Cụ thể, ngày 16/11/2022, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7290/BCT-XNK gửi các bộ, ngành, cơ quan về hồ sơ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Để lấy ý kiến công khai góp ý của các tổ chức, cá nhân đối với hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương gửi thông tin để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết và tham gia ý kiến.

Theo Bộ Công Thương, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đã được triển khai hơn 4 năm và đã có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cụ thể, việc ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành đã hoàn thiện khung pháp lý cho điều hành xuất khẩu gạo.

Theo Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341,064 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022.

Từ cuối năm 2018 đến nay, dù phần lớn thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tác động giãn cách xã hội trong thời điểm nhất định, nhưng điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương và các bộ, ngành luôn bám sát và quán triệt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo theo quy định của Nghị định.

Điều đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực; bình ổn thị trường nội địa; thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững; nâng cao vị thế, uy tín của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Thực hiện quy định của Nghị định, Bộ Công Thương đã tăng cường thông tin thị trường, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, rào cản phát sinh tại các thị trường để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Bên cạnh việc tăng cường hoạt động quảng bá, giao thương, xúc tiến thương mại gạo, Bộ Công Thương còn cung cấp cho Sở Công Thương các địa phương Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản hàng tuần trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và khuyến cáo về sự thay đổi trong thực thi chính sách của một số thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Ngoài ra, Bộ còn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị ̣trường xuất khẩu gạo của Viêt Nam giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, Bộ còn chủ động cung cấp thêm thông tin về tình hình cung cầu gạo trong nước và thế giới, cảnh báo doanh nghiệp để khi giao dịch, đàm phán hợp đồng xuất khẩu bảo đảm hiệu quả.

Cùng với Bộ Công Thương, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, củng cố, mở rộng thị trường, tiêu thụ kịp thời thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho nông dân.

Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, dù lượng gạo xuất khẩu có xu hướng giảm nhẹ, nhưng kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng do giá xuất khẩu bình quân tăng.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý sửa đổi Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo
Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đã được triển khai hơn 4 năm và đến nay đã bộc lộ một số bất cập

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực thi Nghị định cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần được xem xét, sửa đổi.

Tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định thương nhân đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương cho rằng, quy định về ủy thác xuất nhập khẩu tại Luật Quản lý ngoại thương, sẽ có trường hợp thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo ủy thác cho thương nhân không được cấp Giấy chứng nhận thực hiện xuất khẩu gạo, làm thủ tục xuất khẩu gạo tại cơ quan hải quan.

Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp thực tế nào, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, thương nhân có thể tận dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện mục đích xuất khẩu.

Do đó, để bảo đảm hiệu quả thực thi của văn bản quy phạm pháp luật, nghị định sửa đổi cần điều chỉnh quy định về nhận ủy thác xuất khẩu đối với kinh doanh xuất khẩu gạo, để tạo sự công bằng đối với tất cả các thương nhân.

Hay như Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định, thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, thực tế tồn kho.

Thế nhưng, nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định như: không báo cáo, báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định; có báo cáo nhưng không thường xuyên… Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho việc điều hành xuất khẩu gạo.

Hoặc khoản 6, Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định: “Thương nhân báo cáo không đúng sự thật hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều này không được hưởng các chính sách ưu tiên quy định tại Điều 16 Nghi ̣định này cho đến khi thương nhân chấm dứt, khắc phục hành vi vi phạm..."

Trong bối cảnh mới, các thị trường thực hiện tư nhân hóa, giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung còn rất ít, kinh phí quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại lại không đáng kể, không phân biệt giữa doanh nghiệp báo cáo và doanh nghiệp không báo cáo, nên quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP khó có thể coi là "chế tài" để buộc các thương nhân phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo. Cơ quan quản lý chỉ có thể kêu gọi, khuyến khích các thương nhân tự giác chấp hành.

Các thông tin, số liệu liên quan (diện tích gieo trồng, sản lượng từng chủng loại lúa, lượng thóc, gạo hàng hóa tồn kho, xuất khẩu...) thường không đầy đủ, xác thực, kịp thời, không phản ánh đúng thực tế.

Từ đó gây rất nhiều khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo, đặc biệt là tại thời điểm có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Cùng với đó, tại Điều 5 Nghị định quy định, Sở Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa; cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, thực tế triển khai đã bộc lộ việc chậm tiến hành hậu kiểm do không xác định được Sở Công Thương tại tỉnh, thành phố nào chủ trì, bởi thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có thể kê khai kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo tại nhiều địa phương để được cấp Giấy chứng nhận; việc duy trì điều kiện kinh doanh của các thương nhân còn chưa được quan tâm, đáp ứng, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy..., nhưng chưa được Sở Công Thương các tỉnh kịp thời giám sát, báo cáo.

Hơn nữa, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chưa có sự chủ động về quản lý nhà nước trong kiểm tra, báo cáo việc duy trì điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, cũng như thay đổi thông tin, năng lực sản xuất của thương nhân trên địa bàn, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ khi Bộ Công Thương phát hiện vấn đề và có văn bản chỉ đạo.

Hàng năm, Việt Nam dành khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu gạo, nên khi xây dựng Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, hoạt động nhập khẩu gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này để bảo đảm phù hợp với thực tế tại thời điểm xây dựng Nghị định.

Nhưng trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước như: sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia... và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu gạo trong nền kinh tế thị trường, với giá nhập khẩu thấp hơn trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất được nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường đang diễn ra.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, cũng như đời sống của nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Ban soạn thảo dự thảo Nghị định đã tiến hành soạn thảo Nghị định trên quan điểm nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh, định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành xuất khẩu, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường và tiến trình hội nhập./.