Đó là chia sẻ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trong Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 5/1/2014 khi đề cập đến tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc, miền núi, cũng như việc huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Năm 2013, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới để hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc và miền núi. Nhưng trên thực tế, đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn. Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, năm 2013, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách mới, như: Chiến lược công tác dân tộc, Chương trình hành động về công tác dân tộc của Chính phủ đến năm 2020, Chính sách 135, hỗ trợ di dân, định canh, định cư, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc.

“Tuy nhiên, nhiều chính sách được xây dựng từ trước, một số chính sách đã lạc hậu nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp. Sự phân công, quản lý điều hành các chương trình còn có sự chồng chéo, không đủ nguồn lực bố trí cho các chính sách”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thắng thắn nhìn nhận.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử dẫn chứng, chương trình 135 mới chỉ đạt mức độ rất thấp; việc hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa bố trí được vốn.

Không chỉ vướng mắc ở vấn đề chính sách, nguồn vốn để hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc và miền núi cũng là vấn đề tương đối nan giải. Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết, hiện tại, mức hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn chỉ có 80.000-100.000 đồng/người/tháng trong khi nhu cầu thực tế lên đến 300.000 đồng/người/tháng.

Hiện nay, nguồn vốn hỗ trợ nói trên đang hoàn toàn dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước, Chính phủ. Bởi vậy, đứng trước khó khăn của nguồn lực trong nước, vấn đề xã hội hóa, huy động nguồn lực từ bên ngoài là hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong việc cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc.

Để có thể huy động nguồn vốn từ xã hội hóa, vừa qua, được sự ủy quyền của Thủ tướng, “Ủy ban Dân tộc đã ký Hiệp định đầu tư tài trợ của Chính phủ Ireland cho Chính phủ Việt Nam, trị giá 15 triệu Euro trong giai đoạn 2013-2015 dành cho 8 tỉnh khó khăn nhất của đất nước. Như vậy, mỗi năm có thêm trên 100 tỷ đồng hỗ trợ cho các tỉnh này”, người đứng đầu Ủy ban Dân tộc cho biết.

Ông cũng khuyến nghị, Việt Nam cần “phải hết sức tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm việc sử dụng nguồn lực trong nước và quốc tế để đảm bảo các nguồn lực này đến tay người thụ hưởng chính sách”.

Đối với những đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thường xuyên phải chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai, theo Bộ trưởng, Chính phủ cần chỉ đạo và giao trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chính sách khắc phục hậu quả quả biến đổi khí hậu, thiên tai; đưa các tiến bộ kỹ thuật vào dự báo thời tiết, vùng miền có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống.

Nhân dịp bước sang năm 2014, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cũng thay mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, gửi lời chúc Tết và lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào dân tộc cả nước nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đặc biệt là các hộ đồng bào nghèo vùng thường chịu ảnh hưởng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc vui tươi, lành mạnh./.