Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu đã có sự tăng trưởng vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 12,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,7 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đáng chú ý, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt xấp xỉ 22 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 80,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, nhóm nông, lâm, thủy sản cũng đem về 3,2 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 11,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo đánh giá, đây cũng là mức tăng trưởng rất cao, bởi nhìn điểm lại 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ tăng được 2,9% so với cùng kỳ năm 2015 và trong suốt một thời gian dài của năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu đều không chạm mức 2 con số.

Quan trọng hơn, so với cùng kỳ, giá bình quân của đa số các mặt hàng đều tăng, cụ thể nhân điều 20,3%, cà phê 31,9%, cao su 81%, than đá 115,5%, dầu thô 61,9%... Trong khi hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông lâm thủy sản đều có lượng xuất khẩu giảm (ngoại trừ chè các loại tăng 6,2%, cao su tăng 34,7%).

"Nhờ giá xuất khẩu tăng đã đóng góp cho tăng kim ngạch xuất khẩu chung khoảng 736 triệu USD," báo cáo của Bộ Công Thương cho hay.

Xuất khẩu dệt may trong 2 tháng đầu năm đã có những dấu hiệu tích cực khi mang về 3,66 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhiều doanh nghiệp thuộc Vinatex đã có đơn hàng dài hạn và ổn định trong quý 2 và những tháng tiếp theo.

Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 tăng khoảng 6,5%-7% so với năm 2016, tương ứng với giá trị khoảng trên 30 tỷ USD, trong đó Mỹ và Nhật Bản sẽ là những thị trường chính đóng góp cho việc hoàn thành kế hoạch năm của ngành.

Cảnh báo nhập khẩu điện thoại và ôtô đang tăng nhanh

Trong báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2017, Bộ Công Thương cho biết, dù xuất khẩu đang có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng ở chiều ngược lại, nhập khẩu cũng đang có xu hướng tăng nóng ở một số mặt hàng hạn chế nhập khẩu. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng, như: ôtô dưới 9 chỗ ngồi, điện thoại di động và cả rau quả có thể gây tác động chung lên cán cân thương mại.

Ước tính sau 2 tháng, Việt Nam đã chi 153 triệu USD để nhập khẩu gần 9.500 xe ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, tăng 139,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi điện thoại di động tăng 129% và nhập khẩu rau quả cũng tăng 129,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều mặt hàng nhập khẩu như: ô tô 9 chỗ ngồi đang tăng trưởng nóng

Cùng với mức tăng nhập khẩu của những mặt hàng trên đã góp phần đẩy nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ, tương ứng giá trị khoảng 27,4% tỷ USD.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017 vào ngày 02/03/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý việc xe nhập khẩu tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm khi Việt Nam thực hiện giảm thuế nhập khẩu hội nhập ASEAN là tín hiệu cảnh báo việc tăng cường quản lý để hài hòa nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Như vậy, sau 2 tháng, cả nước nhập siêu ước đạt 46 triệu USD, bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 3,5 tỷ USD thì khu vực FDI (kể cả dầu thô) vẫn xuất siêu 3,4 tỷ USD.

Dù đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhưng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh đến việc tăng trưởng xuất khẩu gắn với yếu tố bền vững.

Bộ Công Thương cũng lưu ý đến việc đa dạng hóa thị trường không để phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, cũng như không thể trông đợi vào một số ngành hàng có lợi thế tạm thời về lợi thế nhân công, lao động rẻ cũng như không thể trông chờ vào một số ưu đãi của thị trường nhất định trong các khung khổ của các hiệp định thương mại tự do.

“Điều quan trọng là chúng ta phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo năng lực cạnh tranh, đặc biệt là những năng lực cạnh tranh dựa trên nhân tố có giá trị gia tăng cao như công nghệ, năng suất lao động”, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết.

Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh ​đã có nhiều khởi sắc, nhưng trước xu hướng mất cân bằng trong cán cân thương mại, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị cần sớm có các biện pháp quản lý nhập khẩu kịp thời​ đối với một số mặt hàng đang tăng trưởng nóng.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang bị cạnh tranh gay gắt

Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,2 tỉ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 11,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh một số mặt hàng có kim ngạch tăng, các mặt hàng gạo, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn lại giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Hầu hết mặt hàng trong nhóm nông, lâm, thủy sản đều có lượng xuất khẩu giảm.

Theo Bộ Công Thương, sự sụt giảm về lượng của nhiều mặt hàng trong nhóm này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ Campuchia, Philippines, Bangladesh, Pakistan.

Đồng thời, một số thị trường xuất khẩu ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, gạo, rau quả… Chẳng hạn, Hàn Quốc yêu cầu tôm nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch, Úc vẫn tiếp tục lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ Việt Nam… đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp. Dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục tăng nhưng chủ yếu là do giá tăng.

Xuất khẩu gạo cũng sụt giảm mạnh do tác động kép từ việc thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc thiết lập tiêu chuẩn nhập khẩu gạo từ các nước ASEAN. Đồng thời, Thái Lan xả gạo tồn kho làm giảm giá gạo thế giới. Kim ngạch xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm chỉ đạt 328 triệu USD, giảm cả về lượng và giá trị, trong đó lượng giảm 19,5% và giá trị giảm tới 21,4%.

Do đó, theo Bộ Công Thương cần thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế, những biến động của thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa để kịp thời có phản ứng chính sách trước những diễn biến mới, đồng thời có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển.

Về mở rộng thị trường, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu (FTA Việt Nam – EAEU) chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016. Các thành viên EAEU sẽ dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch tổng là 10.000 tấn gạo được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Sau khi xuất khẩu đủ lượng này, sản phẩm gạo xuất khẩu sẽ chịu mức thuế 11,7% và VAT 10% , thấp hơn đáng kể so với con số 40% trước đây. Do đó, cần tập dụng cơ hội này để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo và các mặt hàng khác.

Xử lý với rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường công tác phổ biến cho doanh nghiệp quy định mới về xuất nhập khẩu nông thủy sản với thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc. Đề nghị Chính phủ Australia cân nhắc, sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín, bởi lệnh này có ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của Việt Nam.

Trong trung hạn và dài hạn, theo Bộ Công Thương, cần tổ chức tốt quy trình sản xuất và nuôi trồng nông thủy sản để xây dựng năng lực xuất khẩu bền vững hơn./.