Diện tích trồng rừng thay thế mới đạt trên 10%

Theo Bộ Công Thương, tổng diện tích rừng còn phải trồng thay thế do ảnh hưởng của các thủy điện trên cả nước khoảng 19.792 ha. Tuy nhiên, đến nay, diện tích trồng rừng thay thế mới đạt trên 10%.

Theo đó, điểm nóng về việc chây ỳ trong công tác trồng rừng thay thế là ở Tây Nguyên, các doanh nghiệp kinh doanh thủy điện ở đây chỉ mới trồng được 757 ha rừng so với 22.770 ha rừng đã chuyển đổi mục đích xây dựng các công trình thủy điện.

Các nhà đầu tư kinh doanh thủy điện này khi xin đầu tư đều cam kết thực hiện trồng rừng thay thế, nhưng khi công trình thủy điện đi vào hoạt động, các nhà đầu tư đều chưa thực hiện hoặc đầu tư trồng rừng thay thế không đạt yêu cầu.

Tỉnh Đắk Lắk có 5 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động và theo kế hoạch phải trồng bù rừng thay thế với tổng diện tích hơn 262 ha, tuy nhiên, các đơn vị đầu tư mới trồng được 70 ha.

Cụ thể: công trình thủy điện Krông H’năng, chủ đầu tư mới trồng rừng thay thế được 5 ha trên tổng số 175 ha; chủ đầu tư công trình thủy điện Krông Kmar theo kế hoạch phải trồng bù lại rừng là 20 ha, nhưng đến nay cũng mới trồng được 16 ha.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, diện tích rừng mà các chủ đầu tư kinh doanh thủy điện trồng lại không đáng kể so với tổng số diện tích rừng đã bị mất để thực hiện các dự án thủy điện. Có chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ việc trồng rừng theo các quyết định phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Một số doanh nghiệp mặc dù đã trồng một phần diện tích rừng trong diện tích đất của các dự án nhưng diện tích rừng này lại không phù hợp với mục đích sử dụng đất, như: thủy điện Sêrêpốk 4, thủy điện Ea Mđoal 2 và thủy điện Krông Kmar...

Giống với tình trạng ở Đắc Lắk, năm 2014, diện tích cam kết phải trồng rừng thay thế của các doanh nghiệp thủy điện tỉnh Lâm Đồng là 657 ha, thuộc trách nhiệm của 8 đơn vị chủ công trình dự án thủy điện.

Thế nhưng, duy nhất chỉ có Ban Quản lý dự án Thủy điện Đồng Nai 5 đã hoàn thành trách nhiệm trồng rừng thay thế bằng việc nộp xấp xỉ 11 tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng cho diện tích 130 ha, còn lại các đơn vị chủ dự án thủy điện khác chưa hề “nhúc nhích”, thậm chí có doanh nghiệp còn chưa chọn được hình thức trồng rừng thay thế.

Trả lời báo giới mới đây, ông Bùi Thanh Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết, ngay từ đầu năm 2014, Cục đã đôn đốc, cũng như trả lời mọi thắc mắc của các đơn vị chủ dự án công trình thủy điện.

Theo đó, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức, như: tự trồng rừng thay thế, chuyển tiền cho các đơn vị chủ rừng Nhà nước trồng rừng thay thế hoặc chuyển tiền về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để chủ động điều phối trồng rừng.

Tuy nhiên, tới giờ này mới chỉ có 1 doanh nghiệp thực hiện xong nghĩa vụ, còn lại các doanh nghiệp khác vẫn chưa triển khai trong khi mùa trồng rừng năm 2014 sẽ kết thúc vào ngày 30/8.

Cần có biện pháp gì?

Theo ông Lê Trọng Quảng, để giữ được rừng, bảo vệ môi trường, đồng thời ổn định cuộc sống cho người dân, các địa phương có thể ủng hộ phương án chủ đầu tư nộp tiền để địa phương thực hiện trồng rừng thay thế bằng cách khoán cho người dân trồng, bảo vệ, chăm sóc.

Đồng ý với phương án cho doanh nghiệp nộp tiền, nhưng ông Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho hay, cần có cơ chế theo dõi, giám sát việc trồng rừng thay thế do địa phương thực hiện. Thêm vào đó, phải tạo được sự công bằng trong phân bổ nguồn vốn, ưu tiên các vùng bị ảnh hưởng nặng nề, không thể “bình quân chủ nghĩa”.

Trong khi đó, ông Lê Hùng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn (Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, Bộ đã ban hành đề án với các quy định cụ thể về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trong đó quy định rõ những diện tích rừng trồng thay thế và diện tích chuyển sang trồng các loại cây lâu năm cho từng năm, trước mắt là năm 2014-2015, để các địa phương chủ động thực hiện tùy thuộc vào điều kiện thực tế, bảo đảm phát triển quỹ rừng và sinh kế cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá, công tác trồng bù rừng thủy điện hiện dù còn nhiều khó khăn, nhưng phải kiên quyết thực hiện. Ngoài việc tăng cường đôn đốc, kiểm tra, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp triển khai nhằm bảo đảm các doanh nghiệp, địa phương thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, nhưng để làm tốt công tác này cần có sự ủng hộ của địa phương./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.cand.com.vn/vi-VN/bandoc/tuvanphapluat/2009/2/241904.cand

http://baolamdong.vn/kinhte/201407/trong-rung-thay-the-la-nghia-vu-cua-doanh-nghiep-2346520/

http://www.vietnamplus.vn/cac-nha-dau-tu-thuy-dien-chua-chu-trong-trong-rung-thay-the/276690.vnp