Khu vực DNNN tiếp tục bảo toàn và phát triển vốn, tài sản

“DNNN cơ bản bám sát và hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển theo kế hoạch được phê duyệt; doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế.”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với DNNN vừa diễn ra.

Cũng theo Bộ trưởng, khu vực DNNN tiếp tục bảo toàn và phát triển vốn, tài sản, áp dụng mô hình quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty đã đi đầu trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cao... Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế, hỗ trợ bổ sung nguồn lực, giảm bớt đầu tư từ ngân sách nhà nước; góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, các DNNN tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ bản đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước ước đạt 823,2 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 60% kế hoạch năm và tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 28,3 nghìn tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch năm và tăng 33% so với cùng kỳ. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 70,8 nghìn tỷ đồng, đạt gần 62% kế hoạch năm và bằng 91% so với cùng kỳ.

Tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu vực doanh nghiệp nói chung, các DNNN nói riêng luôn có một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: nhandan.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động của khu vực DNNN còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ; một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kết quả giải ngân vốn đầu tư đến hết tháng 5/2024 của nhiều DNNN quy mô lớn chưa đạt kế hoạch phê duyệt; tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như sản xuất năng lượng sạch, sản xuất chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của các DNNN nhìn chung còn hạn chế. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa tiệm cận với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước…

Đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi

Liên quan đến các giải pháp phát huy vai trò của DNNN trong thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó nhiều nhiệm vụ xác định là trọng trách, cần sự tham gia chủ đạo của các DNNN như: phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục); đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, triển khai Quy hoạch điện VIII; phát triển, phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Để các DNNN phát huy hết tiềm năng, nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, theo Bộ trưởng, đối với các bộ, ngành cần tiếp tục tập trung các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp. Nghiên cứu, sửa đổi các quy định tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn hiện nay trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của DNNN. Đồng thời, tiếp tục rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi luật, nghị định, thông tư trong phạm vi quản lý, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế, bảo đảm DNNN là lực lượng tiên phong đi đầu trong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế; ứng dụng các công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Đối với các cơ quan đại diện chủ sở hữu, tiếp tục thực hiện các giải pháp, định hướng quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, nhất là các dự án đầu tư mới, đã có trong kế hoạch đầu tư năm 2024. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xử lý dứt điểm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền kiến nghị phương án xử lý ngay các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện.

Về phía các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy đầu tư phát triển của DNNN. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hằng năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt. Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được giao; tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế, cụ thể là trong lĩnh vực đầu tư, thi công kết cấu hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm, các DNNN cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia. Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng số, công nghệ mới, đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, ứng dụng số tạo động lực phát triển kinh tế số; đồng thời đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ mới nổi (đào tạo nguồn nhân lực và sản xuất chip, vi mạch bán dẫn...). Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám dấn thân vào những việc mới, việc khó vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đảm các cân đối lớn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và bảo đảm đời sống cho người lao động, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

“Khu vực doanh nghiệp nói chung và các DNNN nói riêng luôn có một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ luôn chia sẻ, đồng hành với các DNNN trong thực hiện các nhiệm vụ mới, các việc khó…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.