Cải cách chính sách giá điện, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: VGP |
Tại Tọa đàm “Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các nhà quản lý cùng với chuyên gia kinh tế đã có những phân tích sâu sắc, khách quan và toàn diện về thực trạng, cũng như những bất cập liên quan đến giá điện, từ đó, đặt ra lời giải bảo đảm sự minh bạch của giá điện.
Tối ưu hóa chi phí
Trao đổi tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu cho biết, về cơ cấu chi phí giá phát điện, bao gồm các chi phí như: chi phí phát điện, chi phí truyền tải điện, chi phí phân phối bán lẻ điện và chi phí phụ trợ quản lý ngành. Các chi phí trên cùng với sản lượng điện thương phẩm và lợi nhuận định mức tạo nên giá điện bình quân, được quy định cụ thể tại Quyết định 05 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương). Ảnh: VGP |
Theo báo cáo của EVN và trong quá trình kiểm tra của đoàn kiểm tra, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm: giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình chính trị, xã hội toàn thế giới cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm, trong khi nguồn điện có giá đắt như: điện than, điện dầu tăng cao.
Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10%-11%, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao. Trong bối cảnh đó, EVN cùng các đơn vị thành viên đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí, như tiết kiệm 10%-15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20%-50% chi phí sửa chữa lớn. Bên cạnh đó, phát động tiết kiệm điện tại EVN và các đơn vị thành viên, tuy nhiên, do cấu trúc giá thành tăng quá cao, nên dẫn tới chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao.
Giá thành đang cao hơn giá bán 6,92%
Qua số liệu kiểm tra liên ngành được công bố, thì giá thành điện là 2.088 đồng/kWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/kWh. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, thực tế này gây ra rất nhiều hệ lụy.
“Các con số trên cho thấy, giá thành đang cao hơn giá bán 6,92%, có tình trạng mua cao bán thấp. Đầu vào theo thị trường, nhưng đầu ra lại không tính đúng, tính đủ trong sản xuất, kinh doanh điện, sẽ gây nhiều hệ lụy và bất cập cho sản xuất, kinh doanh điện, cho cả nền kinh tế”, ông Thỏa đánh giá.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá. Ảnh: VGP |
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cơ cấu giá thành điện cho thấy rõ hơn một nửa nguồn cung ứng là nhiệt điện than và khí, 1/3 là thủy điện và còn lại từ điện gió, mặt trời và các nguồn năng lượng khác.
Trong khi đó, nguồn than trong nước hạn chế, nguồn than chất lượng cao chủ yếu là nhập khẩu có giá cao. Nguồn điện khí cũng không còn các mỏ khí giá rẻ và phải nhập khẩu với giá cao hơn. Đây là những yếu tố khách quan khiến giá thành điện tăng cao.
Việc giá thành sản xuất tăng cao trong khi giá bán ra không tương ứng, theo ông Sơn, nếu vẫn tiếp tục duy trì cơ chế giá bán điện hiện nay, trợ giá và bù lỗ thì EVN không đủ nguồn lực cho đầu tư, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng là không để thiếu điện.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn chỉ ra rằng, giá bán điện thấp hơn giá sản xuất đã đẩy các nhà phân phối điện vào thế khó. Việc tiếp tục bán điện với giá thấp hơn chi phí sản xuất không chỉ gây thiệt hại cho nhà phân phối, mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện, kéo theo những hậu quả cho nền kinh tế.
Hệ quả của sự bất cập này là nguy cơ mất an ninh năng lượng. Khi giá điện không bù đắp đủ chi phí sản xuất, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ mất động lực để tiếp tục mở rộng hoặc duy trì sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung điện, gây ra thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp và đời sống người dân.
Giả sử các bên sản xuất điện, phân phối, bán lẻ điện đã nỗ lực hết sức để tiết giảm chi phí nhằm có mức giá điện hợp lý nhất, nhưng giá bán điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, giá thành phân phối thì rõ ràng đây là một bất cập.
Theo phân tích của ông Phan Đức Hiếu, bất cập thể hiện rõ ở một số điểm. Cụ thể đối với điện, chúng ta không chỉ nói về giá cả, giá thành mà cả vấn đề an ninh năng lượng, ổn định trong cung ứng điện rất quan trọng. “Nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất, thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối. Như vậy, không công bằng đối với nhà phân phối.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: VGP |
Cần một cách tiếp cận minh bạch và hợp lý
Để giải quyết các bất cập về giá điện, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cải cách toàn diện là cấp thiết. Ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất giá điện phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, bảo đảm bù đắp đầy đủ chi phí sản xuất và phân phối.
Ông Thỏa nhấn mạnh, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo áp dụng giá thị trường cho mọi loại hình năng lượng, bao gồm cả điện; xóa bỏ mọi rào cản bảo đảm giá điện minh bạch theo thị trường. Chính phủ đã có những quy định rõ ràng về việc điều chỉnh giá điện dựa trên sự thay đổi của chi phí đầu vào. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là cần thực hiện nghiêm túc các quy định này để bảo đảm sự ổn định của thị trường điện.
Theo ông Thỏa, điều hành giá điện cần tuân theo nguyên tắc cơ bản là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý và hợp lệ đã được tính đúng, tính đủ. Việc này không chỉ giúp ngành điện không phải chịu lỗ, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, giúp phát triển thêm các nguồn điện mới, đồng thời bảo đảm ổn định cung ứng điện cho nền kinh tế.
“Tính đúng, tính đủ không phải EVN tính bao nhiêu cũng được, mà theo quy định của Nhà nước. Điều tiết giá điện theo công cụ thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia thị trường điện”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Cải cách giá điện, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên
Một trong những giải pháp dài hạn được các chuyên gia đề xuất là cải cách chính sách giá điện trong Luật Điện lực. Ông Hà Đăng Sơn cho rằng, Việt Nam đang có lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện lực theo hướng phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu Net Zero về phát thải khí nhà kính. Để đạt được mục tiêu này, cần cải cách toàn diện cơ cấu giá điện, chuyển dịch từ các nguồn điện truyền thống sang các nguồn điện tái tạo “xanh, sạch”.
Hiện nay, cơ cấu giá điện vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn điện có chi phí cao như: than, dầu, trong khi nguồn điện tái tạo chưa phát triển mạnh mẽ. Để thay đổi tình trạng này, ông Sơn cho rằng cần phải cải cách giá điện. Theo đó, cơ cấu giá phải phản ánh đúng chi phí sản xuất của các nguồn điện, khuyến khích việc phát triển các nguồn điện tái tạo.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh. Ảnh: VGP |
Theo ông Thỏa, kim chỉ nam để thực hiện việc này phải tuân thủ quyết định của Bộ Chính trị và Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Ông phân tích, nếu chúng ta tuân thủ các quyết định này, thì giải quyết được rất nhiều vấn đề vì đã cho chúng ta định hướng theo thị trường, tức là đầu vào cứ tăng khoảng ngần này trong 3 tháng, thì được điều chỉnh.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, giá điện bám sát sự biến động của thị trường, không hoàn toàn thả nổi theo cơ chế thị trường. Đây chính là cơ chế tính giá theo thị trường mà Nhà nước cho phép điều chỉnh làm sao ở mức độ hợp lý. “Nguyên tắc xuyên suốt là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ cho ngành điện. Riêng thực hiện những điều này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Về dài hạn, cần phải nhanh chóng sửa cơ chế, chính sách giá điện trong Luật Điện lực với tầm nhìn dài hạn mới có thể xử lý được những yêu cầu đặt ra đối với một trong những vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó chính là giá điện.
Một vấn đề quan trọng trong cải cách giá điện là phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường điện, bao gồm: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nhà nước điều tiết giá điện bằng các công cụ của thị trường. Đó là các loại thuế, các loại phí, các loại quỹ để điều tiết gián tiếp vào yếu tố hình thành giá điện để có một mức giá điện bảo đảm hài hòa được cái lợi ích của các bên tham gia thị trường điện, chứ Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào giá thành.
Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường, giá điện cũng phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, thì bảo đảm giá điện sẽ minh bạch hơn. “Những người thuộc diện chính sách xã hội vẫn được nhà nước quan tâm và chúng ta không bỏ rơi những đối tượng đó”, ông Thỏa chỉ rõ.
Ông Nguyễn Thế Hữu đồng tình với ý kiến rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội khác, hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận và sử dụng điện năng.
“Chính sách an sinh trong việc sử dụng điện đối với hộ nghèo và các hộ chính sách xã hội đã được áp dụng nhất quán trong nhiều năm nay chứ không phải vài năm trở lại đây mới nói”, ông Hữu khẳng định.
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tương đương 30 kWh điện hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Nỗ lực chung của cả ngành điện cũng như cơ quan có liên quan đảm bảo an ninh nguồn điện cũng chính là giải pháp căn cơ nhất để đảm bảo an sinh xã hội./.
Bình luận