Văn phòng Quốc hội cho biết, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 57 khai hôm nay (14/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tổng kết bước đầu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Liên quan đến kết quả bầu cử, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt 17,84%, cao nhất từ trước đến nay; tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là phụ nữ cũng đạt trên 30%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây… Với kết quả bầu được 499 đại biểu Quốc hội và cơ bản bầu đủ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã, khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.

Ông Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ra một số hạn chế như: một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định; cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt; một số khu vực bầu cử còn để xảy ra nhầm lẫn trong việc đóng dấu phiếu bầu, sai sót phiếu bầu…

“Một số công việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới là xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội; Họp Hội đồng bầu cử quốc gia để xem xét, xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với người trúng cử (dự kiến 12/7/2021); cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa XV cho những người trúng cử; tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử (dự kiến 15/7/2021)…”, ông Cường cho hay.

Cùng với đề xuất làm rõ và bổ sung thêm nội dung về hoạt động bồi dưỡng kỹ năng cho các ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị, phân tích rõ nét về kết quả trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 2 người dân tộc ít người lần đầu tiên có ứng viên trúng cử đại biểu Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần rà soát, bổ sung làm nổi bật, tô đậm hơn nữa những kết quả “lần đầu tiên” đạt được trong quá trình tổ chức bầu cử; có sự phân tích, so sánh với nghị viện các nước về tỷ lệ nữ đại biểu đạt được tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV...

Bầu cử Quốc hội đạt nhiều dấu mốc “lần đầu tiên”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các cơ quan chức năng làm nổi bật những kết quả “lần đầu tiên” đạt được trong quá trình tổ chức bầu cử. Ảnh: QH

Cũng trong ngày họp hôm nay (14/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Về điều chỉnh chương trình năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào chương trình năm 2021 và chương trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình xem xét thông qua tại một kỳ họp.

Liên quan đến dự kiến Chương trình năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất ý kiến đề nghị của Chính phủ và ý kiến của các cơ quan thẩm tra đối với 4 dự án luật được đưa vào chương trình năm 2022. Dự kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ thông qua 6 dự án luật được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến, thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 điều chỉnh năm 2022 và cho ý kiến vào 3 dự án luật…

Phát biểu kết thúc nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan sớm hoàn chỉnh các dự án Luật thuộc Chương trình Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ 2 để gửi các Ủy ban thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Bầu cử Quốc hội đạt nhiều dấu mốc “lần đầu tiên”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ từ nay đến cuối năm 2021, về cơ bản không đề xuất bổ sung thêm dự án luật vào Chương trình năm 2021, để dành thời gian giải quyết các công việc cấp bách. Ảnh: QH

Cũng tại Phiên họp 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về: dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021…

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung cho ý kiến về việc xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Thỏa thuận cam kết và Bảo lãnh của Chính phủ sẽ được rút khỏi chương trình Phiên họp 57 để có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và cho ý kiến tại Phiên họp sau của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Các cơ quan trình và cơ quan thẩm tra cần nêu cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong công tác lập pháp và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ Quốc hội giao, khắc phục tình trạng chậm trễ, thiếu tập trung, thiếu thống nhất trong việc chuẩn bị nội dung cho các phiên họp sau…”, ông Vương Đình Huệ lưu ý./.