Từ việc xin xây dựng đặc khu…

Trong công văn số 1406022/CV-FHS gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đưa ra đề xuất thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng với những điều kiện ưu đãi đặc biệt xây dựng riêng cho doanh nghiệp này.

Ngoài các ưu đãi công ty được hưởng cao nhất đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế và các ưu đãi khác đã được Thủ tướng cho phép, Formosa còn kiến nghị đặc khu được áp dụng các quy định ưu đãi đặc thù như miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu trong suốt thời gian kinh doanh của dự án, được Chính phủ bảo hộ ngành thép, miễn thuế đối với khoản vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, kinh doanh tàu lai dắt và đề xuất thành lập Ban quản lý đặc khu trực thuộc Văn phòng Chính phủ và do các Bộ trưởng các bộ liên quan tham gia để quản lý đặc khu...

Theo FHS, dự án Formosa giai đoạn I dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 5.000 nhân viên, đồng thời quy hoạch phát triển tầm cỡ lâu dài trở thành nhà máy gang thép tầm cỡ quốc tế. Dự kiến số lượng nhân viên cao nhất đạt 15.000 người. Nếu tính cả nhân viên và gia quyến sẽ lên đến 60.000 người. Căn cứ vào quy mô này sẽ hình thành nên một thị trấn gần khu vực xưởng.

Để giữ được nhân tài khuyến khích nhân viên sinh sống tại địa phương, giúp đỡ nhân viên có thể phụng dưỡng bố mẹ và thành gia lập nghiệp, tập đoàn Formosa đề nghị được xây dựng nhà ở cho gia quyến bán cho nhân viên công ty là người Việt Nam.

Nhưng theo quy định hiện hành của pháp luật, Formosa chuyển đầu tư thành lập công ty phát triển đất đai thuộc công ty có vốn đầu tư nước ngoài, mua đất xây dựng chỉ có quyền sử dụng được 50 năm. Sau khi xây dựng xong nhà ở bán đi, nhân viên mua nhà ở cũng chỉ được quyền sử dụng đất 50 năm. Vì vậy tập đoàn Formosa đề nghị người mua nhà được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài.

Ngoài ra, Formosa còn đề xuất một loạt biện pháp ưu đãi như được Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn..., miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu...

Điều đáng lưu ý là việc đề xuất thành lập đặc khu kinh tế Vũng Áng, Formosa không kiến nghị với tỉnh mà gửi thẳng lên Chính phủ.

Tuy nhiên, đề xuất này đã chính thức bị Chính phủ và trước đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên tiếng bác bỏ.

Đến đề xuất xây miếu thờ

Mặc dù bị “bác” đề xuất thành lập đặc khu, FHS tiếp tục có những đòi hỏi lạ khác. Cụ thể, ngày 4/6/2014, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có văn bản 1406004/CV-FHS gửi Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh xin cấp phép xây miếu thờ trong dự án Formosa. Có thể thấy, đây là đề xuất “vô tiền, khoáng hậu” trong lịch sử thu hút FDI của Việt Nam.

Lý do đề xuất được FHS đưa ra là: Để an ủi phần nào tâm linh của người dân quanh vùng và nhân viên trong khu vực nhà máy, Công ty FHS quy hoạch xây dựng miếu thờ ở phía trước bên phải tòa nhà hành chính và phía trước bên phải khu nhà 9 tầng. Diện tích miếu thờ khoảng 18 mét vuông; chiều rộng 3,6 m; chiều dài 5,1 m; cao 4,5 m.

Đến ngày 18/6, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 598/KKT-QHXD gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc xin ý kiến chỉ đạo hướng dẫn thủ tục, cấp phép xây dựng miếu thờ cho Công ty FHS.

Ngày 1/7/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 2784/UBND-GT, cho phép Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xây dựng miếu thờ trong khu dự án Formosa. Văn bản 2784/UBND-GT nêu rõ: “Miếu thờ Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là công trình có quy mô nhỏ, đơn giản, có tính nhân văn, nhằm thờ tự các vong linh trong khu vực dự án có phần mộ đã thất lạc. Việc xây dựng miếu thờ không làm ảnh hưởng đến quy hoạch khu hành chính và quy hoạch khu liên hợp gang thép...”.

Trước thông tin này, dư luận đã lên tiếng không đồng tình, bởi nhiều hệ lụy có thể xảy ra sau hành động tâm linh này.

Dự án Formosa là dự án của nhà đầu tư nước ngoài - Đài Loan, nên sau khi miếu thờ được hoàn thành, rất có thể sẽ có hàng ngàn, hàng triệu người Đài Loan có “người thân” đang làm việc tại Formosa sẽ đến để "hành hương" cũng như các hoạt động tâm linh tại miếu thờ. Đến khi đó, công tác quản lý người nước ngoài tại Formosa sẽ càng trở nên phức tạp và có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Một hệ lụy khác là Công ty FHS chỉ thuê đất trong thời gian 70 năm, vậy sau 70 năm công trình miếu thờ này sẽ dỡ bỏ? Từ đó sẽ phát sinh tranh chấp về công trình tâm linh này cũng như về quyền sử dụng đất và công trình gắn liền trên đất, quyền sở hữu miếu thờ, quyền thu tiền công đức trong công trình miếu thờ…..

Trong khi đó, pháp luật Việt Nam hiện hành quy định những công trình văn hóa tâm linh được cấp phép xây dựng đúng trình tự thủ tục, thì sẽ được pháp luật bảo vệ. Vì thế, nếu tỉnh Hà Tĩnh cấp phép xây dựng miếu thờ nói trên thì đây sẽ là công trình tuy nhỏ 18m2 nhưng sẽ là công trình “bất khả xâm phạm”.

Trước những lo ngại này, mới đây Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa có thông báo số 510-TB/TB về việc dừng xây miếu thờ trong dự án của Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng) của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa.

Thông báo 510-TB/TB nêu rõ: “Sau khi nghe báo cáo và các thông tin về việc phản ánh của dư luận là không đồng tình với việc Công ty Formosa Hà Tĩnh đề xuất xây dựng miếu thờ trong dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh; nay Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng ủy UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, các sở ban ngành cấp tỉnh có liên quan và huyện Kỳ Anh làm việc để dừng triển khai theo đề xuất xây dựng miếu thờ của Công ty Formosa Hà Tĩnh; đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung trên và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy”.

Ưu đãi là thật, nhưng hiệu quả vẫn chỉ là lời hứa

Điều đáng nói là, có lẽ việc xin ưu đãi của Formosa sẽ rất khó dừng lại, mặc dù, nhà đầu tư này đã hưởng nhiều ưu đãi ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh do có quy mô lớn, ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội (là dự án FDI có tổng vốn đầu tư lớn nhất hiện nay), nên được Thủ tướng Chính phủ cho phép hưởng nhiều ưu đãi. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi cao nhất: chỉ 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn bốn năm và giảm 50% trong chín năm tiếp theo.

Đã vậy, sau biến cố tháng Năm, Chính phủ đã xử lý và tạo nhiều điều kiện để quá trình triển khai xây dựng cơ bản tại siêu dự án gần 10 tỷ USD của Formosa đảm bảo tiến độ đặt ra trước đó.

Theo đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Chính phủ đã đồng ý miễn thuế nhập khẩu với các loại mặt hàng xe Torpedo, máy gõ xỉ, máy tháo gạch chịu lửa, gạch chịu lửa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu sử dụng của siêu dự án thép tại Hà Tĩnh, dây cáp điện được nhập khẩu đi kèm hoặc nhập khẩu rời để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc để tạo tài sản cố định của Dự án, các thiết bị đầu máy 100 tấn, các loại tàu lai dắt, dẫn luồng thuộc phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền của Dự án và nhà đầu tư được hưởng mức phí bảo vệ môi trường 60% với hoạt động hút cát, san nền trong phạm vi khu vực 1.293 ha mặt nước được thuê.

Chính phủ còn đồng ý không thu thuế nhà thầu với hàng hóa, trang thiết bị nhập khẩu kèm theo được bảo hành theo các quy định với các trường hợp chỉ cung cấp hàng hóa, trang thiết bị cho FHS.

Các ưu đãi về thuế nhập khẩu liên quan khi Dự án được điều chỉnh lên mức 9,99 tỷ USD để bổ sung thiết bị phục vụ xây dựng nhà máy thép cuộn, công trình hút cát san lấp mặt bằng cũng được Chính phủ cho phép Dự án tiếp tục được hưởng.

Tuy nhiên, những ưu đãi đó dường như chưa đủ với FHS và thực tế, nhà đầu tư này đã liên tục đề xuất những yêu cầu ngày càng cao với Chính phủ. Và, trong khi nhận được quá nhiều ưu tiên, ưu đãi, thì những lời hứa về tiềm năng kinh tế, về tăng trưởng phát triển chỉ là lời hứa trong tương lai mà không ai có thể đảm bảo được…

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Vũng Áng, dự án Formosa bắt đầu nhập khẩu máy móc, thiết bị từ năm 2010. Các mặt hàng này phục vụ chủ yếu cho các dự án lò luyện thép, nhà máy nhiệt điện đang triển khai xây dựng. Trong đó trên 90% được nhập về từ Đài Loan và Trung Quốc, phần còn lại là từ nhiều quốc gia khác như Đức, Bỉ, Úc...

Kết quả nghiên cứu của UNIDO về chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động và xuất khẩu nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam nhưng hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực trả lương thấp và sử dụng lao động kỹ năng thấp.

Khi phân tích về động cơ đầu tư vào Việt Nam, công Brian Portelli – chuyên gia của UNIDO cho hay: Các công ty nước ngoài dường như đầu tư vào Việt Nam để tìm thị trường là chính (44%). Đặc biệt là phần lớn các công ty nước ngoài được khảo sát cho biết rằng các động cơ chính của họ là tiếp cận thị trường Việt Nam và giảm chi phí sản xuất.

Ông cũng Brian Portelli lưu ý, thu hút FDI nhằm xây dựng nền kinh tế chứ không phải để đầu tư trong nước thoái lui. Nếu điều đó xảy ra, thì nó là hệ lụy xấu nhất đối với việc thu hút FDI.

Vì vậy, “cần tạo sự gắn kết để hỗ trợ sự liên kết này. Nếu ưu đãi làm nên sự khác biệt giữ đầu tư FDI và trong nước thì cần cân nhắc và tính toán, bởi sự phân biệt dễ làm "thui chột" đầu tư các doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp nhận ưu đãi nhưng lại không mang lại lợi ích phát triển thực sự cho nền kinh tế. Đã đến lúc chúng ta cần phải cân nhắc đến việc tính toán các chi phí ưu đãi bỏ ra với kết quả mang lại”, chuyên gia UNIDO nói.

Còn với Formosa độ lan tỏa trong giới đầu tư cũng không có. Thậm chí họ còn đánh bạt các doanh nghiệp nước ngoài khác, ví dụ như TaTa của Ấn Độ cũng định vào Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh với dự án 5 tỷ USD, nhưng vì thấy họ ở cùng địa điểm với Formosa không hiệu quả nên họ đã rút ra.

Có sự không bình thường ở dự án này kể từ khi họ bắt đầu vào đã cho ưu đãi rất nhiều./.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Như vậy, để có đánh giá chính xác vì những lợi ích do Fomusa mang lại, cần phải đưa những lợi ích mà nhà đầu tư này mang lại trong mối quan hệ với nhà đầu tư trong nước. Về vấn đề này, GS. Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ phân tích, phát triển ngành sắt, thép không phải là xu hướng của quốc tế. Trong khi thế giới đang tìm mọi cách để đẩy ra, thì Việt Nam vẫn đang và luôn luôn làm một thùng rác để nước ngoài trút bỏ vào đó.

Hơn nữa, Formosa không làm khâu luyện kim – khâu khó nhất trong thép, cũng là cái mà Việt Nam đang thiếu, mà chỉ làm ra sản phẩm thép xây dựng. Trong khi họ hưởng rất nhiều ưu đãi, điều đó có nghĩa tạo là Việt Nam đang tạo cho họ một sân chơi khác hẳn so với các doanh nghiệp thép trong nước.Như vậy khi thép Formosa hình thành có thể giết chết hàng loạt doanh nghiệp thép trong nước của Việt Nam.

Đó là chưa kể tới vấn đề nhạy cảm chính trị. Bởi, địa điểm xây dựng Formosa là vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng./.

Theo Ban Quản lý các khu kinh tế Hà Tĩnh, hiện trên công trường Formosa có 24.000 lao động đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ đang làm việc, trong đó có khoảng 22.000 lao động Việt Nam. Số lao động nước ngoài đến nay có 2.000 người, trong đó phần lớn là chuyên gia Đài Loan với khoảng 1.200 người, Trung Quốc đứng thứ nhì với khoảng 450 lao động.

Dự án của Formosa bắt đầu từ năm 2008 với vốn đăng ký ban đầu là 7,9 tỷ USD. Đến năm 2013, do thay đổi trong kế hoạch đầu tư mà chủ yếu là do tính toán trượt giá nên dự án được chủ đầu tư phía Đài Loan điều chỉnh lên mức gần 10 tỷ USD. Số vốn này đều thuộc 10 cổ đông là những công ty thuộc quyền kiểm soát của những doanh nhân Đài Loan. Trong số các cổ đông lớn, có Công ty CPHH công nghiệp nhựa Đài Loan 14,7%, Công ty CPHH công nghiệp nhựa Nam Á 14,7%, Công ty CPHH sợi hóa học Đài Loan 14,7%, Công ty CPHH hóa dầu Formosa 14,7%, Công ty CPHH gang thép Trung Quốc 5%...

Phương Anh