Chiều 21/6/2013 Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành Chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 5 với nhiều nội dung được đánh giá cao như: Đánh giá tiếp thu những ý kiến đóng góp của toàn thể người dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; Thông qua 9 Luật và 2 Nghị quyết; và các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước… Những nội dung của các vấn đề này sẽ được Tạp chí giới thiệu đến bạn đọc trong phần đầu của chuyên mục Định hướng – Triển vọng.

Cũng trong chuyên mục này, Tạp chí Kinh tế và Dự báo sẽ gửi đến bạn đọc những nội dung quan trong về tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước trong 6 tháng qua. Đó là các vấn đề: giảm thuế, giãn thuế… nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; các vấn đề về quan hệ giữa Việt Nam – ASEAN, Việt Nam – Liên bang Nga, Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Hoa Kỳ, Việt Nam - Ấn Độ

Chuyên mục Diễn đàn xây dựng Luật Quy hoạch kỳ này tiếp tục gửi đến bạn đọc những nội dung liên quan đền những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong việc phát triển và phân bố các ngành sản xuất, kinh doanh trong quy hoạch vùng ở nước ta hiện nay. Bên cạnh đó là những giải pháp để tháo gỡ những vấn đề này. Những nội dung này sẽ được đề cấp đến trong bài viết Phát triển và phân bố các ngành sản xuất, kinh doanh trong quy hoạch vùng ở Việt Nam của tác giả Kim Quốc Chính.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Công ty quản lý tài sản và mua bán nợ (AMC). Đây được cho là giải pháp hữu hiệu để giải quyết khối tài sản khổng lồ nợ xấu đang tồn tại bấy lâu nay. Phương án này cũng được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá cao và được nhiều doanh nghiệp trong nước hồ hởi đón nhận. Tuy nhiện, việc vận hành công ty AMC làm sao để đạt được những kỳ vọng như mong muốn đang là vấn đề được quan tâm. Đây là những nội dung mà tác giả Nguyễn Thường Lạng muốn gửi đến bạn đọc qua bài viết Công ty AMC: Bước ngoặt xử lý nợ xấu trong chuyên mục Nghiên cứu – Trao đổi.

Mô hình tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đang vận hành dựa quá nhiều vào yếu tố vốn đầu tư, nhưng do hiệu quả thấp nên đang đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một cách bài bản cơ cấu đầu tư, đặc biệt, đối với cơ cấu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Chặng đường phía trước còn dài và còn thời gian để thay đổi. Song, việc điều chỉnh thay đổi cũng cần phải diễn ra ngay từ thời điểm này. Vậy, điều chỉnh như thế nào và thực hiện ra làm sao? Nội dung này sẽ được phản ảnh qua bài viết Đổi mới cơ cấu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của tác giả Nguyễn Văn Tuấn.

Việt Nam có 9 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 3, Malaysia chỉ có 2, Singapore, không có di sản nào. Ng theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2012, ngành du lịch Việt Nam lại chỉ xếp thứ 80/139 quốc gia được xếp hạng, trong khi, Malaysia đứng thứ 35, Thái Lan là 41 và Singapore là thứ 10. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường kinh doanh du lịch hiện nay còn thiếu lành mạnh và đang bộc lộ nhiều bất cập. Để cải thiện vấn đề này như thế nào? Vấn đề này được nêu bật và phân tích tại bài viết Để cải thiện môi trường kinh doanh du lịch hiện nay của tác giả Nguyễn Chí Tranh.

Ngoài ra chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi gửi đến bạn đọc một số bài viết nghiên cứu về một số vấn đề như: Lạm phát, vốn cho xây dựng hạ tầng, giáo dục đại học, xuất khẩu… Mời bạn đọc đón đọc.

Nói đến Đà Nẵng là nói đến một trong những thành phố năng động, phát triển mạnh nhất của đất nước trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để đạt được những thành công như ngày hôm nay, Đà Nẵng đã phải phấn đấu không ngừng về mọi mặt của nền kinh tế cũng như thực hiện hài hòa các mục tiêu như: Chính sách, thu hút đầu tư, an sinh xã hội … Trong số ra kỳ này, Tạp chí gửi đến bạn đọc một bức tranh sinh động về Đà Nẵng qua một số bài viết của các đồng chí lãnh đạo thành phố và được phản ánh trong chuyên mục Đà Nẵng – Đầu tàu kinh tế khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Trong chuyên mục Kinh tế ngành địa phương kỳ này là những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của một số tỉnh, thành trong cả nước, đó là Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Cà Mau và Kiên Giang. Mời bạn đọc đón đọc.

Như thường lệ, chuyên mục Nhìn ra thế giới sẽ kết thúc các bài viết trong số ra Tạp chí. Trong chuyên mục Nhìn ra thế giới kỳ này, Tạp chí gửi đến bạn đọc những kinh nghiệm phát triển các tập đoàn kinh tế trên thế giới.