Từ khóa: phát triển bền vững, Việt Nam

Summary

Sustainable development has become an important goal for Vietnam, and the Communist Party of Vietnam has demonstrated a strong commitment to sustainable development in its policies and important documents. This article focuses on analyzing the Party's perspective and the current situation of sustainable development in Vietnam in recent time. Based on these analyses, the article proposes solutions to promote sustainable development in Vietnam in the future.

Keywords: sustainable development, Vietnam

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA

Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia sớm thực hiện các cam kết về môi trường, đặc biệt là trong việc thực hiện các hiệp định và thỏa thuận quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường. Từ năm 1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36/1998/CT-TW, ngày 25/06/1998 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đây một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trước đó, tại Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta cũng chỉ ra: "Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái". Đến Đại hội IX, Đảng đã nêu rõ: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường". Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng tiếp tục ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: "Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược". Điều này đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế tri thức phải đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế cần được kết hợp chặt chẽ, hợp lý với phát triển văn hóa, xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, Đại hội cũng chỉ ra: "Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội”. Đại hội XI đã đưa ra các nội dung đa dạng, cụ thể, toàn diện và khoa học, phản ánh quan niệm chung của thế giới về phát triển bền vững, nhưng đồng thời cũng phù hợp với khả năng, điều kiện, cũng như đặc điểm của Việt Nam trong bối cảnh của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Qua đó, thể hiện mục tiêu phát triển bền vững không chỉ tập trung vào một lĩnh vực duy nhất, mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống và phát triển của xã hội.

Đến Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đảng ta đã chủ trương phát triển nhanh và bền vững, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, Bộ Chính trị cũng ban đã có Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Qua đó, đặt ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều quan trọng là các nhiệm vụ và giải pháp này phải được gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Điều này có ý nghĩa rằng, quá trình phát triển kinh tế - xã hội không được tiến hành bằng cách tàn phá tài nguyên, mà phải đảm bảo rằng, việc phát triển không gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường và sự tồn tại của các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta đã nhận định "phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới. Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới". Hơn nữa, về phương hướng, nhiệm vụ, Chiến lược cũng nêu rõ là: "Đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Thêm vào đó, để thúc đẩy phát triển bền vững, Đại hội XIII của Đảng cũng đã đề ra những định hướng về hoàn thiện thể chế đối với phát triển bền vững. Cụ thể là “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Việc đổi mới mạnh mẽ tư duy và xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực, như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, góp phâng loại bỏ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thể chế hiện tại, tạo điều kiện cho phát triển nhanh chóng và bền vững. Đồng thời, xây dựng một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư phát triển kết hợp với bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự công bằng xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ, GDP đạt tỷ lệ tăng trưởng 8,02%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, đạt được mục tiêu của Quốc hội đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng đúng nhằm tăng cường sự đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong sản xuất và kinh doanh, thay thế mô hình phụ thuộc vào nguồn lực thiên nhiên. Tỷ lệ tăng chi ngân sách giai đoạn 3 năm đạt 3,6% GDP và các chỉ tiêu về an toàn nợ công đều nằm trong giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 11/NQ‐CP, ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế ‐ xã hội và bám sát tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Nghị quyết số 11/NQ‐CP. Qua đó cho thấy, sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế và xã hội.

Môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi tích cực, năng lực cạnh tranh được cải thiện, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả tốt. Trong năm 2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Chỉ số Tự do kinh tế, một thước đo trình độ phát triển thị trường của Việt Nam đã tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84 so với năm trước (Thảo Nguyên, 2022). Theo Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021, có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong 10 tháng năm 2023, cả nước có 183,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2023 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này, cho thấy sự khôi phục và ổn định của môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp (Tổng cục Thống kê, 2022).

Công tác người có công và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện hiệu quả, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hộ dân có thu nhập không thay đổi và tăng lên đạt 94,1%, tăng 10,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Các chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, phát triển văn hóa, thể thao, bảo vệ trẻ em và tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm và thực hiện. Hoạt động kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động mất việc và giảm giờ làm việc được tăng cường. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục là một ưu tiên, công tác khám chữa bệnh và phòng ngừa dịch bệnh đạt được hiệu quả, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 90% (Chính phủ, 2023). Các công tác xã hội và phát triển đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc cải thiện đời sống của người dân. Việt Nam đã chứng tỏ mình là một điểm sáng toàn cầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chống đói nghèo và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và hạnh phúc của cộng đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tín dụng được chuyển giao cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chính sách của Chính phủ, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng trong các kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, lành mạnh hóa thị trường tài chính. Cùng với đó, tính đến hết tháng 9/2023, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân tín dụng ưu đãi 21.291 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ việc làm 10.000 tỷ đồng, cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 1.975 tỷ đồng và cho vay nhà ở xã hội đạt 8.331 tỷ đồng (Quốc hội, 2023).

Mặt khác, Việt Nam đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế. Nước ta cũng đã ký kết 16 hiệp định FTA, có hiệu lực với hơn 60 đối tác trên khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Điều này đặt Việt Nam trong vị trí dẫn đầu khu vực về tham gia các hình thức hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Về mặt thương mại, năm 2022 đã là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục là 15,23 tỷ USD. Điều này góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển bền vững và nâng năng lực cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương, 2023). Ngoài ra, nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh một số thành tựu đạt được, thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững, như: Phát triển kinh tế - xã hội hiện tại vẫn đối diện với nhiều vấn đề chưa đạt được sự bền vững. Hệ thống chính sách vẫn còn một số hạn chế trong quá trình xây dựng và triển khai và hiệu lực thực thi của chính sách chưa đạt đến mức tối ưu. Cơ chế chính sách cũng đang thiếu sự đồng bộ, thậm chí có sự chồng chéo. Năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là ở cấp cơ sở, vẫn còn yếu. Công tác quản lý và điều hành của Nhà nước và doanh nghiệp đã có sự cải thiện, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của phát triển trong bối cảnh mới.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM GÓP PHẦN THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và cải cách thủ tục hành chính, tạo ra các chính sách và quy định rõ ràng; tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm trong việc quản lý tài nguyên và đầu tư. Đồng thời, cần tăng cường việc giám sát và thực thi các quy định một cách công bằng và minh bạch, giảm bớt các rào cản và thủ tục phức tạp, đơn giản hóa quy trình hành chính.

Thứ hai, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, đưa ra chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, cũng như đẩy mạnh việc phát triển các dự án điện mặt trời và gió. Đồng thời, thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông sạch.

Thứ ba, tăng cường giáo dục và nhận thức công chúng để thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các chương trình giáo dục, hoạt động truyền thông và chiến dịch tuyên truyền. Đồng thời, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh giúp tạo ra các giải pháp hiệu quả và thúc đẩy sự tiến bộ trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững. Điều này có thể bao gồm: việc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, phát triển công nghiệp xanh, khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế và tái sử dụng./.

ThS. Nguyễn Tấn Khoa - Khoa Tài chính Kế toán, Trường Đại học Sài Gòn

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 34, tháng 12/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công Thương (2023), Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới, truy cập tại https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/tiep-tuc-day-manh-va-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-trong-tinh-hinh-moi.html.

2. Chính phủ (2023), Nghị quyết 164/NQ-CP, ngày 04/10/2023 phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

3. Chính phủ (2023), Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Quốc hội (2023), Báo cáo tóm tắt về thẩm tra đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

9. Thảo Nguyên (2022), Tăng tốc hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh, truy cập tại https://kinhtedothi.vn/tang-toc-hon-nua-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh.html.

10. Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và cả năm 2022.