Tỷ lệ áp dụng C/O ưu đãi theo FTA chiếm 37,35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 vừa được Bộ Công Thương công bố, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) năm 2023 đạt 86,1 tỷ USD, chiếm 37,35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 230,5 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA.
Năm 2023, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 1.508.142 bộ C/O ưu đãi với trị giá 86,1 tỷ USD, tăng 9,2% về trị giá và 1,9% về số lượng C/O so với năm 2022.
Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 37,35% cùng với tốc độ tăng trưởng 9,2% cho thấy doanh nghiệp đang tận dụng tốt hơn các FTA trong bối cảnh kinh tế - chính trị có nhiều diễn biến phức tạp.
Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O (C/O mẫu EUR.1 và EUR.1 UK có tỷ lệ sử dụng lần lượt là 35,17% và 32,37%, C/O EAV có tỷ lệ sử dụng là 78,5%, C/O mẫu AANZ là 40,4%); theo thị trường xuất khẩu (Ấn Độ 72,59%, Hàn Quốc 51,1%, Canada và Mexico lần lượt đạt 13,89% và 36,67%).
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện tỷ lệ C/O tăng trung bình 20%-25%/năm đang cao hơn so với bình quân tỷ lệ tăng kim ngạch xuất khẩu (17,3%/năm). |
Cũng theo Bộ Công Thương, tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 37,35% không có nghĩa là 37,35% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao. Một trong những nguyên nhân là thuế nhập khẩu MFN tại một số thị trường, như: Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) đã là 0%, nên hàng hóa không cần phải có C/O ưu đãi mới được hưởng mức thuế 0%.
Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu đi Singapore được cấp C/O ưu đãi (620 triệu USD) chỉ chiếm 14,1% trong gần 4,4 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các nước đối tác khác có thuế suất MFN ở mức thấp (1%-2% hoặc tương đương với thuế FTA), nên nhiều thương nhân không đề nghị cấp C/O.
C/O ưu đãi (mẫu E và RCEP) cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với trị giá hơn 19,4 tỷ USD. Tiếp đó là 13,5 tỷ USD C/O mẫu D cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Đứng thứ ba và thứ tư lần lượt là Hàn Quốc (C/O mẫu AK, VK và RCEP) với 12,2 tỷ USD và Liên minh châu Âu (C/O mẫu EUR.1) với 12,4 tỷ USD.
Tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu S (9,88%) không cao và doanh nghiệp không đề nghị cấp C/O mẫu X do Lào và Campuchia đều là thành viên ASEAN nên doanh nghiệp sử dụng C/O mẫu D thay cho mẫu S và X.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện tỷ lệ C/O tăng trung bình 20%-25%/năm đang cao hơn so với bình quân tỷ lệ tăng kim ngạch xuất khẩu (17,3%/năm). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần tham gia tích cực và có ý thức, chủ động tận dụng tốt các lợi thế trong xuất xứ hàng hóa mà các FTA mang lại.
Hiện nay, phần lớn đều là do tổ chức cấp C/O, doanh nghiệp phải đến đăng ký nộp hồ sơ cho các tổ chức cấp để Bộ Công Thương theo xu hướng sẽ chuyển dịch dần sang cho doanh nghiệp tự chứng nhận, hiện nay đã làm với ASEAN và sẽ sang các hiệp định khác.
Vì vậy, Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để tổ chức cuộc hội thảo, tọa đàm, một mặt, đưa những thông tin về hiệp định, thuế suất lẫn quy tắc xuất xứ với doanh nghiệp ngành hàng; đồng thời cũng có trao đổi hai chiều để tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc của các hiệp hội ngành hàng gặp phải trong quá trình thực thi.
Bộ Công Thương cũng cần tiếp tục tăng cường những hội thảo, cũng như những hoạt động xúc tiến thương mại sang các thị trường có FTA để tìm kiếm các cơ hội thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cần quan tâm hơn, tham gia nhiều hơn và đảm bảo được tính chủ động, tiết kiệm về mặt thời gian, chi phí./.
Bình luận