Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển biến tích cực với đà tăng trưởng khả quan từ kinh tế Mỹ và các nước phát triển .

Trong những tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã đối mặt với nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng quý I có dấu hiệu chững lại, giá nông sản, thực phẩm, nhất là giá thịt lợn giảm mạnh tác động tiêu cực tới chăn nuôi và thách thức tới mục tiêu tăng trưởng năm 2017 của cả nước.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, đồng thời ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

“Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đang chuyển biến tích cực”, ông Lâm cho hay.

Thay mặt cơ quan thống kê trung ương, ông Nguyễn Bích Lâm công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%.

Trong mức tăng 5,73% của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có mức đóng góp cao nhất, đóng góp 2,59 điểm phần trăm tăng.

Lần đầu tiên trong cùng kỳ 5 năm gần đây, khu vực này đã tăng tới 6,85% (Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ 6 tháng của một số năm: Năm 2012 tăng 6,11%; năm 2013 tăng 6,13%; năm 2014 tăng 5,82%; năm 2015 tăng 5,86%; năm 2016 tăng 6,47%).

Tiếp đó là khu vực công nghiệp và xây dựng, với mức tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm.

Với nhiều khó khăn, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Cụ thể các tiểu ngành trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, thì ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,08% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Ngành lâm nghiệp tăng 4,31%, thấp hơn mức tăng 5,75% của 6 tháng năm 2016, đóng góp 0,03 điểm phần trăm.

Ngành nông nghiệp tăng khá ở mức 2,01% so với mức giảm 0,78% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,33%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% và 7,01% của cùng kỳ năm 2015 và năm 2016.

Nguyên nhân, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 8,2%, làm giảm 0,61 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, đây là mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở về đây.

Cụ thể, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành khai khoáng 6 tháng của một số năm như sau: Năm 2011 tăng 2,82%; năm 2012 tăng 5,1%; năm 2013 tăng 2,05%; năm 2014 giảm 1,13%; năm 2015 tăng 8,48%; năm 2016 giảm 2,25%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 10,52%, tương đương mức tăng 10,50% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,79 điểm phần trăm.

Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá với tốc độ 8,50%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,10% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có mức đóng góp cao nhất vào mức tăng chung (0,65 điểm phần trăm); dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,90%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,66%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.

Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bất động sản đã có mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, tăng 3,86% (Mức tăng ngành kinh doanh bất động sản 6 tháng một số năm: Năm 2012 tăng 0,8%; năm 2013 tăng 1,81%; năm 2014 tăng 2,51%; năm 2015 tăng 2,72%; năm 2016 tăng 3,33%). Trong 6 tháng đầu năm, đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%; khu vực dịch vụ chiếm 41,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2016 là: 15,72%; 32,98%; 41,0%; 10,30%).

“Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,04% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 8,48 điểm phần trăm; tích lũy tài sản tăng 9,50%, đóng góp 4,26 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 7,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung”, ông Nguyễn Bích Lâm cung cấp thêm thông tin./.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 6 tháng các năm 2015, 2016 và 2017

Tốc độ tăng so với

cùng kỳ năm trước (%)

Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng 6 tháng
đầu năm 2017
(Điểm phần trăm)

6 tháng năm 2015

6 tháng năm 2016

6 tháng năm 2017

Tổng số

6,32

5,65

5,73

5,73

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

2,22

-0,18

2,65

0,43

Công nghiệp và xây dựng

9,36

7,36

5,81

2,00

Dịch vụ

5,86

6,47

6,85

2,59

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

5,50

6,61

6,11

0,71