2,05 triệu USD phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Thái Bình
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.
Dự án nhằm phục hồi, trồng mới và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ven biển tỉnh Thái Bình; nâng cao nhận thức và năng lực về phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn; bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.
Dự án sẽ trồng mới, trồng bổ sung và bảo vệ 960 ha rừng ngập mặn, trong đó trồng mới 80 ha, trồng bổ sung 80 ha, bảo vệ 800 ha rừng ngập mặn hiện có; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức của người dân về trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn.
Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 2,05 triệu USD, trong đó, vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc 1,9 triệu USD; vốn đối ứng của phía Việt Nam 150 nghìn USD do cơ quan chủ quản tự bố trí.
Dự án được thực hiện trong 10 năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản Dự án.
Trong thời gian qua, trồng rừng ngập mặn là nội dung ưu tiên của nhiều chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu tại các địa phương ven biển. Cùng với các giải pháp công trình như xây dựng, nâng cấp đê sông, đê biển, hệ thống ngăn mặn, trồng và phục hồi rừng ngập mặn là giải pháp mang tính bền vững, đa mục tiêu “cứu cánh” cho ứng phó với BĐKH, khi mực nước biển dâng cao.
Giải pháp này cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong nhiều cuộc họp ở cấp quốc gia.
Trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015, 50 dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển đã được thực hiện. Với Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), các đối tác quốc tế cũng tập trung đầu tư cho trồng rừng ngập mặn ở nhiều địa phương./.
Bình luận