Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam?

Sáng ngày 16/6, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp tổ chức hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vi mô của Việt Nam trong năm 2017. Ở kịch bản tăng trưởng nhanh lên 6,7%, lạm phát sẽ ở mức 3,2%. Còn với kịch bản kinh tế tăng trưởng tự nhiên, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm dừng ở mức thấp nhất là 2,35%.

Việc dự báo có hai kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2017 dựa trên những dấu hiệu rủi ro, như: việc phụ thuộc vào khu vực FDI trong hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng rõ nét, khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập; ngân sách và nợ công vẫn là nguy cơ tạo nên bất lợi; tỉ trọng dành cho đầu tư phát triển đang có xu hướng giảm, cùng với việc Fed tăng lãi suất và chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump có thể tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại.

"Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, tăng sản lượng khai thác dầu thô..., có thể làm chậm động năng cải cách và trì hoãn sự phục hồi tăng trưởng bền vững", TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết.

Do vậy, TS. Thành kiến nghị, giữa hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2017, Việt Nam nên đi theo hướng của kịch bản thứ nhất, nghĩa là kịch bản của chính phủ đúng với tính chất kiến tạo của mình.

TS. Nguyễn Đức Thành tóm tắt nội dung báo cáo

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, các cơ quan hoạch địch chính sách cần cẩn trọng trong điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt cần độc lập và chặt chẽ trong việc điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm 2017; giữ vững mục tiêu lạm phát. Đồng thời, chính phủ cũng cần thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào ngân sách như các hội, đoàn thể.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Phong, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng ở mức cao. Ông tính toán rằng, 80% khả năng chính phủ phủ sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế 6,7%. Sự phối hợp của các ngành và bối cảnh thế giới sẽ quyết định 20% còn lại.

“Tăng trưởng xấp xỉ 6,7% hoặc chạm 6,7% là có tính khả thi cao. Tôi cho rằng khả năng đạt được 6,7% là 80% và còn phụ thuộc vào sự phối hợp của các ngành, một số bối cảnh cụ thể của thế giới nếu không có gì thay đổi so với hiện nay” – chuyên gia Nguyễn Minh Phong đánh giá.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng: "Quyết tâm đạt được 6,7% nếu không đạt được sẽ phá rất nhiều cân đối". Nêu ra 3 lý do, ông Cấn Văn Lực cho rằng, chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô để đạt mục tiêu tăng trưởng.

“Thứ nhất là tài nguyên thiên nhiên có hạn. Thứ hai là khai thác tài nguyên lúc này sẽ tác động đến sự bền vững về lâu dài. Thứ ba là giá dầu hiện nay chưa thực sự tốt về lợi nhuận, doanh thu đem lại. Vì 3 lý do đó, tôi cho rằng việc khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô cần hết sức cân nhắc” – ông Cấn Văn Lực lập luận.

Thay vì khai thác tài nguyên, giải pháp tối ưu hơn được ông Cấn Văn Lực đưa ra là tập trung vào tiêu dùng, dịch vụ và phát triển doanh nghiệp tư nhân. Theo ông Lực, lĩnh vực tiêu dùng chiếm 78% GDP và với mỗi 1% tăng trưởng tiêu dùng thì nền kinh tế đã thêm được 380 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, 1 triệu tấn dầu thô chỉ đem lại 9 nghìn tỷ đồng với thời giá hiện tại. Do đó, chính phủ cần khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, cho vay tiêu dùng, tiêu dùng dịch vụ du lịch.

Đồng thời, chính phủ cũng cần tạo ra điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn để doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Việc này sẽ giúp người lao động có việc làm, thu nhập và kích thích tiêu dùng.

Các diễn giả tại hội thảo

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bổ sung thêm, Việt Nam nên kìm hãm việc thúc đẩy đầu tư, tín dụng lại, thay vào đó đặt mục tiêu vào những đầu cầu then chốt như TP. Hồ Chí Minh - khu vực đáng được kích thích tăng trưởng mạnh.

"Ngoài ra, hiện cần phải xác định được điểm rơi của năm 2017, bên cạnh những vấn đề nóng, chúng ta đang sa vào điều hành không tương thích với lãnh đạo. Điều hành kiểu này không phải điều hành kiến tạo. Theo đó, cần xem lại điểm nghẽn trong xây dựng và vận hành nhà nước kiến tạo", TS. Lưu Bích Hồ gợi ý.

Cải cách để xây dựng chính phủ kiến tạo

Theo báo cáo, việc xây dựng chính phủ kiến tạo ở Việt Nam là một bước tiến tới gần hơn bản chất của kinh tế thị trường, định vị lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế đó. Chính phủ thiết lập luật chơi và giám sát luật chơi, thừa nhận và bảo vệ “người chơi” trong bản chất cố hữu của nó, tức là các quyền căn bản về sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh và các cấu trúc thể chế xã hội tương ứng. Chính phủ thực hiện vai trò của mình với chi phí thấp nhất cho xã hội, để “người chơi” chơi tốt nhất.

Khác với các nước phát triển phương Tây, Việt Nam đi từ chiều hướng ngược lại: từ nhà nước kiến tạo chủ nghĩa dịch chuyển về “trạng thái tự nhiên” nhiều hơn, từ thái cực can thiệp hoàn toàn tiến tới giảm can thiệp, trả lại không gian cho thị trường, cho xã hội công dân, nghĩa là hướng về phía các nhà nước cổ điển trong nền kinh tế thị trường. Các điểu kiện cơ bản cho hoạt động sinh hoạt, kinh doanh “tự nhiên” như chế độ sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh và các quyền tự do cơ bản, được trao trả từ trên xuống chứ không phải hình thành từ dưới lên. Tương ứng như vậy đối với các thể chế liên quan.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng nhà nước kiến tạo ở Việt Nam hiện có nhiều vấn đề tồn tại. Bộ máy hành chính nhà nước chưa được chuyên nghiệp hóa và kỹ trị hóa; bộ máy nhà nước can thiệp thiếu nguyên tắc vào các hoạt động của thị trường; bộ máy tư pháp thiếu độc lập; trách nhiệm giải trình của hệ thống chính trị đối với xã hội còn yếu kém…

Trong bối cảnh đó, TS. Nguyễn Đức Thành khẳng định, để trở thành một nhà nước kiến tạo, liêm chính và hành động, Việt Nam sẽ có nhiều việc phải làm. Đó là luật hóa mối quan hệ giữa Đảng với nhà nước và xã hội, nhằm cho phép Đảng tăng hiệu quả lãnh đạo và nhà nước hiện thực hóa thông qua luật pháp. Xây dựng hệ thống tư pháp theo hướng chuyên môn hóa, tăng tính độc lập để tăng hiệu quả tư pháp, thượng tôn pháp luật.

Đồng thời, tăng tính kỹ trị của bộ máy hành chính nhà nước và quốc hội trong việc làm luật. Tinh giản bộ máy nhà nước và tinh giản sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế bằng việc hợp nhất quyền lực Đảng với chính phủ thông qua quá trình nhất thể hóa.

Và cuối cùng, cần kiến tạo môi trường pháp lý và xã hội cho sự tham gia nhiều hơn nữa của xã hội công dân vào việc xây dựng xã hội, nâng cao trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước./.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 gồm 8 chương và 2 phụ lục với tiêu đề: “Đẩy mạnh cải cách vì một nhà nước kiến tạo” được thực hiện trong thời điểm tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại, năng suất nền kinh tế chậm cải thiện. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuân lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, thị trường và các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ quyết tâm cũng như khả năng của chính phủ mới trong việc cam kết xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch và phục vụ. Vì vậy, báo cáo 2017 tập trung xem xét những vấn đề liên quan tới chủ đề cải cách thể chế nhằm hướng tới một nhà nước kiến tạo.