Cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn
Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (ngày 3/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 cơ bản được giữ ổn định; sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường bất động sản tiếp tục chuyển biến bước đầu, có thể là tín hiệu tích cực tạo đà cho sự phục hồi trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, nước ta nằm trong nhóm 10 thị trường logistics mới nổi.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%) dù đã điều chỉnh tăng giá điện tăng 3% từ ngày 4/5/2023; lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực.
Đồng thời, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 48,4% dự toán.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 5 ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước (tháng 4 lần lượt giảm 7,7%; 7,3% và 8,1%); 5 tháng ước xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 là 0,24 tỷ USD).
FDI đăng ký tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 05 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước (04 tháng chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp ổn định; sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 05 tháng tăng 12,6%, là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.
Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh… đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Dẫn báo cáo của Bộ Tài chính, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 19/5/2023, sau 2,5 tháng ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 25,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 96,7% khối lượng phát hành từ đầu năm); một số doanh nghiệp đã đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển khoản nợ sang tài sản khác.
Một số vướng mắc của dự án, doanh nghiệp bất động sản về thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận, nộp tiền sử dụng đất,… đã được tháo gỡ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, bao gồm cả lãi suất cho vay khách hàng mới và dư nợ hiện hữu. Doanh nghiệp giảm chi phí vốn vay, dành nguồn lực để duy trì sản xuất, kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư là điều kiện quan trọng để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Giải ngân vốn đầu tư công đến 31/5 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch Thủ tướng giao, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội tiếp tục được triển khai; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống. Tăng cường kết nối cung – cầu, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động; đẩy nhanh chi trả bảo hiểm thất nghiệp, kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm. Nhờ đó, tình hình lao động, việc làm vẫn trong tầm kiểm soát.
"Tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II", Bộ trưởng nhận định
5 khó khăn, bất lợi trong bức tranh kinh tế - xã hội
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra rằng, những khó khăn, bất lợi của tình hình thế giới, khu vực tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư… tình hình doanh nghiệp, lao động việc làm.
"Đây là vấn đề chung của các quốc gia, các nền kinh tế đang phải đối mặt, không thể có chuyển biến rõ rệt ngay trong"một sớm, một chiều", trong khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong nước tăng cao", ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Cụ thể, Bộ trưởng chỉ rõ 5 khó khăn trong thời gian qua.
Một là, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI,… tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 05 tháng giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%), kéo dài xu hướng giảm từ đầu năm; trong đó IIP công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%). Một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện thoại, điện tử, chế biến gỗ, ô tô,… tiếp tục giảm.
"Du lịch có dấu hiệu chậm lại, khách quốc tế đến nước ta tháng 5 giảm 6,9% so với tháng trước, trong khi thiếu các giải pháp hiệu quả, quyết liệt để kiểm soát giá cả, chất lượng dịch vụ ăn uống, lưu trú, quảng bá, xúc tiến du lịch, kích cầu du lịch,… khắc phục “tính mùa vụ” trong hoạt động du lịch", người đứng đầu Bộ kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn.
Đầu tư xã hội, thu hút vốn FDI đã có tín hiệu phục hồi, nhưng còn chậm. Vốn FDI thực hiện 05 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022; vốn FDI đăng ký vẫn giảm 7,3%, đặc biệt là vốn tăng thêm của các dự án đang triển khai (giảm 59,4% so với cùng kỳ). Một số dự án đầu tư, dự án bất động sản lớn bị ngưng trệ, dừng đầu tư hoặc chậm triển khai.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa dù đã phục hồi nhẹ trong tháng 5, nhưng tính chung 05 tháng lần lượt giảm 14,7%, 11,6% và 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN cần lưu ý khi tiếp tục giảm trong tháng 5. "Nhập khẩu tư liệu sản xuất 05 tháng giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước (04 tháng giảm 15,7%), cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại", Bộ trưởng dẫn chứng.
Hai là, doanh nghiệp đối mặt với thách thức lớn để tồn tại, duy trì sản xuất kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài của dịch COVID-19 đã đến mức tới hạn. Tính chung 05 tháng, có hơn 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ, nhưng cũng có khoảng 95 nghìn doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, cho thấy có dấu hiệu tích cực.
Bộ trưởng cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội và kết quả làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
"Những vấn đề doanh nghiệp, nền kinh tế hiện nay rất khác biệt so với giai đoạn 2008-2013, cộng hưởng bởi tác động nhanh, mạnh, cùng thời điểm của nhiều yếu tố, đặc biệt là: nền kinh tế có độ mở lớn, chịu ảnh hưởng mạnh từ bên ngoài; năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn do tác động kéo dài của dịch Covid-19; chính sách tiền tệ đột ngột thắt chặt, làm giảm nhu cầu tại các thị trường lớn của nước ta, gây áp lực lên tỷ giá; cùng một số vấn đề trong nước về ngân hàng, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự phụ thuộc vào khu vực FDI, thị trường đầu vào, đầu ra xuất nhập khẩu,.... đồng thời bộc lộ rõ nét hơn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Ba là, điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục chịu nhiều áp lực, thu NSNN thời gian tới có thể bị tác động mạnh do sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp khó khăn. Chính sách tiền tệ phụ thuộc nhiều vào bối cảnh tiền tệ, lạm phát của thế giới, trong khi Fed dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hiệu quả; xuất nhập khẩu, thu hút FDI gặp nhiều thách thức trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm; nợ của doanh nghiệp, điều kiện tiếp cận tài chính thắt chặt tại nhiều nền kinh tế lớn; Trung Quốc phục hồi chưa bền vững; áp lực cạnh tranh gia tăng.
Nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm nắng nóng do thiếu nước, hạn hán. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết, nhưng phải tính toán thời điểm, mức tăng phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.
Bốn là, tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 5 tháng đầu năm có gần 510 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, giảm lương,…; trong đó gần 55% số lao động bị mất việc, thôi việc. Tình trạng cắt giảm lao động tập trung tập trung tại một số địa phương nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương,…
Năm là rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo, an ninh kinh tế, an ninh mạng, bạo lực học đường phức tạp,… tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm.
Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; phát huy kết quả đã đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn./.
Bình luận