3 nguyên tắc trong xây dựng Luật

Tiếp tục kỳ họp bất thường của Quốc hội, sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, theo Văn phòng Quốc hội.

1 luật sửa 8 luật: Khơi thông các điểm nghẽn để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Ảnh: Quốc hội

Theo đó, việc xây dựng luật lần này bám sát 3 nguyên tắc: (1) Lựa chọn một số quy định đang có các mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, đang gây vướng mắc, cản trở và yêu cầu cấp bách phải sửa đổi ngay; (2) Đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các địa phương; (3) Những nội dung này phải rõ ràng, có tính độc lập nhất định và có thể kế thừa để sau này tiếp tục hoàn chỉnh.

“Lần này chỉ sửa đổi các quy định cấp bách phải sửa đổi ngay, bảo đảm rõ ràng, có tính độc lập nhất định, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các địa phương. Mục tiêu sửa luật là nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế pháp luật để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng ngay các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh trong phân cấp, phân quyền; đơn giản hóa thủ tục; tạo thuận lợi cho đầu tư vào doanh nghiệp…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Làm rõ nhiều nội dung sửa đổi

Tại phiên họp, Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình làm rõ nhiều nội dung cụ thể mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Liên quan đến các ý kiến đề nghị hết sức thận trọng hoặc chưa phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của các di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới, Bộ trưởng Bộ Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định tại Điều 32 của Luật Di sản văn hóa, việc xây dựng các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ của di tích, trong đó đã bao gồm di tích thuộc Danh mục di sản thế giới, thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Như vậy quy định này không yêu cầu phải có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, nên việc phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh đối với dự án này tại khu vực bảo vệ 2 của di tích là phù hợp và thống nhất với quy định của Luật Di sản văn hóa.

1 luật sửa 8 luật: Khơi thông các điểm nghẽn để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ nhiều nội dung cụ thể mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quốc hội

Về ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu và tranh luận liên quan đến việc sửa đổi quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại tại Điều 75 của Luật Đầu tư công hay còn gọi là Điều 23 của Luật Nhà ở, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại của Luật Nhà ở đã phát sinh những vướng mắc trong một thời gian rất dài từ năm 2014, nên đã được sửa đổi tại Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020. Tuy nhiên, thực chất vẫn chưa giải quyết được những bất cập đang tồn tại, nên tạo ra những phân biệt đối xử với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, nhưng không phải là đất ở hoặc là không có một phần đất ở, dù chỉ là 1m2 thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư, gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực và thiếu hụt cung cầu về nhà ở, làm cho giá nhà ở có phần tăng…

Ngoài ra, các quy định trên không thống nhất với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư và quy định về người sử dụng đất được quyền chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 52, 57, 58 của Luật Đất đai.

Theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội, thì đang còn rất nhiều dự án thương mại kiểu như trên đang bị ách tắc, trong đó TP. Hồ Chí Minh 150 dự án, Hà Nội còn 102 dự án, Bình Dương có khoảng 40 dự án.

Trước thực trạng trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi Điều 75 Luật Đầu tư để cho phép các nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, gồm cả 3 loại đất gồm: đất ở; đất ở và các loại đất khác; các loại đất khác mà không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và không phải qua đấu giá, đấu thầu…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi phương án sửa đổi của Chính phủ để lấy ý kiến của các địa phương. Tính đến ngày 31/12 vừa qua, đã có 21/24 địa phương đồng ý với phương án sửa đổi của Chính phủ. Một số địa phương còn đề nghị sửa đổi mạnh mẽ hơn đối với những quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở để tháo gỡ vướng mắc đối với dự án nhận chuyển nhượng, sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở thương mại.

“Trên đây là vấn đề rất lớn, rất khó, nếu không xử lý, giải quyết thì sẽ ách tắc và không khơi thông được các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời, nếu không chặt chẽ, không thận trọng, thì có thể sẽ gây hậu quả như các đại biểu Quốc hội đã nêu. Nội dung này cũng liên quan đến rất nhiều các luật, chính sách về đất đai, xây dựng, đầu tư, nên cần được nghiên cứu và đánh giá thật thận trọng và đầy đủ hơn, đảm bảo chặt chẽ và hài hòa giữa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.