Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng giảm 58,8% so với cùng kỳ
Theo Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 291,8 nghìn tỷ đồng, giảm 5,5% và giảm 11,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, giảm 22,4% và giảm 53,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 133 tỷ đồng, giảm 4,8% và giảm 92,6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 26,3 nghìn tỷ đồng, giảm 22,4% và giảm 43%.
Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.791,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,5%), nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,74% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,20%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 2.269,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 81,3% tổng mức và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành duy nhất có mức tăng trưởng dương trong 7 tháng đầu năm 2021.
Bán lẻ hàng hóa là ngành duy nhất có mức tăng trưởng dương trong 7 tháng đầu năm 2021. |
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 243,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng mức và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 18,9%).
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 58,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 273,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng mức và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã thường xuyên phối hợp với các bộ ngành, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề có liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhằm mục tiêu trong mọi hoàn cảnh không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch. Đến nay tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu được cải thiện, cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân xô đi mua hàng tích trữ, giá cả tương đối ổn định.
Một số địa phương thực hiện thiếu thống nhất trong lưu thông hàng hóa
Tuy nhiên, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị.
Do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản nêu trên tại một số địa phương có khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân nhưng còn gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông trên địa bàn, địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.
Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Công thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều tiết kịp thời
Bộ Công thương cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.
Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg, hạn chế tối đa việc tồn ứ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng trong khâu lưu thông.
Cùng với đó, Bộ sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương và hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia… /.
Bình luận