Bộ Công thương thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, tăng cường giao thương Online
Thông tin trên được đưa ra tại Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 30/3.
Tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%
Thông tin về tình hình xuất khẩu chung và nông sản nói riêng tại buổi họp báo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong quý I/2022, tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%. Đặc biệt, các mặt hàng như: gạo, cà phê, thủy sản còn có tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa, từ 38%-50%.
Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ nông sản vẫn gặp một số khó khăn ở một số nhóm hàng và một số thời điểm cụ thể. Gần đây là mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc. Với trường hợp này, Bộ Công Thương hết sức quan tâm và đã có một số động thái nhằm tháo gỡ khó khăn.
Thời điểm cuối tháng 3/2022, chỉ còn khoảng 1.000 xe hàng ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn |
Theo Bộ Công Thương, tình hình tiêu thụ nông sản hiện nay rất tốt, theo đó, 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Đặc biệt, số lượng xe hàng còn ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn chỉ còn khoảng 1.000 xe. |
Vì vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các vụ, vục chức năng thuộc Bộ là thành viên.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận và tận dụng các phương thức khác ngoài đường bộ như đường sắt, đường biển.
Theo ông Trần Thanh Hải, tại thời điểm này, số lượng xe hàng còn nằm ở khu vực biên giới đã giảm rất nhiều. Việc giảm này do một mặt, chính sách chống dịch của Trung Quốc chưa thay đổi làm khả năng thông quan bị giảm, các doanh nghiệp cũng hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu. Mặt khác, do các doanh nghiệp nhận thức được cần thay đổi phương thức vận chuyển, phương thức giao hàng hóa. “Do vậy số lượng xe tại thời điểm này còn ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn còn khoảng hơn 1.000 xe”, ông Trần Thanh Hải thông tin.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các hiệp hội, địa phương tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng. Trong đó có việc biên soạn tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng, các điều cần lưu ý khi tham gia hoạt động xuất khẩu, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xuất bản cuốn Cẩm nang hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch và huy động hệ thống các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đẩy mạnh mở rộng các thị trường khác, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Mỹ sang các khu vực thị trường khác như Mỹ La tinh, Trung Đông, Đông Bắc Á...
Tại buổi họp báo, ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra rằng: Mặc dù Bộ Công Thương đang khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, nhưng hoạt động thương mại biên giới vẫn tồn tại với những ưu điểm riêng.
Đây là phương thức mà các địa phương, doanh nghiệp có thể sử dụng nhưng để cân đối tỷ lệ và phát huy hiệu quả của các phương thức này trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp, trao đổi với các hiệp hội, địa phương để đẩy mạnh việc chuyển đổi sang chính ngạch.
Ùn tắc nông sản - nguyên nhân từ đâu?
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam là một trong những nước có xuất khẩu tăng trưởng cao, nên muốn có sự tăng trưởng bền vững thì xuất khẩu chính ngạch phải tốt |
Lý giải nguyên nhân tại sao năm nào cũng có hiện tượng ùn tắc, hoặc không tiêu thụ được các sản phẩm và người dân, doanh nghiệp không xuất khẩu chính ngạch, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần phải nhìn nhận đó là một thực tế, bởi sự manh mún trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân… còn nhiều bất cập.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam là một trong những nước có xuất khẩu tăng trưởng cao nên muốn có sự tăng trưởng bền vững thì xuất khẩu chính ngạch phải tốt. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch vẫn khá phổ biến, đòi hỏi một quá trình xử lý vấn đề này. Bộ Công thương cho rằng, để hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, một mặt phải khuyến khích người dân, người sản xuất, nông dân, kể cả các doanh nghiệp hoạt động theo chính ngạch, nhưng mặt khác cũng phải tập trung tháo gỡ khó khăn do chính nội tại hiện nay.
Xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu online là xu hướng bắt buộc
Liên quan đến kế hoạch tiêu thụ nông sản cho người nông dân trong mùa vụ năm 2022, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, Bộ Công Thương đã chỉ đạo giao một số đơn vị chức năng thuộc Bộ, trong đó, có Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thị trường ngoài nước…, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan khác, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương có sản phẩm nông sản, nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, cả trong và ngoài nước.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ như hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; các hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; tổ chức các hội chợ triển lãm các sản phẩm nông sản.
Ngoài ra, Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, hệ thống siêu thị.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng là đơn vị tích cực triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trước đây, trong giai đoạn mới đổi tên là "Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam" và hàng loạt các hoạt động hỗ trợ, kết nối, đưa sản phẩm nông sản tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó là các hoạt động liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho người nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản...
Nhận định xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, một trong những biện pháp hiệu quả trong thời gian vừa qua là ứng dụng số, thương mại điện tử, bán hàng online và kết nối, ký hợp tác với những "người bạn khổng lồ" như Amazon Global Selling, với 300 triệu khách hàng trên thế giới.
Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại cũng làm việc với Alibaba nhằm kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiêu thụ các sản phẩm. "Vì vậy, cần tăng cường các biện pháp này để hỗ trợ bà con nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; trong đó, có nông sản", ông nói.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, “không phải chỉ khi có dịch Covid-19 mới bắt buộc phải tổ chức các sự kiện về xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu online, mà kể cả hết dịch, chắc chắn đây sẽ là xu hướng bắt buộc phải thực hiện”.
Để thực hiện tốt "Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 -2030" do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành cơ quan địa phương, cơ quan xúc tiến thương mại liên quan, tích cực triển khai đưa ứng dụng số, nền tảng số trong việc hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản nhằm giúp người dân chủ động chào bán sản phẩm./.
Bình luận