Từ khóa: an ninh, an toàn đối với hoạt động xuất nhập khẩu, hải quan

Summary

Foreign direct investment (FDI) is often considered an essential factor driving economic growth in developing countries. It contributes to economic development by encouraging domestic investment, forming human capital, and facilitating domestic technology transfer. The main objective of this study is to explore the impact of FDI on economic growth in Dong Thap province during the period 2000-2022. The relationship between FDI and economic growth has been analyzed using the AECM model. The results show the impact of FDI on Dong Thap province’s economic growth is both short-term and long-term. Based on these results, some policy implications on FDI are suggested for Dong Thap province.

Keywords: economic growth, foreign direct investment, Dong Thap province

ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo Điều 7 - Luật Hải quan năm 2014, trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường hiện nay, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách tạo điều kiện thuận lợi thương mại để buôn bán, vận chuyển các hàng hóa lưỡng dụng, hàng hóa chiến lược vào những mục đích bất hợp pháp. Tình trạng này có thể đe dọa đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội. Với vai trò là “người gác cửa” nền kinh tế quốc gia, bảo đảm an toàn cho thương mại hợp pháp và an ninh, an toàn cộng đồng, cơ quan hải quan phải tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường quản lý nhà nước về hải quan trong thực thi nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động XNK.

Bối cảnh này cho thấy, việc nghiên cứu thực trạng triển khai nhiệm vụ an ninh, an toàn trong XNK, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để có thể đưa ra các giải pháp tháo gỡ là rất cần thiết.

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ AN NINH, AN TOÀN TRONG XNK

Về khung khổ pháp lý, các quy định của pháp luật liên quan hiện hành của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hải quan thực thi nhiệm vụ đã được ban hành, như: Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 81/2019/NĐ-CP, ngày 11/11/2019 về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã đưa ra hệ thống quy định pháp luật về XNK; tạm nhập, tái xuất; cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; quá cảnh và trung chuyển hàng hóa. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi triển khai trong thực tiễn đáp ứng với yêu cầu quản lý nhà nước về kiểm soát thương mại chiến lược, góp phần tạo khung khổ thuận lợi cho cơ quan hải quan triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động XNK.

Hải quan Việt Nam thực thi nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động xuất nhập khẩu
Lực lượng hải quan sử dụng chó nghiệp vụ để phát hiện ma túy trong hàng hóa xuất nhập khẩu

Đến nay, Việt Nam đã tham gia các cam kết quốc tế về đảm bảo an ninh, an toàn, như: Công ước vũ khí hóa học (CWC); Công ước vũ khí sinh học (BWC); Sáng kiến an ninh chống phổ biến (PSI); Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc UNSCR 1540... Các kết quả cụ thể của nhiệm vụ này được cơ quan hải quan triển khai thực hiện thông qua các chương trình, dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài gồm: Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và An ninh biên giới có liên quan (EXBS) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Sáng kiến Cảng lớn (Megaport) do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) và Cơ quan An toàn hạt nhân Quốc gia Hoa Kỳ (NNSA) thực hiện; Dự án An ninh hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).

Hải quan Việt Nam đã tiếp nhận, quản lý và triển khai các dự án có hiệu quả và thực chất, nổi bật là tiếp nhận và khởi động dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án. Cụ thể, Đề án đổi mới công tác quản lý chuyên ngành theo Nghị quyết số 99/NQ-CP, ngày 13/11/2019 của Chính phủ; Đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin hải quan; đổi mới và mở rộng cơ chế Một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại.

Trong khuôn khổ Sáng kiến Megaports do Mỹ tài trợ, Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận và hoàn thành việc lắp đặt, triển khai hệ thống soi chiếu phóng xạ tại khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải và cảng Cát Lát - TP. Hồ Chí Minh với tổng giá trị hệ thống khoảng 6 triệu USD (Tổng cục Hải quan, 2020b). IAEA và cơ quan năng lượng Hoa Kỳ đã tài trợ hệ thống phát hiện phóng xạ tại sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Khuôn khổ Chương trình EXBS hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã hỗ trợ Hải quan Việt Nam trong việc đấu tranh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngăn chặn chống khủng bố, đảm bảo an ninh, an toàn cho cộng đồng. Cụ thể, EXBS đã hỗ trợ Hải quan Việt Nam xây dựng giáo trình đào tạo nhận diện hàng hóa lưỡng dụng, đào tạo giảng viên và thiết bị đào tạo nhận diện hàng hóa lưỡng dụng, gồm: máy tính xách tay, máy chiếu, loa… với tổng trị giá gần 40.000 USD nhằm tăng cường năng lực ngăn chặn các hoạt động buôn bán trái phép những hàng hóa sử dụng cho mục đích phổ biến WMD; hệ thống máy soi container có trị giá gần 200.000USD, trang thiết bị cầm tay, soi chiếu hàng hóa và các phương tiện kiểm soát vận tải và hành khách xuất nhập cảnh... và các thiết bị, dụng cụ, giáo cụ trực quan, hình ảnh, tình huống điển hình, tài liệu, video để nâng cao kỹ năng nhận diện hàng hóa lưỡng dụng; tổ chức Hội thảo tập huấn nhận diện hàng hóa lưỡng dụng cho một số bộ, ngành (Bộ Tài chính, 2021).

Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam cũng đã triển khai Chương trình Kiểm soát container hợp tác với UNODC nhằm hỗ trợ Chính phủ các nước đang phát triển tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả kiểm soát container tại các cảng biển, giảm thiểu nguy cơ bị các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lợi dụng container đường biển để vận chuyển trái phép ma túy, động vật hoang dã, hàng hóa lưỡng dụng, vũ khí, hàng hóa phế liệu nhiễm phóng xạ. Hải quan Việt Nam đã thành lập 4 Nhóm Kiểm soát cảng (PCU) với mục đích phản ứng nhanh, sử dụng kỹ năng phân tích thông tin, đánh giá rủi ro và xác định trọng điểm những container nghi vấn một cách có hệ thống để kiểm tra.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15.966 vụ việc vi phạm pháp luật về hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 12.475 tỷ đồng; cơ quan hải quan đã khởi tố 40 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 186 vụ (tổng 226 vụ). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ công tác chống buôn lậu đạt 497 tỷ đồng.

Đặc biệt, tháng 9/2023, lực lượng hải quan đã phối hợp với lực lượng công an và một số cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Kết quả, bắt giữ 7 đối tượng; thu giữ 1,3 tấn ketamin được ngụy trang trong các bao xi măng tập kết tại các kho hàng tại Hải Phòng và Hà Tĩnh, dự kiến xuất đi nước thứ ba qua đường biển. Qua điều tra xác định, trong một năm qua, công ty của các đối tượng (hoạt động tại nước ngoài) đã được cấp phép nhập khẩu 64 loại tiền chất, hóa chất, dung môi với số lượng gần 9.000 tấn, trị giá hơn 5,7 triệu USD (Tổng cục Hải quan, 2023).

MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong thời gian qua, việc triển khai thực thi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn đối với hoạt động XNK của cơ quan hải quan vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

- Văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng có điều kiện nhiều; phạm vi quản lý và kiểm tra rộng...

- Quy định về quản lý, sử dụng hàng hóa lưỡng dụng ở Việt Nam hiện nay chưa đầy đủ và cụ thể.

- Thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho cơ quan hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự tại Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 đối với tội "buôn lậu", tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới", và tội "sản xuất, buôn bán hàng cấm". Tuy nhiên, trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành, trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, có rất nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc nhiệm vụ quản lý của ngành hải quan, như: vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới; rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa thuộc danh mục cấm buôn bán động, thực vật hoang dã của công ước Cites… Trên thực tế, khi phát hiện những hành vi phạm tội này, cơ quan hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra. Điều này mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.

- Pháp luật Việt Nam đã có danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần điều kiện, giấy phép; danh mục vật liệu liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt; danh mục hóa chất cần kiểm soát… Đây là cơ sở để kiểm soát hàng hóa XNK, nhưng không phải là danh mục kiểm soát hàng hóa chiến lược quốc gia hợp nhất. Các danh mục nằm rải rác tại các văn bản khác nhau thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành khác nhau gây khó khăn cho công tác thực thi kiểm tra, kiểm soát.

- Hàng hóa nhiễm phóng xạ và hạt nhân từ các container XNK, hành lý nhập khẩu, từ các nguồn nhiễm phóng xạ có thể bị cố ý che giấu, nhưng cũng có thể do bị nhiễm xạ, mà ngay cả chủ hàng và người vận chuyển không ý thức được. Nếu được đưa vào lãnh thổ Việt Nam sẽ gây mất an ninh an toàn nghiêm trọng cho cộng đồng và hoạt động thương mại.

- Các chương trình, dự án được tài trợ triển khai chưa thực sự hiệu quả do chưa kết hợp triển khai đa tầng.

- Một số doanh nghiệp có thể không biết về các hạn chế thương mại liên quan đến những mặt hàng là hàng hóa lưỡng dụng, hàng hóa chiến lược hoặc họ có thể bị các đại lý thu mua, những người che giấu mục đích sử dụng cuối cùng thực sự của các mặt hàng đó lợi dụng thuê vận chuyển, mua bán. Ngoài ra, các nhà cung cấp, nhà môi giới hoặc thương nhân đồng lõa có thể cố tình lợi dụng các hạn chế để lách luật bằng cách khai báo sai, lợi dụng sơ hở của các quy định pháp luật để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

- Năng lực nhận diện và mức độ quen thuộc của công chức Hải quan đối với các mặt hàng lưỡng dụng và hàng hóa chiến lược hiện nay còn hạn chế.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để thực thi nhiệm vụ an ninh, an toàn đối với hoạt động XNK hiệu quả, cần cân nhắc một số giải pháp hoàn thiện các khung khổ quy định và có sự tham gia của cơ quan Hải quan trong việc xây dựng và triển khai trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tham mưu xây dựng các văn bản quy định về kiểm soát thương mại chiến lược ở Việt Nam và Danh mục kiểm soát hàng hóa thương mại chiến lược quốc gia hợp nhất, cần đồng bộ thống nhất Danh mục kiểm soát hàng hoá thương mại chiến lược quốc gia hợp nhất làm cơ sở để kiểm soát hàng hóa XNK.

Thứ hai, quy định thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Hải quan trong quá trình hoạt động nghiệp vụ xử lý các vụ việc phát sinh trong thực tế.

Thứ ba, đa dạng và kết hợp các biện pháp kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan, gồm: Triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, điều tra, ngăn chặn các hoạt động và giao dịch liên quan đến hoạt động XNK hoặc chuyển hướng hàng hóa bất hợp pháp; mạng lưới phân phối, chuyển giao hàng hoá lưỡng dụng và nguy cơ sử dụng sai mục đích các hàng hóa lưỡng dụng. Áp dụng các biện pháp: Kiểm tra hồ sơ nhập khẩu; Kiểm tra hóa học cơ bản; Kiểm tra chất lỏng và bột; Kiểm tra bằng các hệ thống máy quét và chụp ảnh và các thiết bị soi chiếu không xâm nhập; Kiểm tra mẫu ngẫu nhiên và mẫu nghi ngờ đặc biệt. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải, hàng hóa qua biên giới; kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn trọng điểm, đường mòn, lối mở để phát hiện, bắt giữ các đối tượng lợi dụng quy định XNK hàng hóa để trà trộn, cất giấu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo với hàng hóa để vận chuyển trái phép vào Việt Nam. Xây dựng hệ thống quét Cổng thông tin năng lượng thấp (LEP) để sàng lọc các mối nguy cơ của các phương tiện nhiễm phóng xạ, phương tiện vận chuyển hàng lậu, hàng cấm nhập khẩu, hình ảnh được truyền đến hệ thống kiểm soát của cơ quan hải quan và được sử dụng để xác định các mối đe dọa tiềm ẩn một cách hiệu quả. Kết hợp các chương trình, dự án được tài trợ thành hệ thống kết hợp đa tầng để triển khai có hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường các biện pháp quản lý hàng quá cảnh là hàng hóa lưỡng dụng. Xây dựng hồ sơ rủi ro hàng hóa quá cảnh theo mô hình theo dõi Dấu chân kỹ thuật số hàng hóa với các thông tin buộc phải khai báo, gồm: quốc gia đến, mã số HS hàng hóa, mô tả hàng hóa, số lượng, trị giá, vận chuyển và xuất xứ. Sử dụng giải pháp container thông minh bằng cách áp dụng các thuật toán để xác định các hành vi phá vỡ container và thời gian trung bình cần thiết để một container có thể di chuyển từ điểm bốc hàng đến khi cập cảng cuối cùng để phòng ngừa việc tráo hàng và vận chuyển lệch tuyến container, lợi dụng quá cảnh để vận chuyển hàng hóa vũ khí, hàng hóa lưỡng dụng đến nước thứ ba; Xử lý thông tin trước khi hàng hóa đến; Xây dựng hệ thống kiểm soát nhập khẩu, cập nhật thường xuyên danh sách các mặt hàng bị kiểm soát phù hợp với các quyết định được đưa ra trong cơ chế kiểm soát xuất khẩu; Thu thập dữ liệu về hàng hóa nhập khẩu trước khi bốc hàng lên phương tiện, áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả để hỗ trợ kiểm soát hải quan đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hợp pháp tự do.

Thứ năm, nâng cao năng lực nhận diện, xử lý hàng hóa thuộc diện quản lý thương mại chiến lược cho công chức thừa hành về các mặt hàng lưỡng dụng và mặt hàng có điều kiện. Đào tạo về quản lý rủi ro và xác định trọng điểm nhằm hỗ trợ phát hiện những lô hàng có rủi ro thông qua việc kiểm tra dữ liệu khai báo. Sớm ban hành và chi tiết hóa danh mục về vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng và các mức độ kiểm soát cần thiết đối với từng mặt hàng làm căn cứ cho công chức Hải quan đối chiếu, rà soát trong khâu kiểm tra hồ sơ và phân loại hàng hóa. Đào tạo nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ sáu, đảm bảo về nguồn lực để thực thi các thỏa thuận quốc tế về an ninh, an toàn đối với hoạt động XNK. Kết hợp các nguồn lực quốc tế hiện có mà Hải quan Việt Nam đang triển khai hiện nay thành hệ thống hóa đa lớp để thực hiện hiệu quả nhất./.

Nguyễn Thị Thanh Thủy - Tổng cục Hải quan

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1, tháng 1/2024)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 1812/QĐ-BTC, ngày 19/11/2020 của Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 81/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

2. Bộ Tài chính (2021), Hợp tác hải quan trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA và CPTPP, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

3. Chính phủ (2019), Nghị định số 81/2019/NĐ-CP, ngày 11/11/2019 quy định về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

4. European Commission (2023), Update of the EU Control List of Dual-Use Items - Exporting dual-use items (2023), retrieved from https://policy.trade.ec.europa.eu/news/2023-update-eu-control-list-dual-use-items-2023-09-15_en.

5. Strategic Trade Control Enforcement (STCE) (2023), Implementation Guide, retrieved from https://www.wcoomd.org/en/topics/enforcement-and-compliance/instruments-and-tools/guidelines/wco-strategic-trade-control-enforcement-implementation-guide.aspx.

6. Tổng cục Hải quan (2021), Báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ do Chính phủ giao về đảm bảo an ninh an toàn của Hải quan Việt Nam.

7. Tổng cục Hải quan (2020a), Khung chương trình và tài liệu đào tạo “Nhận diện hàng hóa lưỡng dụng (CIT)”.

8. Tổng cục Hải quan (2020b), Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hợp tác và hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ hợp tác và hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2023.

9. Tổng cục Hải quan (2023), Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024.