Cần áp dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng thể chế
Toàn cảnh phiên thảo luận
Còn nhiều vấn đề trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế
Dù cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, song đại biểu Võ Thị Như Hoa – TP. Đà Nẵng vẫn cho rằng, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế vẫn còn nhiều vấn đề.
Bà cho hay, Báo cáo của Chính phủ năm 2018 không có nội dung phân tích, đánh giá về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tuy nhiên, tại phần giải pháp, Chính phủ đã đề cập tương đối kỹ và cụ thể cho thấy công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn nhiều hạn chế, bất cập.
Đầu tiên là tình trạng nợ đọng nghị định hướng dẫn thi hành luật còn phổ biến, việc chậm ban hành nghị định để thực thi khiến cho các luật không thể đi vào cuộc sống như một loạt nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến Luật Quy hoạch.
Cùng với đó, bà cho rằng, sự phản ứng chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành còn chậm với việc đang có khá nhiều nghị định có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung.
Ở các lĩnh vực đất đai, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công mà các đại biểu đã nêu trong phiên thảo luận, những hạn chế, bất cập này đã gây ách tắc, trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm lãng phí nguồn lực của xã hội bởi thay vì địa phương có thể kêu gọi xã hội hóa để thực hiện dự án, đáp ứng nhiều nhu cầu trong lĩnh vực cấp bách tại địa phương như xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, y tế và nhiều nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác để thực hiện đầu tư nhưng không thể triển khai do mâu thuẫn chồng chéo trong các văn bản dưới luật.
Trong hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP cũng vướng mắc tương tự mặc dù Chính phủ đã ban hành nghị định để hướng dẫn nhưng do khung pháp lý chưa đủ mạnh, mới ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác và có nhiều bất cập chồng chéo, quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, thống nhất trong một văn bản tất cả nội dung liên quan đến TPP. Điều này làm tăng tính phức tạp, rủi ro trong quá trình triển khai các dự án cụ thể và làm giảm tính hấp dẫn của hình thức đầu tư này.
Về thực hiện dự án xã hội hóa, Chính phủ ban hành Nghị định về kêu gọi xã hội hóa một số dự án đầu tư nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách trong việc đầu tư vào các dự án ít hấp dẫn tại các vùng khó khăn. Theo quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo hình thức đấu thầu nếu có từ hai nhà đầu tư quan tâm, trong khi đó việc thực hiện quy trình đấu thầu quá phức tạp và mất nhiều thời gian, dẫn đến không hấp dẫn được các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, những trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án không được miễn giảm tiền sử dụng đất. Những vấn đề này đã phát sinh và tồn tại nhiều năm nay khiến việc kêu gọi dự án xã hội hóa hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, bà Hoa cũng chỉ ra những bất cập trong việc xử lý vi phạm hành chính. Thời gian qua, báo chí, phương tiện truyền thông đã tốn khá nhiều công sức, giấy mực để phản ánh việc xử lý vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực và đã trở thành câu chuyện hài hước trong xã hội, hành vi về xử phạt vi phạm hành chính không còn phù hợp, không theo kịp quá trình xã hội hóa một số dịch vụ công, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực có nhiều vấn đề bất cập, nhiều hành vi vi phạm mới nhưng không có quy định để xử lý đang làm bó tay các cơ quan quản lý. Những vấn đề bất cập không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn gây sức ép cho cơ quan thực thi pháp luật.
Mặc dù Luật Ban hành quy phạm pháp luật 2015 đã quy định rất chặt chẽ về cơ chế kiểm tra, rà soát để kịp thời xử lý các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, nhưng dường như việc thực hiện công tác này còn rất hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Tiền Giang quan tâm tới công tác chuẩn bị các dự án luật theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa thực sự tốt, tình trạng bổ sung, đưa khỏi chương trình, lùi thời gian các dự án luật còn xảy ra và chưa khắc phục triệt để.
Cụ thể, bổ sung một dự án luật theo quy trình, thủ tục rút gọn, đưa ra khỏi chương trình một dự án luật và lùi hai chương trình dự án luật.
Công tác ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm so với các luật đã có hiệu lực như Luật Quy hoạch đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 nhưng đến ngày 07/05/2019 vừa qua Chính phủ mới ban hành Nghị định chi tiết hướng dẫn thi hành luật này; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 nhưng đến nay Chính phủ chưa ban hành nghị định hướng dẫn có liên quan đến hình thức đầu tư BT, điều này gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình tổ chức, thực hiện.
Vẫn còn tình trạng cài cắm lợi ích ngầm, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Công Nhường - Bình Định cũng đánh giá, chất lượng xây dựng văn bản pháp luật còn hạn chế.
Cụ thể, nhiều dự án luật còn chồng chéo và có những điều không khả thi, thời gian sống của một số luật còn ngắn, sau thời gian 3 đến 5 năm thực hiện thì phát hiện bất cập và phải đề nghị sửa đổi.
Ví dụ, thời gian qua dự thảo thông tư về tiêu chuẩn nước mắm, thông tư về thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành quy định chỉ được phép bán thịt lợn giết mổ trong vòng 8h đồng hồ.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, theo vị đại biểu này là do hiện nay xã hội nước ta đang biến đổi nhanh nhất là khi các công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế tác động mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, đại biểu Nhường còn chỉ rõ, tư duy chính sách hay năng lực làm chính sách của một số bộ phận, cán bộ không tốt, tư duy quản lý không được thì cấm.
Đặc biệt, theo đại biểu Nhường, việc cài cắm lợi ích ngầm, lợi ích nhóm vẫn còn, do vậy một số luật quy định không bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, mâu thuẫn chồng chéo với luật khác gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
“Nguy hiểm nhất là lỗi không minh bạch, nhiều văn bản pháp luật đưa ra có thể thể hiện theo nhiều cách khác nhau, tùy vào sự giải thích của cán bộ thực thi, đây là mảnh đất của nhũng nhiễu và tham nhũng”, đại biểu này chỉ rõ.
Cần phải làm gì?
Để khắc phục triệt các hạn chế nêu ra, đại biểu Hoa yêu cầu, phải xem xét động cơ của một số bộ ngành về việc chậm ban hành, chậm tham mưu ban hành, chậm kiểm tra, rà soát để đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung có nhằm phục vụ lợi ích cục bộ của bộ, ngành mình hay lợi ích nhóm hay không để có chế tài xử lý nghiêm khắc.
Còn đại biểu Nhường thì đề xuất, bố trí cơ cấu lại bộ phận làm chính sách phải tách biệt với bộ phận thực thi chính sách để loại bỏ việc cài cắm lợi ích giữa thẩm quyền cục bộ của ngành mình.
“Tôi đề xuất Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phải chủ trì các dự thảo luật và các ngành chỉ cử người tham gia như các chuyên gia ở mục một. Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong trợ giúp công tác xây dựng pháp luật, lập trình tạo nên mục tiêu giúp máy tính, người máy có thể tự động hóa các hành vi thông minh đó là biết suy nghĩ, lập luận để giải quyết các vấn đề, phát hiện dự thảo luật có các điều khoản không tương thích với Hiến pháp, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các luật chuyên ngành trước đó nhằm tránh mâu thuẫn, chồng chéo, giúp cho các đại biểu tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra trong luật và luật ban hành ra được minh bạch”, vị đại biểu này đề xuất.
Để đảm bảo luật pháp bất vị thân và đẩy nhanh việc xử lý các vụ án còn tồn đọng khá nhiều, đại biểu Nhường đề xuất đầu tư áp dụng trí tuệ nhân tạo trong trợ giúp hành pháp và tư pháp.
“Cha ông ta vẫn từng nói: "vững như kiềng ba chân". Tôi mong muốn Chính phủ sẽ đầu tư áp dụng trí tuệ nhân tạo cho cả 3 lĩnh vực: lập pháp, hành pháp và tư pháp để tạo nền tảng phát triển đất nước”, đại biểu Nhường nhấn mạnh./.
Bình luận