Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng Sản phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ninh cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 6/12/2014. Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn về hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta và thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế của Quảng Ninh, qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Nhiều thành quả

Khai mạc Hội thảo, GS. TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Trên cơ sở đường lối đổi mới “mở cửa” nền kinh tế và phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, từ Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng ta đã chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế.

Về những thành quả hội nhập kinh tế quốc tế nổi bật gần 30 năm qua, GS.TS Vương Đình Huệ cho biết: Thứ nhất, công tác chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết đã sớm được các bộ, ngành quan tâm triển khai từ Trung ương tới địa phương kết hợp với các hoạt động tuyên truyền đối ngoại.

Thứ hai, nước ta đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu; đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế...

GS. TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta

Thứ ba, việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nước ta. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, giai đoạn 2011-2013 tăng bình quân 22,58%/năm. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng đánh giá về thành quả gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: Quan điểm của Đảng ta về hội nhập kinh tế quốc tế được hình thành, bổ sung và hoàn thiện không ngừng qua các kỳ Đại hội Đảng và các Hội nghị Trung ương giữa các kỳ Đại hội.

Triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những thành tựu đạt được trong hội nhập kinh tế quốc tế đã làm tăng thế và lực của nước ta, để nước ta từ “phá thế bị bao vây, cấm vận”, tiến đến “hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới”, và tiếp theo là “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” một cách toàn diện; từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn”, “là bạn, là đối tác tin cậy”, “là thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế.

Từ thực tiễn 30 đổi mới và hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ: Trước khi hội nhập, Quảng Ninh chỉ là nơi “sơn cùng, thủy tận”, 100% hoạt động ngân sách do Trung ương cung cấp. Nhưng từ khi hội nhập, đặc biệt sau Đại hội Đảng năm 2011, Quảng Ninh đã có những khởi sắc trong hội nhập.

Quảng Ninh đi tiên phong cả nước trong thành lập trung tâm phục vụ hành chính công. Mô hình này hoạt động theo nguyên tắc là tách phục vụ công ra khỏi quản lý nhà nước. Đầu tư PPP là cách làm thu hút tốt đầu tư cho phát triển của Quảng Ninh, nhờ nó mà có điện lưới quốc gia đến một số đảo, đến các thôn bản sâu, xa; là tỉnh đầu tiên được Chính phủ giao làm sân bay theo hình thức PPP, làm đường cao tốc…

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, quá trình hội nhập, Quảng Ninh cũng vướng ở chỗ: Tiềm năng lớn, nhưng cơ chế chính sách quá hạn hẹp, lực lượng sản xuất mâu thuẫn với quan hệ sản xuất; dịch vụ và công nghiệp trên cùng địa bàn nên có những xung đột...

Song, vẫn còn chưa bền vững

GS.TS Vương Đình Huệ cũng chỉ ra một số hạn chế của quá trình hội nhập. Trong đó, có tình trạng hội nhập chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển kinh tế, yêu cầu củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hội nhập kinh tế quốc tế còn chưa thực sự gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hội nhập cũng chưa phát huy tốt nhất các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Nhiều bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thiếu chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch toàn diện, cụ thể..., nhất là tận dụng cơ hội do hội nhập đem lại.

Với việc tự do hóa thương mại, đầu tư một số thị trường, lĩnh vực, ông Vương Đình Huệ đánh giá, còn chưa sát hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế. Chậm xây dựng hàng rào kỹ thuật cần thiết và một hệ thống quản lý thị trường đủ năng lực và hiệu quả để bảo vệ thị trường trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu và hàng độc hại gây tác động đến môi trường sản xuất kinh doanh và sức khỏe cộng đồng...

Ở một góc độ khác, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cũng chỉ ra rằng, sau gần 30 năm đối mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về hội nhập nhưng giữ vững tự chủ; tổng lực của đất nước có tăng lên; thể chế cũng đã khá lên. Nhưng nội lực về kinh tế của nước ta chưa tương xứng tiềm năng, thậm chí có thể nói là đang tụt hậu so với thế giới. Thể chế tuy khá lên nhưng vẫn còn lạc hậu, không theo kịp được hội nhập. Phương thức quản lý từ nền kinh tế chuyển đổi trong nước sang quản lý nền kinh tế hội nhập quốc tế cũng tỏ ra đuối sức.

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cũng chỉ ra rằng, sau gần 30 năm đối mới và hội nhập, thể chế tuy khá lên nhưng vẫn còn lạc hậu, không theo kịp được hội nhập

Hay như tình trạng bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa đúng ra phải là lực lượng rất quan trọng, nhưng do kinh tế trong nước khó khăn, lực của doanh nghiệp này yếu, nên lúng túng trong hội nhập. Còn doanh nghiệp nhà nước lớn hơn nhưng hiệu quả chưa tương xứng, và nhiều doanh nghiệp do độc quyền nên không muốn hội nhập...

Nhấn mạnh rằng, hội nhập phải đi đôi với đẩy mạnh đổi mới thể chế trong nước, nhưng theo ông Vũ Khoan, “câu chuyện đột phá thể chế nghe 30 năm nay vẫn như thế, chưa biết bao giờ sẽ kết thúc đột phá này. Nhiều thể chế quốc tế còn chưa tiếp cận được. Chẳng hạn, tính nợ xấu của Việt Nam chưa giống chuẩn quốc tế. Xác định nợ công cũng không giống chuẩn quốc tế...”

Nếu hội nhập vẫn hướng vào nền kinh tế gia công thì sẽ thất bại

Để nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế trong thời gian tới, GS.TS Vương Đình Huệ đã gợi mở 4 giải pháp cho vấn đề này:

Một là, cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Về quan niệm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, cần chủ động bám sát chủ trương, định hướng hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta và yêu cầu của tình hình kinh tế đất nước.

Hiện nay, không thể nói độc lập kinh tế theo nghĩa như trước vì tất cả các nền kinh tế đều liên thông và phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng phải giữ được tự chủ kinh tế (tự quyết định và đường lối, chiến lược phát triển) với những vấn đề đặt ra như: Quan hệ giữa luật lệ và quy tắc của hệ thống kinh tế thế giới và định hướng phát triển quốc gia; định hướng XHCN trong hội nhập kinh tế quốc tế; cơ chế bảo đảm giữ được độc lập, tự chủ kinh tế và định hướng XHCN trong khi phải đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế cho một nền kinh tế còn yếu kém và lạc hậu.

Hai là, cần nghiên cứu sâu chính sách “mở cửa” và quá trình chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và các cam kết mang tính thể chế trong từng hiệp định (FTA/ASEAN, ASEAN+, FTA song phương, WTO, TPP…).

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, ký kết, chuẩn bị kỹ các điều kiện thực hiện các hiệp định tư do thương mại yêu cầu ở cấp độ cao hơn trong hội nhập kinh tế toàn cầu, tham gia các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Bốn là, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Còn nguyên Phó Thủ tướng, ông Vũ Khoan đề nghị: Trước hết, phải xây dựng một sự liên kết các cam kết hội nhập vào một thể thống nhất, trong đó định rõ ưu tiên về khu vực, đối tượng. Còn nếu làm ào ào chung, được sẽ hạn chế, mất sẽ khó lường.

Thứ nữa, cần hội nhập toàn diện, lấy kinh tế làm trung tâm. Cụ thể, không nhất thiết chỗ nào kinh tế cũng là trung tâm, mà cần linh hoạt. Tức là, có khu vực kinh tế phải là trung tâm, có khu vực chính trị phải là trung tâm.

Đặc biệt, “hội nhập phải xoáy mạnh vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng để mô hình phát triển của Việt Nam đạt hiệu quả chất lượng vượt bậc. Phải thay đổi cấu trúc, nhưng kết quả cuối cùng phải là năng suất lao động và hiệu quả. Tức là hội nhập phải đạt năng suất cao, hiệu quả cao. Nếu hội nhập vẫn hướng vào nền kinh tế gia công thì sẽ thất bại”, ông Vũ Khoan thẳng thắn./.