Đó là nhấn mạnh của các chuyên gia của ngân hàng HSBC tại Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 9/2016 vừa mới được công bố.

Chỉ số PMI của ngành sản xuất đã tăng lên 52,2 điểm từ 51,9 điểm của tháng trước

Hai điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô

Có thể thấy chỉ số sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang là hai điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm.

Khảo sát về chỉ số PMI của tháng 8 thể hiện lĩnh vực sản xuất của Việt Nam – lĩnh vực thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất - tiếp tục tăng trưởng tháng thứ chín liên tiếp trong bối cảnh một số nước châu Á và hầu hết các nền kinh tế phương Tây đang phải vật lộn để giữ trên mức có tăng trưởng. Hơn nữa, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam vẫn khá mạnh mẽ. Tương tự như vậy, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Trong tháng 8, chỉ số PMI của ngành sản xuất đã tăng lên 52,2 điểm từ 51,9 điểm của tháng trước. Các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện dựa vào những gì đạt được ở chỉ số phụ việc làm, tồn kho hàng mua.

Thêm nữa, mặc dù sản lượng chỉ tăng ở mức yếu nhất trong năm tháng qua, thể hiện sự sụt giảm trong tiêu dùng và sản xuất hàng hóa trung gian, nhưng cũng cần lưu ý rằng sản xuất hàng đầu tư vẫn cao hơn trong tháng.

Mặc dù có dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang giảm nhẹ, sản xuất hàng đầu tư tăng đi đôi với mức độ tuyển dụng nhân viên cao đã thể hiện tinh thần lạc quan của các nhà sản xuất. Tâm lý lạc quan cũng được phản ánh trong việc gia tăng hoạt động mua nguyên vật liệu.


Bên cạnh đó, xuất khẩu trong tháng tăng 8,0% so với cùng kỳ năm ngoái (từ đầu năm đến nay tăng 5,5% so với cùng kỳ) và nhập khẩu tăng 8,2% so với cùng kỳ ( từ đầu năm đến nay giảm 0,3% so với cùng kỳ). Nguồn vốn FDI, cũng tiếp tục chảy đều đặn vào nền kinh tế. Từ đầu năm đến tháng 8, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt USD9,8 tỷ, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Các lĩnh vực sản xuất và chế biến thu hút dòng vốn FDI lớn nhất chiếm 73% trong tổng số, tiếp theo là bất động sản chiếm 6% và lĩnh vực khoa học và công nghệ chiếm 4,3%.

Những trở ngại như tăng trưởng toàn cầu yếu và đàm pháp về thỏa thuận TPP có khả năng sụp đổ cho đến nay đã không làm sức mẻ lòng tin đối với lĩnh vực sản xuất. Vì thế, theo các chuyên gia của HSBC, thì việc Chính phủ Việt Nam đã chọn trì hoãn phê chuẩn thỏa thuận TPP có thể phản ánh những sách lược về mặt chính trị trong bối cảnh thỏa thuận TPP đang bị cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống Mỹ ngắt ngang.

Song hành những khó khăn

Một trong những khó khăn được các chuyên gia HSBC đưa ra là nỗi lo lạm phát, dù lạm phát hiện tại không phải là một mối quan ngại lớn đối với Việt Nam vì vẫn được duy trì ở dưới mức mục tiêu 5%. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực giá cả đang ngày càng tăng, thì nỗi lo vẫn là thường trực.

Lạm phát mỗi tháng đều tăng và trong tháng 9 đã đạt mức 3,3%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản của tháng 9 cũng tăng đạt mức 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm nhẹ trong tháng 8.

Giá cả thực phẩm và nhiên liệu đều tăng trong tháng 9. Thực phẩm được cung cấp đầy đủ đã giúp giá cả mặt hàng này giảm nhẹ trong tháng 8. Nhưng các điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng không thuận lợi đã cản trở và đẩy lạm phát giá lương thực thực phẩm lên cao hơn.

Ngày 20/8/2016, các nhà kinh doanh xăng dầu của Việt Nam đã tăng giá xăng tương ứng với giá dầu thô toàn cầu. Giá bán lẻ xăng đã cao hơn 5-7%, xăng RON 92 đã tăng 4,6%, xăng E5 – năng lượng thay thế xanh – cũng đã tăng 6,8% trong khi dầu diesel tăng 2%. Đến cuối tháng, kết quả lạm phát tháng 9 sẽ thể hiện rõ hơn mức độ ảnh hưởng của tăng giá xăng.

Năm học mới bắt đầu cũng làm chi phí giáo dục gia tăng đáng kể khi nhiều tỉnh thành đã điều chỉnh học phí để thực hiện một nghị định do Chính phủ ban hành từ năm ngoái. Lạm phát nhiều khả năng sẽ cảm nhận lực đẩy nguồn cung tiền tăng cao cũng như tăng trưởng tín dụng.

Chưa hết, Hội đồng Tiền lương Quốc gia Việt Nam vừa quyết định tăng mức lương tối thiểu trung bình hàng tháng thêm 7,3% cho người lao động trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2017. Mặc dù đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ năm 1997 và có vẻ là một sự thỏa hiệp giữa đề xuất tăng 5% của người sử dụng lao động và 11% của người lao động, nhưng mức tăng trung bình này vẫn còn cao hơn mức lạm phát hiện tại và vì vậy có thể sẽ thúc đẩy lần tăng giá thứ hai.

“Áp lực về giá gia tăng sẽ làm giới hạn khả năng nới lỏng tiền tệ thêm nữa tại Việt Nam”, các chuyên gia của HSBC lo lắng.

Chính sách tài khóa căng thẳng cũng đang là một vấn đề đối với phát triển của Việt Nam. Dẫn số liệu Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) đưa ra về thâm hụt ngân sách đến ngày 15/8/2016 đã ở khoảng 111,5 ngàn tỷ đồng, tương đương với khoảng 44% dự toán cả năm.

Trong khi đó, nguồn thu ngân sách từ dầu thô và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang giảm sút do giá nhiên liệu thấp và quá trình thoái vốn cổ phần của Nhà nước trong các DNNN.

Cho đến tháng 8, giá bán trung bình của mỗi thùng dầu thô là USD41 - thấp hơn mức giá dự tính ngân sách là USD60. Theo Bộ Tài chính, tám tháng đầu năm nay chỉ có 10 ngàn tỷ đồng - một phần ba doanh thu thoái vốn được đề ra đã được thu lại.

Cần những bước đi đúng đắn

Mặc dù có những thách thức, song theo các chuyên gia của HSBC, Việt Nam vẫn hứa hẹn nhiều triển vọng tăng trưởng. Ví dụ, cả nước đã ký nhiều hợp đồng thương mại, bao gồm cả với Hàn Quốc, Nhật Bản, và Liên minh châu Âu. Trong khi đó, hội nhập ASEAN cũng đang được tiến hành (nhưng ở một tốc độ đáng thất vọng). Vì vậy, ngay cả khi thỏa thuận TPP thất bại, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ việc gia tăng thâm nhập vào các thị trường của các đối tác thương mại chính.

Song, các chuyên gia của HSBC vẫn nhấn mạnh, cải cách trong nước vẫn có ý nghĩa quan trọng nhất cho sự tăng trưởng bền vững.

Để bắt đầu, Bộ Tài chính cam kết cải thiện việc thu ngân sách trong những tháng còn lại của năm bằng cách thắt chặt quản lý thuế, đặc biệt là nợ. Mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực từ ngày 1.7.2016. Quy định này bao gồm việc đánh mức thuế cao hơn đối với xe hơi sang trọng, sẽ khiến doanh thu bán hàng của dòng thương hiệu xe hơi cao cấp tại Việt Nam giảm sút.

Ngoài ra, trong một nỗ lực để kiềm chế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng và khuyến khích việc sử dụng các loại xe mới tiết kiệm năng lượng, một nghị định mới đã được ban hành yêu cầu các nhà kinh doanh xe hơi phải trả cho Chính phủ thêm USD1.500 – 2.000 tiền thuế để mang xe đã qua sử dụng vào Việt Nam

Việt Nam cũng đang cố gắng đẩy nhanh quá trình bán các công ty Nhà nước, vì Chính phủ cần tiền để kiểm soát thâm hụt ngân sách và giảm nợ công nặng nề. Là một phần của nỗ lực thoái vốn lớn, Chính phủ cũng loại bỏ trần sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định.

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) - đơn vị đầu tư của Chính phủ đã được chỉ thị tiếp tục bán cổ phần của 10 doanh nghiệp Nhà nước trong một nỗ lực thúc đẩy thị trường chứng khoán và thu hẹp thâm hụt ngân sách bị mở rộng của đất nước. Các công ty được bán cổ phần Nhà nước bao gồm Vinamilk - công ty niêm yết lớn nhất của Việt Nam, và gã khổng lồ Tổng Công ty Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Việc bán cổ phần sẽ giúp thu về 150 ngàn tỷ đồng (tương đương USD6,7 tỷ).

Nhưng, sự thiếu minh bạch về giá cả và thông tin nghèo nàn của các công ty này là một vấn đề lớn, cản trở đến tiến trình bán cổ phần Nhà nước.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đang cân nhắc sử dụng "phương pháp dựng sổ" trong việc bán cổ phần Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước ( "phương pháp dựng sổ" là một quá trình theo đó giá bán tại một doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu IPO được xác định bởi một cuộc khảo sát của các nhà thầu tiềm năng).

“ Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng. Chắc chắn, cơ hội nới lỏng đang bị giới hạn có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai gần. Nhưng sự tiến triển ổn định về cải cách sẽ giúp Việt Nam duy trì vị trí một trong những quốc gia đi đầu ở châu Á”, các chuyên gia của HSBC khẳng định./.