong đầu tư và kinh doanh. Áp dụng triệt để chuẩn mực quốc tế về quản trị DNNN. Hầu hết DNNN hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế.

Triệt để áp dụng cổ phần hóa và thoái vốn theo nguyên tắc thị trường. Phải sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn để phát triển và xây dựng khu vực DNNN lớn mạnh, hoạt động hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh hơn.

Ngoài ra, cần phát triển DNNN; áp dụng đầy đủ các công nghệ 4.0 để chuyển đổi từng doanh nghiệp nói riêng và khu vực DNNN nói chung; đồng thời, hỗ trợ, tạo áp lực và khuyến khích DNNN tiên phong trong phát triển công nghệ 4.0, phương thức kinh doanh 4.0, cách thức quản lý 4.0; xây dựng năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo vươn lên hàng đầu trong một số ngành, công nghệ, sản phẩm của Cách mạng Công nghiệp 4.0./.