6 tính mới, đột phá của Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc (vùng TDMNPB) đã chủ trì Hội nghị điều phối vùng TDMNPB lần thứ 2: Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vào ngày 01/12/2023 .
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, Quy hoạch vùng TDMNPB là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Ảnh: Đức Trung |
Quy hoạch thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng
Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội nghị ngày hôm nay rất quan trọng để chúng ta nhận thức được hơn nữa tầm quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; là cơ hội để chúng ta cùng rà soát ưu điểm, nhược điểm, các công việc, nhiệm vụ đã làm được, chưa làm được của công tác quy hoạch vừa qua. Qua đó, thấy được những khó khăn, vướng mắc, từ đó xác định những định hướng và giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch vùng TDMNPB là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng; đặc biệt quy hoạch đã chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu từ công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với 14 địa phương trong vùng, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của các Bộ, ngành trung ương. Ngày 18/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến các cơ quan liên quan. Trên cơ sở tiếp thu hợp lý các ý kiến tham gia, ngày 03/11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 9194/TTr-BKHĐT trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng.
|
Xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập Quy hoạch vùng TDMNPB, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong vùng với tư cách là cấp chịu sự tác động trực tiếp và triển khai thực hiện.
Quy hoạch vùng TDMNPB được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, hiện nay đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã thẩm định xong; trong đó: có 17 quy hoạch ngành quốc gia và 08/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng TDMNPB đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với cách tiếp cận phù hợp và khoa học, quy hoạch vùng TDMNPB đã phân tích các vấn đề một cách sâu sắc, cụ thể hóa trên cơ sở các quy hoạch cấp trên và Nghị quyết, đồng thời nhận diện các chiến lược lớn cấp vùng, tích hợp các quy hoạch cấp tỉnh.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là “phên dậu”, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.
Các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng TDMNPB; đặc biệt xác định tầm quan trọng về hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông để tập trung quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng TDMNPB và giữa vùng TDMNPB với cả nước và quốc tế.
Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung |
6 tính mới trong nội dung Quy hoạch vùng
Thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng TDMNPB và càng quan trọng hơn đó là việc nhận thức đúng về vị thế, đặc trưng, tiềm năng và thách thức của vùng TDMNPB. Các cơ hội có thể kể đến như xu hướng trân trọng sự đa dạng sắc tộc, coi sự đa dạng là một lợi thế trong kinh tế sáng tạo, xu hướng phát triển thuận thiên, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, tín chỉ các-bon; chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam; khả năng thu hút đầu tư vào ngành mới do nâng cấp quan hệ đối tác; các xu hướng du lịch quốc nội và quốc tế; cũng như cơ chế, chính sách từ Trung ương để thúc đẩy các nền tảng hạ tầng cho phát triển.
Trên cơ sở đó, Quy hoạch vùng TDMNPB đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới, có thể tóm gọn thành 6 nội dung trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, cụ thể hóa những nội dung trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua và kế thừa, phát huy những nội dung ưu việt trong quy hoạch vùng thời kỳ trước, Quy hoạch vùng TDMNPB đã đề xuất phân vùng thành các tiểu vùng chi tiết hơn để tạo ra các khu vực có liên kết chặt chẽ và có khả năng chia sẻ hạ tầng hiệu quả hơn; theo đó, đã làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 04 tiểu vùng, 06 hành lang kinh tế (04 hành lang chính và 02 hành lang phụ), 03 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng. Quy hoạch vùng TDMNPB đã làm rõ phương hướng phát triển của mỗi hành lang, vành đai, các cực tăng trưởng đã được xác định theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và bổ sung hai cực tăng trưởng cũng như cụ thể hóa định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế của vùng.
Thứ hai, đề ra chiến lược vùng về sinh thái và môi trường, với quan điểm xác định cảnh quan hùng vĩ, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng. Đây vừa là tiềm năng nổi bật để thu hút du lịch và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao, vừa là nền tảng cho vai trò quốc gia trọng yếu của vùng: là “phên dậu” của đất nước, là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn. Những đặc trưng này phải được phản ánh trong các mục tiêu phát triển của vùng, là kim chỉ nam định hướng cho các ngành kinh tế trong vùng như: Hình thành các hành lang phát triển sinh thái liên tỉnh, liên vùng thông qua kết nối những khu vực sinh thái trọng điểm và rừng phòng hộ bằng những hành lang xanh, cải thiện dịch vụ rừng và bảo vệ đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng rừng phòng hộ quanh khu vực rừng đặc dụng và các khu bảo tồn nhằm tăng đa dạng sinh học, để triển khai rộng rãi các loại hình cung cấp dịch vụ môi trường rừng mới, như: dịch vụ hấp thụ các-bon, dịch vụ hệ sinh thái rừng, đồng thời tạo cảnh quan hấp dẫn hỗ trợ du lịch sinh thái; tại các hành lang phát triển sinh thái, nghiên cứu kế hoạch bảo tồn quy mô địa phương, đặc biệt tại các khu vực gần cao tốc và đường sắt.
Thứ ba, có chiến lược vùng để bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực. Đây vốn là tiềm năng cho sự phát triển bởi tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch và sự giàu có của các nguồn tri thức truyền thống nhưng đồng thời đưa ra những thách thức trong việc phổ cập các chương trình giáo dục và đào tạo. Do đó, việc phát triển và khai thác nguồn nhân lực phải đi liền với bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa bản địa - là một trong ba khâu đột phá bên cạnh hạ tầng, kinh tế và môi trường. Chất lượng giáo dục và mức độ ứng dụng khoa học, công nghệ của vùng cần được cải thiện để không thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; cải thiện chất lượng giáo dục, y tế; nâng cao trình độ lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động; giữ gìn, khai thác, phát huy các tri thức bản địa của các dân tộc như tri thức về dược liệu, y học cổ truyền, lâm nghiệp. Phát triển các ngành kinh tế dịch vụ và thủ công nghiệp cần gắn liền với phát huy và bảo tồn đặc trưng các dân tộc, các địa phương, liên kết du lịch giữa các địa phương, các tiểu vùng trên cơ sở tài nguyên du lịch nổi bật và hệ thống giao thông kết nối. Phát triển đô thị cần phát huy được bản sắc và tiềm năng riêng của địa phương, tránh trở thành các phiên bản chưa hoàn thiện của đô thị miền xuôi về mặt kiến trúc, cảnh quan, dẫn đến sự kém hấp dẫn về chất lượng sống và chất lượng không gian cho cư dân và du khách.
Thứ tư, nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng, cần được phát triển theo hướng bền vững hơn; tránh theo xu hướng tối đa hóa sản lượng, quan tâm hơn đến chất lượng, hiệu quả; cơ cấu ngành nông nghiệp nên tránh nặng về thâm canh lúa với năng suất tuy cao nhưng chi phí lớn và giá trị gia tăng thấp; đảm bảo tài nguyên đất và nước không bị khai thác cường độ cao gây suy thoái và ô nhiễm. Khuyến khích sản xuất nông nghiệp tập trung và theo hướng hàng hóa đồng thời kết hợp với công nghiệp chế biến tại những khu vực có quỹ đất canh tác lớn và kết nối giao thông thuận lợi để tạo giá trị kinh tế lớn; khuyến khích nông nghiệp truyền thống, đặc sản, hữu cơ có giá trị cao ở những khu vực có quỹ đất hạn chế và đặc trưng văn hóa nổi bật để có thể kết hợp với du lịch trải nghiệm và hướng đến thị trường tiêu dùng cao cấp đồng thời đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ trước các biến động của kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái địa phương.
Thứ năm, tăng cường tỉ trọng cơ cấu các ngành phi nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại chỗ, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn thiện, và tối ưu hóa thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại khu vực động lực là vành đai công nghiệp Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ; trong đó xây dựng Bắc Giang thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của vùng và một trong trung tâm công nghiệp bán dẫn của cả nước. Nghiên cứu khả năng khai thác, chế biến sâu đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và xuất khẩu. Phát triển các khu cửa khẩu Lào Cai, Hữu Nghị trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ, trung tâm logistics của vùng và cả nước với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển du lịch đặc trưng gắn với sinh thái, văn hóa, lịch sử và sự liên kết giữa các tiểu vùng trên cơ sở liên kết về tài nguyên du lịch nổi bật và hệ thống giao thông kết nối.
Thứ sáu, kết cấu hạ tầng của vùng cần được dần dần hoàn thiện tương xứng với yêu cầu phát triển. Kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng cần được đầu tư để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa, giảm sự cách biệt lớn giữa các địa phương trong vùng. Ưu tiên phát triển, hoàn thiện các tuyến cao tốc xương sống của mỗi tiểu vùng; nâng cấp kết nối Đông – Tây. Nghiên cứu mở kết nối quốc tế qua Lào; bổ sung tuyến cao tốc và đường sắt trong vành đai giữa; bổ sung đường kết nối về phía biển nhằm liên kết nhanh nhất các tỉnh vùng núi xa xôi với vùng ven biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng, trong đó ưu tiên nâng cấp các tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Hữu Nghị…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định./.
Bình luận