Lạm phát cơ bản năm 2015 sẽ ở mức 3%

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục đà giảm.

Lạm phát cơ bản (dựa trên CPI so với cùng kỳ loại trừ giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công) đã giảm xuống 2,6% sau 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12/2014) ổn định quanh mức 3%. Kết quả này cùng với việc lạm phát cơ bản bình quân các năm qua giảm mạnh.

Lạm phát và lạm phát cơ bản 01/2014-01/2015, % tăng CPI so cùng kỳ. Nguồn: TCTK và tính toán của UBGSTCQG

Trên cơ sở đó, cơ quan này nhận định, lạm phát cơ bản năm 2015 sẽ ở mức khoảng 3%.

Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, việc giảm giá dầu thô năm 20156 sẽ tác động làm CPI bình quân năm 2015 giảm khoảng 1,1 điểm phần trăm so với lạm phát bình quân năm 20147 và đạt khoảng 3%.

Cũng theo cơ quan này, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2015 tăng cao so với cùng kỳ; IIP tăng 17,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng của tháng 1/2014 và mức tăng bình quân các tháng của năm 2014.

Mức tăng này một phần do yếu tố mùa vụ tại Tháng 1/2014 (Tết Nguyên đán) trong khi tháng 1/2015 không có yếu tố mùa vụ này. Đây là dấu hiệu cho thấy, nền sản xuất tiếp tục phục hồi.

Trong bối cảnh, lạm phát được kiềm chế, nền sản xuất được phục hồi, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý (sau khi bỏ tính mùa vụ) duy trì xu hướng tăng kể từ quý 2/2014. Xu hướng này rất rõ nét dựa trên phân tích yếu tố chu kỳ của tăng trưởng.

Dựa trên phân tích định lượng, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, tốc độ tăng trưởng quý 1/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi.

6 khuyến nghị chính sách

Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014 và tháng đầu trong năm 2015, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khuyến nghị 6 vấn đề sau:

Thứ nhất, CPI tiếp đà suy giảm, dự báo CPI bình quân và CPI lõi ở mức 3% trong năm 2015, đây là cơ hội để Chính phủ và các cơ quan ban ngành xem xét điều chỉnh giá của một số mặt hàng mà không tạo biến động lớn trên thị trường và nền kinh tế.

Thứ hai, giá xăng dầu giảm là cơ hội giảm chi phí vận tải (là chi phí đầu vào quan trọng); việc sớm giảm chi phí vận tải có tác dụng lan tỏa tốt trong nền kinh tế đối với cả sản xuất và tiêu dùng.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19, việc kiểm soát hàng lậu hàng kém chất lượng là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong nước. Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ tăng cường kỷ luật thị trường, kiểm soát biên mậu và kiếm soát thị trường; đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Thứ tư, năm 2015 là năm nhiều luật và luật sửa đổi có hiệu lực. Nỗ lực đổi mới thể chế thông qua sửa đổi và ban hành nhiều dự luật năm 2014 đã mang lại kết quả tích cực về niềm tin kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng do các luật đã ban hành nhìn chung tiếp cận theo hướng: bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng; minh bạch thông tin; nâng cao trách nhiệm giải trình; chú trọng công tác giám sát.

Do vậy, để các bộ luật được hiện thực hóa một cách hữu hiệu, cần nhanh chóng ban hành các văn bản quy phạm dưới Luật theo hướng tinh thần của Nghị quyết 01; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19.

Thứ năm, trong bối cảnh kinh tế thế giới duy trì mức lãi suất thấp, nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, để tiếp tục hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, việc xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết và nhiều ý nghĩa.

Thứ sáu, đồng USD tăng giá, nhiều loại tiền khác đã giảm giá trị như đồng NDT, YEN, EUR; điều này sẽ tạo áp lực nhất định lên tỷ giá năm 2015. Do vậy, cần xem xét cân nhắc thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt nằm đảm bảo ổn định hơn cho nền kinh tế./.