Mới chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý
Theo WB, việc quản lý nước thải sinh hoạt ở Việt Nam còn nhiều vấn đề cần nhanh chóng giải quyết. Báo cáo cho hay khoảng 60% hộ dân đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng nhưng hầu hết xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt, chỉ 10% lượng nước thải được xử lý.
Đến năm 2012, chỉ có 3 thành phố lớn là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được đầu tư 17 hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Tỷ lệ hộ gia đình đấu nối thấp, thành phần hữu cơ trong nước thải được xử lý hay phân hủy sơ bộ trong bể tự hoại vào kênh - mương thoát nước, nước ngầm xâm nhập hệ thống cống, nước mưa được thu gom lẫn với nước thải… khiến nước thải trong hệ thống thoát nước chung có nồng độ chất ô nhiễm thấp.
Trường hợp này lẽ ra nên áp dụng công nghệ xử lý chi phí thấp và cho phép nâng cấp, cải tiến dần, khi nồng độ chất ô nhiễm tăng lên, thì các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt được lựa chọn công nghệ tiên tiến, có chi phí đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, các cấp ra quyết định chưa hiểu biết thấu đáo về những công nghệ xử lý phù hợp, cũng như quỹ đất bố trí cho nhà máy xử lý nước thải rất hạn chế, trong khi việc tái sử dụng bùn thải và nước thải đã qua xử lý lại chưa được quan tâm.
Trong khi đó, 90% hộ gia đình hiện vẫn xả nước thải vào bể tự hoại và chỉ có 4% lượng phân bùn được xử lý. Ngoài ra, điều kiện vệ sinh ở hầu hết các thành phố còn yếu kém cũng đã tác động nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại cho đất nước 1,3% GDP mỗi năm.
Chính vì vậy, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã phải chi khoảng 500 triệu USD/năm vào công tác xây dựng hệ thống nước thải, cải thiện môi trường tại các đô thị trên cả nước.
Tuy nhiên, theo WB hiện phần lớn người dân tại các đô thị lớn đang phải sống trong điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo. Mức thiệt hại kinh tế do vệ sinh môi trường kém tại Việt Nam đang dự tính khoảng 780 triệu USD/năm.
Từ mối lo ngại này, WB cho rằng, Việt Nam cần chi một khoản tiền lớn cho công tác xử lý nước thải đô thị, nhằm phát triển các thành phố lành mạnh, sạch sẽ và thịnh vượng lâu dài. Theo đó, từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần khoản kinh phí dự kiến 8,3 tỷ USD để cải thiện nguồn nước cho khoảng 43 triệu người dân ở khu vực đô thị.
4 giải pháp chính sách
WB cũng đưa ra đề xuất một số giải pháp sau đây với các nhà hoạch định chính sách khu vực nhằm phát triển các thành phố lành mạnh, sạch sẽ và thịnh vượng lâu dài.
Thứ nhất, phát triển các chính sách tập trung vào con người: Bao gồm:
- Lồng ghép các giải pháp vệ sinh môi trường với kế hoạch phát triển thành phố để loại trừ các bệnh lây qua đường nước và cải thiện điều kiện môi trường;
- Thiết kế và triển khai các chiến lược truyền thông để thông tin tới công chúng về lợi ích của giữ gìn vệ sinh môi trường vì đây là những nhân tố quan trọng đối với sự thay đổi trong lĩnh vực này.
Thứ hai, thúc đẩy giải pháp kỹ thuật hiệu quả về kinh tế:
- Ưu tiên thu gom và xử lý nước thải và phân bùn vì chúng là tác nhân gây bệnh. Cách tiếp cận như vậy là cần thiết vì phần lớn người dân đô thị trong khu vực được tiếp cận với nhà vệ sinh nhưng chất thải của con người không được thu gom và xử lý hợp lý;
- Áp dụng các chính sách môi trường khí hậu một cách thông minh để đảm bảo rằng tình trạng bất ổn do lũ lụt và biến đổi khí hậu được đưa vào trong kế hoạch quản lý nước thải và sử dụng các sản phẩm vệ sinh môi trường có giá trị như chất rắn sinh học có thể được tái sử dụng làm nhiên liệu hoặc cho các mục đích nông nghiệp.
Thứ ba, phát triển tổ chức thể chế bền vững để đảm bảo chất lượng dịch vụ:
- Bảo đảm rằng năng lực thể chế đủ để xây dựng và thực hiện các kế hoạch vệ sinh môi trường thành phố, trong đó nên kết hợp những mối quan tâm đến người nghèo;
- Kết hợp lồng ghép quản lý nước đô thị bằng cách kết hợp kinh doanh nước và nước thải vì đây là hai lĩnh vực có liên quan đến nhau và hỗ trợ sự phát triển cơ chế quản lý mạnh mẽ ở cấp địa phương để đảm bảo chất lượng dịch vụ .
Thứ tư, xây dựng các kế hoạch tài chính khả thi:
- Bảo đảm vốn đầu tư sẽ cần nguồn lực công và phát triển khung chính sách chi tiêu để có các ưu tiên trong đầu tư. Chi tiêu công phải được đưa vào kế hoạch tài chính của chính quyền trung ương và địa phương;
- Tối đa hóa việc sử dụng phí đóng góp của người sử dụng để đáp ứng chi phí hoạt động vận hành để dần loại bỏ phụ thuộc vào trợ cấp ngân sách, đảm bảo rằng dân cư đô thị được tiếp cận các dịch vụ khả thi về mặt tài chính.
Nguồn tham khảo:
1. http://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2014/01/20/unlocking-the-many-benefits-of-sustainable-urban-sanitation-services-in-the-region-and-in-vietnam
2. http://www.moitruong.com.vn/Home/Default.aspx?portalid=33&tabid=19&distid=15547