2017 - "Năm cao điểm hành động VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp"
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, trong 5 năm liên tục (2011-2015), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai “Năm chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm”, đặc biệt năm 2016 được Bộ chọn là “Năm cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; Tăng cường thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; Phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Cụ thể, năm 2016, hoạt động giám sát an toàn thực phẩm tập trung vào các sản phẩm nông thủy sản tươi sống hàng ngày của người dân.
Kết quả giám sát trên diện rộng do các cơ quan thuộc Bộ thực hiện năm 2016 cho thấy: Tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol là 6/1.345 mẫu (chiếm 0,44%), giảm so với năm 2015 (1,07%), đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm (từ tháng 7-12/2016) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm; tỷ lệ mẫu rau, củ, quả và thịt vi phạm giảm so với năm 2015 (11/1.345 mẫu thịt chứa tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng (chiếm 0,82%), giảm so với 1,39% năm 2015)… Các trường hợp vi phạm đã được cảnh báo, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, thanh tra, truy xuất, xử lý nhằm ngăn chặn tái phạm.
Tính đến hết năm 2016, cả nước đã có 50 tỉnh xây dựng thành công 444 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn. Cụ thể, TP. Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi có nguồn gốc trồng trọt); trong đó có 7 chuỗi rau, thịt với 6 cơ sở và 11 địa điểm bày bán được xác nhận sản phẩm an toàn. TP. Hồ Chí Minh đã hình thành, duy trì được 32 chuỗi liên kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 401 điểm kinh doanh đăng ký bán các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn.
Ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, năm 2016, Bộ đã giải quyết linh hoạt, hiệu quả các rào cản kỹ thuật, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản. Theo đó, đã đạt một số kết quả chính như sau: 62 cơ sở chế biến cá tra của Việt Nam được phép tiếp tục xuất khẩu vào Hoa Kỳ; Trung Quốc công nhận bổ sung 15 cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam được xuất khẩu tôm sống vào Trung Quốc; duy trì xuất khẩu thủy sản vào Panama; Indonesia công nhận 10 phòng kiểm nghiệm của Việt Nam được kiểm nghiệm thực phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu vào Indonesia; Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản mở cửa thị trường bổ sung cho một số loại trái cây…
Mặc dù đạt được một số kết quả trong việc tạo chuyển biến rõ nét về an toàn thực phẩm, nhưng ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa ngăn chặn, giảm thiểu rõ nét tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm trồng trọt, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt gia súc, gia cầm…
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa ưu tiên chỉ đạo và bố trí nguồn lực quản lý an toàn thực phẩm, chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp quyết liệt vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2016. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xác định là năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận số 11-KL/TW, ngày 19/1/2017 của Ban bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Để triển khai Kế hoạch năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương tăng cường lãnh đạo đối với vấn đề an toàn thực phẩm, tổ chức triển khai đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả kế hoạch tại địa phương. Trong đó chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương coi nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm và hỗ trợ phát triển, nhân rộng các chuỗi giá trị nông lâm thủy sản an toàn./.
Bình luận