Đẩy mạnh xúc tiến thương mại hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu
Hoạt động XTTM là một trong những hoạt động quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, hoạt động XTTM với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã được triển khai với định hướng đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; tăng cường tận dụng cơ hội từ các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA); tăng cường các hoạt động XTTM liên kết vùng, miền để đảm bảo thị trường ổn định cho xuất khẩu.
Năm 2023, Chương trình đã phê duyệt 113 đề án XTTM với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng, tập trung vào các hoạt động XTTM phát triển ngoại thương và các hoạt động XTTM phát triển thị trường trong nước với các nội dung thiết thực, phương thức đa dạng để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, đã hỗ trợ trên 8.000 lượt doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi trực tiếp, với giá trị hợp đồng ký kết trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm quốc tế đạt gần 120 triệu USD, doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hơn 142 tỷ đồng; giúp các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời, kết nối với các thị trường, đối tác mới, tận dụng được các lợi thế từ các FTA, tăng cường kết nối thị trường quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cũng tiếp tục triển khai tích cực các hoạt động phát triển thương hiệu với nòng cốt là Chương trình Thương hiệu quốc gia; quản lý nhà nước về hoạt động khuyến mại, về hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại và hoạt động của Văn phòng đại diện của tổ chức XTTM nước ngoài tại Việt Nam.
Hoạt động XTTM đã góp phần đáng kể cho xuất khẩu và mở rộng thị trường. Tính chung cả năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.
Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn bị giảm, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp (mức giảm xuất khẩu sang Mỹ thu hẹp từ 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn 13,1% trong 11 tháng năm 2023; EU từ 10,1% xuống 8,1%; Hàn Quốc từ 10,2% xuống 4%...).
Năm 2023, Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã phê duyệt 113 đề án XTTM với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng |
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xúc tiến xuất khẩu còn nhiều vấn đề cần cải thiện, từ nghiên cứu thị trường đến kỹ năng thực hiện hoạt động XTTM tại nước ngoài; khâu phát triển sản phẩm, đa dạng sản phẩm cũng chưa theo kịp với nhu cầu của thị trường, cũng như chưa vượt qua được sự năng động và khả năng cạnh tranh của nhiều đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ các hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được khắc phục, chưa thực sự theo kịp yêu cầu của thị trường thế giới, của các nghiệp vụ XTTM, nhất là những hiệp hội, đơn vị mới tham gia.
Hoạt động XTTM, truyền thông, marketing quốc tế đang chuyển động rất nhanh cùng xu hướng số hoá toàn bộ các hoạt động quản lý, phân phối, trong khi nhiều hiệp hội, tổ chức XTTM chưa bắt kịp xu hướng này.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải chú trọng hơn nữa hoạt động XTTM nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Theo đó, Chương trình XTTM quốc gia cần có các hình thức XTTM hiện đại và đổi mới ngay trong chính các hoạt động truyền thống, đa dạng và chuyên nghiệp hơn để bắt nhịp với xu thế thời đại để nâng cao hiệu quả XTTM, tận dụng cơ hội mang lại từ các FTA.
Quy mô các hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần phải tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực của Việt Nam, đảm bảo cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới trong việc gây được ấn tượng mạnh với các đối tác thương mại thế giới.
Cần có cơ chế điều hành tạo sự gắn kết giữa các hoạt động trong khung khổ Chương trình XTTM quốc gia với các hoạt động XTTM khác như: XTTM gắn với xây dựng quản trị và phát triển thương hiệu, quảng bá thương hiệu quốc gia, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, quảng bá năng lực sản xuất của lĩnh vực, ngành hàng để tạo được hiệu ứng lan toả, nâng đỡ hỗ trợ nhau.
Hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM cần đầu tư, nghiên cứu cần thay đổi cách thức triển khai hoạt động XTTM, nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ doanh nghiệp. Xây dựng hoạt động hỗ trợ XTTM mang tính dài hạn, theo chuỗi từ XTTM phát triển sản phẩm, thiết kế sản phẩm đến xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ./.
Bình luận