Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn

“Tình hình mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ diễn ra hết sức khốc liệt, có nguy cơ kéo dài, dẫn tới hình thành các khối, cực cạnh tranh gay gắt với nhiều hình thức, vừa chia cắt, vừa bảo hộ thị trường, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đã có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, trong sự bất ổn đó của nền kinh tế thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là tận dụng những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới như: hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, đem lại những động lực mới cho nền kinh tế.”, Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu tại Kỳ họp thứ 7, khi Quốc hội thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội diễn ra hôm nay (ngày 29/5)…

Cần có chính sách cụ thể để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng
Theo Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới, cần có các cơ chế, chính sách hết sức cụ thể

Bà Yên cho rằng, để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, bên cạnh việc cần khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan, thì cần có các cơ chế, chính sách hết sức cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như: cơ khí chế biến, chế tạo, luyện kim, dệt may… Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ.

Cũng liên quan đến các ngành công nghiệp mới, phát triển xanh, Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi “sản xuất xanh”, ngoài việc phát triển năng lượng xanh, cần quan tâm thêm 3 giải pháp: (i) Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển “kinh tế xanh” như "bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh", hay chính sách “khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh” như: cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn; (ii) Quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, để có thể cạnh tranh hàng hóa xanh trên trị trường quốc tế; (iii) Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ xanh, cần tăng cường tuyên truyền, vận động xây dựng thói quen lựa chọn sử dụng sản phẩm xanh, hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ xanh…

Nên nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Theo góc nhìn của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh (Nam Định), kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột giữa một số nước là nguyên nhân gây áp lực lên giá năng lượng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những thách thức, đây cũng là trở ngại đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Vì vậy, phải có những chính sách mạnh mẽ hơn đến từ chính sách tài khóa.

“Trong nhiều năm của đại dịch Covid-19 và bối cảnh lạm phát, thu nhập thực của doanh nghiệp và người dân bị sụt giảm. Thời gian qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn, nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách, đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa. Do đó, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.”, bà Quỳnh đề xuất.

Cần có chính sách cụ thể để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quỳnh, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nên nới lỏng chính sách tài khóa

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị Chính phủ phân tích cụ thể hơn tác động của các dự án luật vừa được Quốc hội thông qua có tác động lớn đến các trụ cột tăng trưởng, đặc biệt đánh giá kỹ về công tác chuẩn bị các văn bản dưới luật để triển khai Luật Đất đai và một số luật liên quan đến thị trường bất động sản, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với quy luật thị trường, tháo gỡ các vướng mắc khiến thị trường bất động sản tắc nghẽn và mất cân đối như hiện nay.

Liên quan đến 3 trụ cột tăng trưởng (đầu tư - tiêu dùng - xuất khẩu), ông Sơn đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích sâu các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến trụ cột đầu tư chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là việc giải ngân đầu tư công tại các địa phương, bộ, ngành; chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp. Đồng thời, cần làm rõ những xu hướng, rào cản trong mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là các yếu tố phi thuế quan hoặc xu hướng thương mại xanh, bền vững hiện nay. Đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn về tiến độ thi công các dự án trọng điểm quốc gia; việc huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ kênh trái phiếu Chính phủ.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề xuất 3 giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới gồm:

Thứ nhất, về sản xuất nông nghiệp, cùng với tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng để có bước chuyển nhanh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Có các cơ chế, chính sách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tận dụng tối đa lợi thế hiện có phục vụ cho phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao và bền vững. Thực hiện tốt công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là dự báo về biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, từ đó có định hướng và các giải pháp phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn đối với từng vùng, miền. Điều này cũng giúp cho việc phát triển nông nghiệp đạt mức độ an toàn cao, phát huy hiệu quả, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có thiên tai, sự cố xảy ra...

Thứ hai, về phát triển hạ tầng giao thông, cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, có giải pháp cụ thể để chủ động về nguồn vật liệu, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, giao thông liên kết vùng.

Thứ ba, đối với vùng Tây Nguyên, quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển vùng Tây Nguyên đã được Bộ Chính trị và Chính phủ xác định rõ. Do đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 152 ngày 15/11/2022, nhất là đối với nhóm đề án về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên. Quan tâm bố trí thỏa đáng về kinh phí để đầu tư các tuyến cao tốc, hệ thống quốc lộ theo quy hoạch vàng lưới giao thông đã được phê duyệt…/.