Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 137,39 tỷ USD, chiếm 87,7%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,9%. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 139,89 tỷ USD, chiếm 94%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44 tỷ USD; Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,9 tỷ USD.

Theo cơ quan thống kê quốc gia, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD.

Cả nước ước tính nhập siêu 1 tỷ USD trong tháng 5
Nhập siêu quay trở lại trong tháng 5/2024

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương dự kiến, với những diễn biến về đơn hàng gần đây, xuất khẩu năm 2024 có thể đạt 372-375 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.

Để thúc đẩy xuất khẩu, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường xuất khẩu; trong đó, có những thành tích lớn về công tác đàm phán, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường này, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi FTA để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, ưu đãi từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan.

Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, các đại sứ quán cũng như tham tán thương mại cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, qua đó giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Còn theo Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023: Chuyển đổi số với phát triển bền vững, do Trường Đại học Thương mại công bố gần đây, để thực hiện mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, cần thực hiện nhiều chính sách, bao gồm: Phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển bền vững nguồn hàng xuất khẩu; xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu; phát triển chuỗi cung ứng; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và dịch vụ logistics phục vụ hoạt động ngoại thương; hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu...

Với nhóm chính sách phát triển bền vững nguồn hàng xuất khẩu, cần tập trung phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn; đổi mới cơ cấu hàng hóa, đa dạng hóa hàng hóa, hỗ trợ sản xuất trong các lĩnh vực mới và công nghệ trọng yếu nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước, tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, chính sách phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, phát triển sản phẩm xuất khẩu gắn với thương mại xanh, thương mại công bằng.../.