Mùa nước nổi được ví như một bức tranh thiên nhiên nổi bật của miền Tây Nam Bộ với những hồ sen hồng rực rỡ, hoa súng tím miên man cùng nhiều loài chim quý bay rợp trời...Cá linh là một trong những đặc trưng không thể bỏ qua của miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Bắt đầu từ ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, nước lũ từ thượng nguồn sông Me Kong ở Campuchia đổ về miền Tây, qua An Giang, Đồng Tháp, men theo kênh rạch, lấn ra sông Cửu Long rồi xối thẳng ra biển. Thời điểm nước về cũng là lúc thiên nhiên hào phóng gửi tặng người dân miền Tây nhiều sản vật. Trong số đó, cá linh và bông điên điển là hai đặc sản được đặc biệt trông chờ nhất.

Các mẹ, các bà thường bảo cá linh phải càng nhỏ thì ăn mới ngon

Ngư dân, nông dân ven các bờ sông rạch đánh bắt cá linh bằng nhiều phương tiện như: vó, chài, vợt, lưới thả, lưới giăng… Phần lớn cá linh dùng để ủ làm mắm hoặc nước mắm tại chỗ. Người dân ở miệt Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang) có nghề làm nước mắm cá linh và các loại cá đồng rất nổi tiếng. Cá linh ủ càng lâu, mắm càng ngon.

Ai từng ghé thăm miền Tây mùa nước lũ mà không một lần thưởng thức hương vị ngọt bùi của những con cá linh thì quả thật rất phí phạm. Cá linh được sinh ra từ dòng nước, không có bàn tay người chăm sóc. Cá linh được chia làm nhiều loại như: linh rìa, linh ống, linh cám…


Cá linh phải ăn luôn xương mới nếm được vị ngọt bùi của món quà lũ mà thiên nhiên ban tặng

Cá linh đầu mùa được xem là ngon, ngọt thịt nhất, chỉ bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non hay cá linh sữa. Cá chưa lớn nên xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Cá linh non đầu mùa đem kho với nước dừa thì ngon tuyệt. Vị béo ngậy của cá quyện với vị thơm ngọt của dừa khiến món ăn dân dã này trở nên khác biệt và khó quên. Khi nấu, cá không cần đánh vẩy, lấy mật, chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt là đã có thể chuyển sang công đoạn chế biến.

Đủ cách chế biến nhưng có lẽ cá linh bông điên điển vẫn là món ăn làm lưu luyến người từng nếm qua

Có một loại bông khi “kết duyên” cùng cá linh sẽ cho ra món ăn ngon “đúng điệu” miền Tây, đó là bông điên điển. Ai đến miền Tây mà không nghe qua câu ca dao:

“Canh chua điên điển cá linh

Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”.

Bông điển điển cũng là một đặc sản mùa nước nổi, loài bông này quí như lúa ma - loại lúa đặc biệt không bao giờ bị nước lũ nhấn chìm do bao giờ nó cũng vươn cao hơn con nước, vì thế có thể làm lương thực những lúc thời tiết khắc nghiệt nhất. Cây điên điển thường trổ bông liên tục để có thể hái đều đặn mỗi ngày cho đến hết mùa nước. Hái bông điên điển phải thong thả, không được vội vàng, phải nhẹ nhàng để không làm dập bông hay khiến cây gẫy ngã.

Cá linh non hầu như ăn nguyên con, người ta chỉ cắt ngang rốn cá một đoạn nhỏ rồi nặng hết ruột bên trong ra, rửa sạch, để ráo nước rồi sắp ra đĩa, nhìn long lanh ánh bạc, kế bên là dĩa bông điên điển, bông súng, rau thơm...

Khi nồi lẩu đã sôi ùng ục, nêm nếm cho vừa ăn thì dùng muỗng múc từng muỗng cá linh cho vào. Khi cá chín bốc mùi thơm ngát khiến ai cũng phát thèm. Kế đến là cho các loại bông, rau vào và món này ăn nóng cùng với bún là không còn gì ngon bằng.

Ngày nay, số lượng cá linh tuy không còn dồi dào như trước, nhưng cứ đến mùa nước nổi, người dân vẫn háo hức và nhớ về một đặc sản của riêng đất trời miền Tây. Nếu may mắn về miền Tây mùa lũ, du khách phương xa đừng nên bỏ qua “khúc biến tấu” từ đặc sản cá linh, một đặc ân tự nhiên chỉ tìm thấy duy nhất do dòng Mê Kong ban tặng.