8 tháng đầu năm, cả nước có thêm 44 doanh nghiệp cổ phần hóa
Các doanh nghiệp cổ phần hóa này thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, cùng với một số địa phương khác.
Trong 8 tháng 2016, cả nước cũng đã thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 11 doanh nghiệp: giải thể 9 doanh nghiệp, phá sản 1 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp.
Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến ngày 29/08/2016, cả nước có Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Dệt may, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Hà Nội đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp khác với tổng giá trị theo sổ sách là 973 tỷ đồng, thu về 2.980,3 tỷ đồng.
Đối với việc thẩm định và phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt phương án tổng thể của 48 đơn vị, gồm: 246 doanh nghiệp (102 công ty nông nghiệp, 144 công ty lâm nghiệp). Trong đó, Nhà nước giữ 100% vốn để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích đối với 57 doanh nghiệp; chuyển thành công ty cổ phần 99 doanh nghiệp; chuyển thành công ty TNHH HTV trở lên là 27 doanh nghiệp; chuyển thành 4 đơn vị sự nghiệp (Ban quản lý rừng); giải thể 28 doanh nghiệp; chưa xác định được mô hình chuyển đổi 2 nông trường do chưa giải quyết được vướng mắc về tài chính (Nông trường sông Hậu và Nông trường Cờ Đỏ của TP. Cần Thơ).
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp của 45 đơn vị, gồm: 238 doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước giữ 100% vốn để sản xuất, kinh doanh 14 công ty; Nhà nước giữ 100% vốn để thực hiện nhiệm vụ công ích 58 công ty; Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ 59 công ty và dưới 50% vốn điều lệ 42 công ty; chuyển thành công ty TNHH HTV 36 công ty; chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ 4 công ty; giải thể 25 công ty.
Tính đến ngày 29/08/2016, 3 địa phương đã có phương án sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, nhưng chưa hoàn thiện phương án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là: Hồ Chí Minh, Sơn La, Cần Thơ; địa phương vẫn chưa gửi phương án để thẩm định là Hà Nội.
Thủ tướng đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp của 45 đơn vị |
Theo phương án sắp xếp tổng thể của các đơn vị đã được thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp thuộc các đơn vị này quản lý là 2.376.431,53 ha; trong đó, dự kiến giữ lại 1.932.243,25 ha để sản xuất, kinh doanh, còn lại 450.969,78 ha giao về địa phương quản lý.
Để thực hiện các việc còn dở dang của tháng 8, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp đưa ra nhiệm vụ trong tháng 9/2016, đó là:
(1) Tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành đúng tiến độ các cơ chế chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Cụ thể:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo, nghị định về: quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được giao quản lý và các nghị định về quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 135/2005/NĐ-CP, ngày 08/11/2005 về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh; Hướng dẫn cơ chế hợp đồng, thanh toán đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
- Thẩm tra, trình chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, dánh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước; tiêu chí, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập; các nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty: Dầu khí, Điện lực, Công nghiệp Than – Khoáng sản, Hóa chất, Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Đường sắt.
(2) Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chỉ thị về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
(3) Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tổ chức các đoàn kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt.
(4) Chuẩn bị tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016-2020./.
Bình luận