Nền kinh tế vẫn còn khá mong manh với nhiều khó khăn chính yếu vẫn chưa được giải quyết. Tốc độ tăng trưởng trong năm 2013 đạt 5,4% đa phần được dẫn dắt bởi khối dịch vụ và dòng vốn đầu từ nước ngoài ổn định đổ vào lĩnh vực sản xuất. Tăng trưởng nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân trong năm 2013 đạt tỷ lệ khá ấn tượng ở mức 81,7% và 9,9% đã thực sự phản ánh khả năng cạnh tranh của lao động và vị trí địa lý của Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó khăn với tình hình tín dụng bị thắt chặt, nhu cầu trong nước không cao và năng lực cạnh tranh giảm. Điều này có nghĩa là các nhà làm chính sách sẽ phải giải quyết các vấn đề đang cản trở hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp nội địa để duy trì sự tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hỗ trợ nhờ vào sự đổi mới dần dần của việc xây dựng năng lực thể chế và tập trung cho đầu tư các hoạt động sản xuất.

Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC trong tháng Giêng đã đạt kết quả cao nhất kể từ tháng 4/2011 và sản lượng có nhiều khả năng tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Tình hình xấu nhất dường như đã qua, các nhà làm chính sách hiện nay có thể đề ra một chiến lược cụ thể để nâng cao hiệu quả kinh tế của Việt Nam và phát hiện ra tiềm năng của đất nước.

Hoạt động sản xuất tại Việt Nam đang dần nóng lên. Sản lượng sản xuất tăng mạnh từ 52,6 điểm lên 53,5 điểm thể hiện nhu cầu đối với hàng hoá Việt Nam đang dần tăng. Nhu cầu nước ngoài cũng đang cải thiện với tăng trưởng ở các nước thuộc khối Cộng đồng chung châu Âu và Mỹ được kỳ vọng sẽ mạnh hơn trong năm 2014 so với với năm 2013.

Số lượng hàng mua là chỉ số phụ có mức tăng lạc quan nhất từ mức 53,8 điểm trong tháng 12 lên 55,2 điểm trong tháng 1, phản ánh nhu cầu hàng hoá cho sản xuất tăng mạnh hơn.

Báo cáo cũng cho biết, hiện sản xuất đang không đáp ứng được nhu cầu. Hàng tồn kho sau khi bị giảm xuống mức kỷ lục do các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp nhằm giải tỏa hàng tồn kho cũng đang tiếp tục giảm mạnh.

Tuy nhiên, đơn đặt hàng mới đang tăng do nhu cầu nước ngoài tăng và các điều kiện trong nước ổn định. Điều này đã khiến chỉ số chỉ thị chính – đơn đặt hàng mới trừ đi hàng tồn kho đã nhảy lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2011, có nghĩa rằng sản xuất sẽ tăng tốc trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu.

Các chuyên gia kinh tế của HSBC nhận định, lĩnh vực sản xuất sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao mức tăng trưởng GDP từ 5,4% trong năm 2013 lên mức dự kiến 5,6% trong năm 2014.

Điều đáng lưu ý là hoạt động sản xuất đang tăng dần vị thế quan trọng của mình đối với nền kinh tế Việt Nam nhờ vào mức tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất, cũng như sự sụt giảm đáng kể của các ngành khác, như: khai khoáng mỏ và khai thác đá, xây dựng và bất động sản, nông nghiệp và lâm nghiệp.

“Tăng trưởng lĩnh vực sản xuất chắc chắn là một tín hiệu lạc quan, đặc biệt là khi dòng vốn ngoại đang đổ vào mạnh mẽ và sự giới thiệu các chuẩn mực sản xuất quốc tế vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp nền kinh tế vượt qua một thời kỳ đầy khó khăn như hoạt động đầu tư và tiêu thụ chậm chạp”, các chuyên gia của HSBC nhận định.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, trong suốt giai đoạn này, một chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa cũng rất quan trọng. “Chiến lược này có đang gia tăng mối quan hệ của các doanh nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng, cải thiện các giá trị cộng thêm vào hoạt động sản xuất bên cạnh nguồn nhân công giá rẻ và nguyên vật liệu thô”, báo cáo nhấn mạnh./.