Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2023 cho biết, một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 11 tăng 3,46% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%.
Nguồn: TTXVN |
Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.
Trong mức tăng 0,25% của CPI tháng 11/2023 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không biến động.
Nhìn chung, với chỉ số CPI nói trên của 11 tháng năm 2023, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm khoảng 4% là hoàn toàn khả thi.
Để đảm bảo lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, gần đây, Tổng cục Thống kê đã kiến nghị một số giải pháp như sau:
– Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
– Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
– Cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.
– Hiện nay còn dư địa cho việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý trong những tháng cuối năm, nhưng cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh hợp lý, phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
– Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
– Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát./.
Bình luận