Đồng Tháp: Điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư
Đây cũng là minh chứng rõ nét nhất về trách nhiệm của chính quyền đối với cộng đồng, doanh nghiệp đang đầu tư tại Đồng Tháp: Đó là sự thân thiện, đồng hành, lắng nghe và giải quyết thấu đáo mọi yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Với lộ trình phát triển kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 nhóm PV đã có buổi phỏng vấn với Ông Nguyễn Văn Dương- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về những tiềm năng, lợi thế cùng những chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các doanh nghiệp đầu tư.
PV: Thưa ông, so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tiềm năng lợi thế của Đồng Tháp còn rất lớn để thu hút mời gọi đầu tư, nhất là hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Dương: Là một tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp cũng là tỉnh duy nhất trong khu vực có đến hai con sông lớn đi qua là sông Tiền và sông Hậu, cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào đem lại sự trù phú và tạo thuận lợi cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa.
Ngoài 2 sản phẩm chủ lực là lúa và cá tra có sản lượng đứng nhất, nhì cả nước, Đồng Tháp còn được biết đến với làng hoa kiểng Sađéc hàng trăm năm tuổi và nhiều loại trái cây đặc sản như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung… Đây cũng chính là những ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà tỉnh Đồng Tháp đang tiên phong thực hiện.
Ký kết hợp tác với Jica Nhật Bản
Với tiềm năng lợi thế này, Đồng Tháp đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Tập Đoàn Lộc Trời đến đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất lúa chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Tập Đoàn Sao Mai, công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn… Ngoài việc thu mua chế biến thủy sản xuất khẩu còn tập trung đầu tư hàm lượng khoa học công nghệ cao để sản xuất dầu cá, collagen để tạo ra những giá trị tăng thêm lo lớn từ cá tra. Hay như đối với trái xoài, với diện tích lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 9.300 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 70.000 tấn) hiện cũng có nhiều doanh nghiệp Nhật, Hàn Quốc, Nga đến tìm hiểu để liên kết thu mua. Mới đây, trái nhãn của Châu Thành cũng đã được cấp giấy chứng nhận vào thị trường Mỹ, bà con nhà vườn nơi đây đang tập hợp lại theo mô hình hợp tác xã để sản xuất đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Châu Hồng Phúc- PCT UBND Tỉnh (Ngoài cùng bên trái) tiếp Đoàn DN. Dialog Nga
Ngoài thế mạnh về nông nghiệp như tôi vừa trình bày, Đồng Tháp cũng đang tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế về tiềm năng và vị trí địa lý như phát triển kinh tế biên giới, du lịch, dịch vụ vận tải, các ngành công nghiệp bổ trợ cho sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản... Không lâu nữa khi hệ thống Quốc lộ N1, N2 cùng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống hoàn thành sẽ nối Đồng Tháp gần hơn với các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM và Campuchia, càng tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
PV: Đồng Tháp đã có những dự án đầu tư quan trọng nào để góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng của tỉnh?
Ông Nguyễn Văn Dương: Với sự hỗ trợ của Bộ, Ngành Trung ương, Đồng Tháp đã và đang triển khai nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nâng cao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cho nông dân và các hợp tác xã. Trong đó, đáng chú ý là Dự án tăng cường khả năng cạnh tranh nông nghiệp do WB tài trợ, đã đầu tư nhà kho, lò sấy, tập huấn cho nông dân, giúp hợp tác xã Tân Cường ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông nâng cao năng lực hoạt động trở thành điển hình của cả nước. Hay như Dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, giúp cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh trục tiêu thoát lũ và cung cấp nước tưới cho vùng Đồng Tháp Mười và kè chống xói lở bờ sông Tiền góp phần bảo vệ khu vực thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự đồng thời cải tạo cảnh quan nơi đây. Đặc biệt là trong thời gian này, Đồng Tháp đang tích cực triển khai Dự án phát triển nông nghiệp bền vững (VnSAT) do WB tài trợ với nhiều đầu việc quan trọng như tập huấn cho nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất…với mục tiêu quan trọng là thay đổi tập quán, nâng cao năng lực sản xuất cho bà con nông dân.
PV: Trong xu thế liên kết các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và phát huy lợi thế tiềm năng địa phương, theo ông Đồng Tháp cần tập trung đột phá vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Ông Nguyễn Văn Dương: Đây chính là điều mà chúng tôi luôn trăn trở. Để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế trong mối liên kết với các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL, chúng tôi cho rằng Đồng Tháp cần tạo ra sự khác biệt. Ví dụ như trong phát triển du lịch, cũng là du lịch sinh thái nhưng chúng tôi sẽ tập trung khai thác giá trị của một Đồng Tháp thuần khiết, với hoa sen là đặc trưng…Trong phát triển nông nghiệp, chúng tôi sẽ phát triển theo chuỗi ngành hàng đã được xác định trong Đề án Tái cơ cấu theo hướng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ để nâng cao giá trị tăng thêm và hướng đến xuất khẩu; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất theo hướng “Nông nghiệp thông minh” hay nói cách khác là tiến hành cuộc “Cách mạng xanh” trong nông nghiệp để thay đổi cách nghĩ, cách làm theo tập quán truyền thống của nông dân hiện nay. Trong điều hành phát triển kinh tế, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến phong trào khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phấn đấu đến năm 2020, Đồng Tháp có khoảng 5000 doanh nghiệp hoạt động, rút ngắn khoảng cách về số bình quân doanh nghiệp của cả nước và khu vực. Một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư và phát triển lâu dài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua là nguồn lực lao động dồi dào, với dân số gần 1,7 triệu dân mà đa phần là lao động trẻ. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ đào tạo nghề theo địa chỉ để giải quyết tốt bài toán về lao động theo yêu cầu của các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương ký kết biên bản ghi nhớ
thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực công nghiệp, khoa học công nghệ
và đào tạo nguồn nhân lực với ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan
Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động liên kết với các tỉnh khu vực ĐBSCL và TP.HCM trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông nghiệp; liên kết trong việc sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…
PV: Trong lộ trình phát triển kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 Đồng Tháp sẽ áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cho những ngành, nghề nào?
Ông Nguyễn Văn Dương: Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Đồng Tháp sẽ tập trung thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 210/2013/NĐ-CP và các chính sách liên quan. Hiện nay, Đồng Tháp đã chuẩn bị sẳn sàng danh mục 15 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực nông nghiệp cũng nhiều dự án khác để mời gọi đầu tư trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương tiếp và làm việc với ông David John Whitehead – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Austfeed Việt Nam
Tỉnh cũng đã ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp. Các dự án đầu tư giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cũng là nhóm dự án được Tỉnh khuyến khích phát triển.
Là tỉnh nhiều năm liền đứng trong top đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh, hệ thống các cơ quan hành chính của tỉnh cũng thuộc tốp dẫn đầu cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi cam kết tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư và luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để cùng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đất Sen hồng.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Bình luận