100 container điều xuất khẩu gặp khó về thanh toán: Kinh nghiệm nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH VIETGO |
Doanh nghiệp đang gửi đơn kêu cứu vì lo ngại bị mất trắng 100 container điều xuất khẩu, trị giá hàng trăm triệu USD. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự vụ ày?
Tôi đọc báo thấy ngày 8/3 vừa qua, Báo Tuổi Trẻ cùng nhiều báo khác đưa thông tin về việc 100 container điều của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Ý đã bị trục trặc thanh toán. Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu đã gửi chứng từ lên ngân hàng Việt Nam để nhờ thu tiền. Theo thông tin báo chí đưa, tôi hiểu rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu đã sử dụng hình thức thanh toán nhờ thu. Tuy nhiên, nhờ thu là một hình thức thanh toán rất rủi ro cho doanh nghiệp. Nếu không thu hộ được thì đành mất. Rủi ro nằm ngay trong cái tên của nghiệp vụ.
Về bản chất, doanh nghiệp không bao giờ nên đưa hàng cho người khác rồi lại nhờ một bên khác thu tiền và nếu không thu được thì thôi. Hình thức nhờ thu này gần như không có cam kết, hoặc cam kết ở đây đều rất lỏng lẻo. Doanh nghiệp Việt Nam đã tự làm khó mình khi chọn hình thức thanh toán không đảm bảo cho mình.
Tức là doanh nghiệp Việt Nam không nên dùng hình thức thanh toán nhờ thu, thưa ông?
Đúng.
Trong thanh toán quốc tế có khoảng 10 hình thức thanh toán, trong đó, hình thức thanh toán nhờ thu là rủi ro nhất. Trong quá trình tôi tư vấn hoặc hướng dẫn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì VIETGO thường đưa ra 2 hình thức có lợi cho doanh nghiệp nhất, đó là hình thức thanh toán TT và LC. Kể cả trong TT và LC đều có những rủi ro nhất định, nhưng ở đó có nhiều điều khoản mà doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng để kiểm soát rủi ro một cách an toàn.
Theo ông Việt, doanh nghiệp xuất khẩu nên sử dụng công ty tư vấn, nhất là với các hợp đồng có giá trị hàng trăm tỷ... |
Theo thông tin về vụ việc thì ngân hàng Ý cho biết, họ chỉ nhận được bộ chứng từ copy (tức là bản photo). Vậy chứng từ gốc có thể đang ở đâu, thưa ông?
Hình thức nhờ thu có nghĩa là doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã đưa chứng từ gốc cho ngân hàng của họ ở Việt Nam và ngân hàng sẽ gửi bộ chứng từ gốc đến ngân hàng của người nhập khẩu ở Ý để nhờ thu hộ.
Tuy nhiên, rất có thể ngân hàng Việt Nam đã không có mối liên hệ trực tiếp hoặc không có mối làm ăn trực tiếp với ngân hàng ở Ý, nên họ đã thông qua hệ thống liên ngân hàng trung gian ở giữa. Theo đó, hiện nay bộ chứng từ gốc có thể đang nằm ở những ngân hàng trung gian mà chưa rõ cụ thể là ngân hàng nào.
Đây là lý do khi doanh nghiệp của chúng ta gọi điện sang Ý và hỏi ngân hàng ở Ý thì họ đã trả lời một cách chính xác và máy móc rằng, họ chưa nhận được chứng từ gốc. Các ngân hàng trung gian chỉ photo chứng từ để thông báo nên ngân hàng ở Ý chưa nhận được là chính xác rồi.
Là người giàu kinh nghiệm thương trường, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông có lời khuyên hay giải pháp gì cụ thể cho doanh nghiệp để tránh lặp lại lần nữa nguy cơ mất tất khi xuất hàng?
Việc đầu tiên doanh nghiệp cần nhớ là không nên tự đưa mình vào thế khó. Có nghĩa là, không nên chọn hình thức nhờ thu hoặc các hình thức thanh toán không an toàn khác. Thứ hai, doanh nghiệp xuất khẩu nên sử dụng công ty tư vấn, nhất là với các hợp đồng có giá trị lớn, hàng trăm tỷ đồng thì không nên ngần ngại cắt một khoản nhỏ để trả cho những công ty, những người có kinh nghiệm tư vấn để đổi lấy sự an toàn.
Tôi cho rằng, các doanh nghiệp đang có nguy cơ bị mất hàng trong câu chuyện 100 container điều đã xuất này chủ yếu là ở tỉnh. Vì thế, việc thuê được nhân viên xuất nhập khẩu giỏi là khó, còn trông vào nhân viên tư vấn thanh toán quốc tế ở những ngân hàng địa phương cũng khó mà gặp được người giỏi. Vì vậy, doanh nghiệp nhiều khả năng mắc vào trường hợp không biết mình đang sử dụng một hình thức thanh toán quá rủi ro!
Trong câu chuyện cụ thể về 100 container điều xuất khẩu hiện nay, có cách nào để doanh nghiệp bớt thiệt hại không, theo ông?
Đối với lô hàng đã xuất, rủi ro không thanh toán được là hiện hữu, nhưng vẫn còn một cơ hội bớt mất mát, đó là doanh nghiệp chủ động cho tàu quay về để thu hồi lại hàng. Theo cách này, doanh nghiệp chỉ mất tiền cước của hàng đi và hàng về, chứ hàng thì khó mà bị mất.
Xem toàn bộ video tại đây
Bình luận