Tại Phiên họp Thẩm tra đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, do Ủy ban Pháp luật tổ chức hôm nay (ngày 10/3), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách.

Theo đó, thứ nhất, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân, qua đó đưa thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân. Thứ hai, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Thứ ba, bổ sung đổi tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Thứ tư, hoàn thiện quy định và quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử…

Thay mặt Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết đề nghị đưa dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với các lý do như đề cập trong Tờ trình 682/TTr-BCA ngày 30/11/2022 của Bộ Công an.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan trình dự án Luật nghiên cứu đưa nội dung “Tài khoản định danh điện tử” vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), vì nội dung này đã được đưa ra khỏi dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đang được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Băn khoăn việc người dân tự nguyện đăng ký làm căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, đề nghị làm rõ hơn về ngân sách, kinh phí để triển khai thực hiện căn cước công dân, cũng như người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ để làm căn cước công dân…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần có sự phân tích và đánh giá tác động của các chính sách trong quá trình thực hiện Luật Căn cước công dân trước khi đề xuất bổ sung, sửa đổi để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.

Về cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, ông Giang băn khoăn với việc để cho người dân tự nguyện đăng ký làm căn cước công dân cho trẻ em và cho rằng, nếu triển khai thì có thể kéo dài thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng và có phương hướng xử lý kịp thời khi xảy ra những phát sinh đến việc làm căn cước cho đối tượng này.

Băn khoăn việc người dân tự nguyện đăng ký làm căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 cần đặt trong tổng thể, nhất là các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng – an ninh đã được đưa vào Chương trình này. Thứ tự ưu tiên của các luật phải được cân nhắc kỹ càng để bảo đảm khả thi, chất lượng xây dựng đạo luật, phù hợp với khả năng chuẩn bị của từng dự án, điều kiện tiến hành thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội./.