Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong ba tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 2 triệu lượt người, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng khách tháng 3 giảm kỷ lục trên 23,4% so với cùng kỳ. Trong đó, giảm nhiều nhất là thị trường Trung Quốc với 40,4% khiến 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc dù tăng nhưng vẫn không thể bù đắp nổi phần sụt giảm của cả thị trường châu Á. Tương tự, du khách đến từ châu Âu cũng giảm 11,1% trong đó lượt khách Nga giảm 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy nhiều nguyên nhân đã góp phần gây ra sự sụt giảm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Theo các chuyên gia nghiên cứu của ngân hàng HSBC, một phần nguyên nhân là do đồng Việt Nam tăng giá trên cơ sở tỷ giá thực hữu dụng REER. Xét về mặt tỷ giá hối đối thực hữu dụng, tiền đồng Việt Nam đang tăng giá khoảng 8% kể từ cuối năm 2014.Người Nhật Bản, châu Âu và Úc đều đã trải qua qua việc sức mua yếu hơn trên cơ sở so sánh với đồng Đô la Mỹ, khiến họ kém mặn mà với việc đi du lịch lúc này. Cộng thêm đồng Yen, Euro và Đô la Úc lại yếu đã làm lượng khách du lịch đến Việt Nam chuyển hướng, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc, khiến cho ngành du lịch của Việt Nam chịu tác động kép.

Bên cạnh đó, đồng Rupe Nga mất giá, đồng Euro giảm giá so với Đô la khiến chi phí du lịch của các du khách châu Âu bị đội lên. Đặc biệt, lượng khách đến từ thị trường Nga sụt giảm rất mạnh.

Ông Thái Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Sputnik Tour, cho biết: Bình thường, một người Nga đến Nha Trang du lịch cần 1.500 USD để đi máy bay, ở khách sạn, tour tham quan và 500 USD để ăn uống, số tiền tương đương khoảng 60.000 Rupe. Nhưng nay họ phải mất đến 100.000-140.000 Rupe để chi trả cho các khoản trên. Điều này buộc họ phải thắt chặt chi tiêu.

Đáng chú ý là, so với Việt Nam, Thái Lan là một điểm đến ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với khách du lịch toàn cầu bởi thủ tục xin thị thực rườm rà cùng với chi phí cao và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam bị giới hạn. Thủ tục nhập cảnh của nước ta đang trở nên ngày càng rườm rà và rắc rối khiến du khách cảm thấy nản chí.

Ngay đầu năm 2015, hàng ngàn du khách xông đất TP. Hồ Chí Minh bằng đường biển đã phải “toát mồ hôi” khi chờ đợi hoàn thành xong những quy định mới của Cục Xuất nhập cảnh. Để xin visa cho từng du khách, mỗi cá nhân phải làm đơn, dán ảnh 4×6, đóng 7 con dấu; lệ phí cũng tăng từ 5 USD lên 45 USD/người. Sau khi bị phản ứng gay gắt, mức phí này được gỡ bỏ và áp dụng quy định cũ nhưng thủ tục dán ảnh, làm đơn thì vẫn giữ nguyên.

Từ nhiều năm qua, dịch vụ du lịch Việt Nam gần như không có gì đổi mới trong khi đó tình trạng môi trường ô nhiễm, thiếu thông tin… vẫn chưa được cải thiện. Nếu như tại Thái Lan, mỗi năm đều đưa thêm những điểm du lịch mới, thì Việt Nam nhiều năm liền các chương trình tour vẫn không có gì thay đổi. Nhà sáng lập, giám đốc Công ty Luxury Travel (Hà Nội), ông Phạm Hà cũng cho biết, một trong những lý do khiến khách quốc tế ít chọn Việt Nam là do việc quảng bá và tiếp thị về du lịch Việt chưa tốt, khách hàng thiếu thông tin về điểm đến và sản phẩm mới.

Không chỉ có vậy, chính yếu tố con người cũng khiến nhiều du khách nước ngoài mất thiện cảm đối với Việt Nam khi đi đến đâu cũng có một đội ngũ hàng rong “chèo kéo”. Có những trường hợp còn bắt du khách phải mua hàng bằng được mới chịu buông tha. Ngay cả với người dân trong nước cũng luôn bắt gặp tình trạng nhiều người “bao quanh” mỗi khi đi đến các địa điểm danh lam thắng cảnh. Chính những hành vi này khiến nhiều du khách bức xúc và chia sẻ kinh nghiệm trên các trang mạng xã hội làm nhiều du khách khác có ý định tới Việt Nam cũng phải “chùn bước”.

Đây là hồi chuông cảnh báo đối với ngành du lịch trong nước. Ngoài tổn hại trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành và các dịch vụ ăn theo du lịch, đóng góp vào tốc độ phát triển chung của cả nước giảm, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia trong tương lai./.