Thương mại điện tử phát triển nhanh, nhưng chưa bền vững

Tại diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2017 (VOBF 2017) tổ chức tại Hà Nội ngày 24/02/2017, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2017.

Theo đó, Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2017 tiếp tục cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững do lòng tin của người tiêu dùng còn thấp và mức chênh lệch rất lớn giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với các địa phương khác.

Kết quả của khảo sát cho thấy, về trang bị thiết bị điện tử có 99% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, có trang bị máy tính PC và laptop, bên cạnh đó có tới 61% có trang bị cho các thiết bị di động, bao gồm điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Đối với việc sử dụng email và các công cụ hỗ trợ trong công việc: có 45% doanh nghiệp cho biết có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng email trong công việc, cao hơn tỷ lệ 39% trong năm 2015; 18% cho biết có dưới 10% lao động thường xuyên sử dụng email.

Xét về quy mô doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa có tỷ lệ ứng dụng email cao hơn các doanh nghiệp lớn. Trong đó, mục đích sử dụng chính của doanh nghiệp vẫn là dùng để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp chiếm 84%.

Nhìn chung xu hướng sử dụng email trong các hoạt động của doanh nghiệp đang tăng dần so với các năm trước. Do sự thay đổi về công nghệ nên xu hướng cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử dần dần không chuyên sâu về công nghệ thông tin.

Có 34% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, có lao động chuyên trách về thương mại điện tử. Nhóm doanh nghiệp lớn có tỷ lệ lao động chuyên trách cao hơn nhiều so với doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tương xứng với tiềm năng

Tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về thực trạng hoạt động và khung chính sách liên quan đến thương mại trong nước và thương mại điện tử trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào ngày 30/01/2018, Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử của nước ta trong thời gian qua tuy có mức tăng trưởng nhanh, nhưng trên thực tế chiếm thị phần không đáng kể trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa.

Thị trường thương mại điện tử trong nước năm 2014 mới là 2,97 tỷ USD và dự kiến đến năm 2020 đạt giá trị 10 tỷ USD, nhưng cũng mới chỉ chiếm 5% tổng mức lưu chuyển hàng hóa.

Về những bất cập của thị trường thương mại điện tử, thông tin đưa ra tại buổi làm việc cho thấy, hạ tầng của thị trường này còn chưa đồng bộ, việc thực hiện toàn bộ các thao tác thương mại trên môi trường điện tử trên thực tế mới chỉ ở mức độ rất thấp. Việt Nam mới chỉ có một thị trường thương mại điện tử mang tính bán sơ khai chứ chưa chuyên nghiệp. Tập quán thương mại vẫn là dùng tiền mặt, mua sắm nhỏ lẻ.

Cũng tại buổi làm việc nói trên, TS Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên 3 vấn đề mà ông cho là đáng lo liên quan đến thực trạng hoạt động và khung chính sách liên quan đến thương mại điện tử: (1) Doanh nghiệp thương mại Việt Nam kỹ năng quản trị còn yếu trong lúc không kết nối được các doanh nghiệp; (2) Hệ thống tích hợp như thanh toán, logistics còn nhiều bất cập; (3) Năng lực tài chính tuy có được cải thiện song trên thực tế vẫn yếu.

Dẫn lời TS. Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) trên Báo điện tử Lao động, phát triển dịch vụ thanh toán điện tử ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản lớn, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, đầy đủ và đồng bộ, các chính sách và điều kiện hỗ trợ phát triển dịch vụ thanh toán điện tử còn yếu và thiếu, trình độ phát triển kinh tế, xã hội còn thấp, trình độ công nghệ còn nhiều hạn chế, thói quen thanh toán tiền mặt và sự thiếu tin tưởng của xã hội đối với thanh toán điện tử...

Dự báo bùng nổ trong năm 2018?

Năm 2017, tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thanh toán qua internet tăng 47%, số lượng khách hàng cá nhân tăng 37% so với cuối năm 2016. Riêng dịch vụ mobile banking, số lượng khách hàng cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ tăng 36%. Về số giao dịch thanh toán qua internet banking đối với khách hàng doanh nghiệp tăng 13%, số lượng giao dịch khách hàng cá nhân tăng 30%, số giao dịch thanh toán qua mobile banking tăng rất mạnh (96%).

Dẫn nguồn thông tin trên Báo điện tử Công Thương, với Công ty Lazada, kể từ khi kinh doanh tại Việt Nam, doanh thu của doanh nghiệp này cũng tăng đều qua từng năm. Năm 2017, ngoài đầu tư mạnh cho hệ thống logistics, doanh nghiệp này còn mạnh tay giảm hơn 50% chi phí hoa hồng cho các nhà bán hàng, nhằm giảm gánh nặng chi phí và có sự đầu tư tốt hơn cho dịch vụ, chất lượng sản phẩm, giúp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn.

Các thống kê của Lazada cho thấy, chỉ trong 4 ngày cao điểm của Cách mạng mua sắm tháng 12/2017 tại Việt Nam, Lazada ghi nhận hơn 63.000 chiếc điện thoại “smartphone” được đặt mua. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam đã tin tưởng mua sắm online, sẵn sàng chi cho những mặt hàng giá trị cao.

Số liệu trên cho thấy, dự báo năm 2018, thương mại điện tử sẽ bùng nổ.

Dẫn lời ông Alexandre Dardy - CEO Lazada Việt Nam trên Báo Công Thương nhận xét: Năm 2018, lĩnh vực thương mại điện tử trở nên vượt bậc với rất nhiều xu hướng mới. Đặc biệt, thương mại di động và thương mại xã hội sẽ tiếp tục phát triển kết hợp với xu hướng sử dụng các thiết bị di động khi mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, kinh doanh xuyên biên giới sẽ được triển khai mạnh hơn, nếu doanh nghiệp có sự hỗ trợ từ các chính sách nhà nước, cũng như các điều luật cho thanh toán trực tuyến.

Tuy nhiên, cần làm gì để có thể thúc đẩy thương mại điện tử phát triển tương xứng với tiềm năng?

Về vấn đề này, chuyên gia Trương Đình Tuyển và TS. Vũ Thành Tự Anh đều cho rằng , cốt lõi của vấn đề chính sách về thương mại điện tử là quan điểm về chính sách phải rất rõ ràng.

“Đặc biệt cần quan tâm đến yếu tố phúc lợi của chính sách. Xu thế dài hạn của chính sách luôn là điều cần được ưu tiên”, TS. Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thực tế của hoạt động thương mại điện tử cho thấy, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành.

Thứ trưởng Bộ Công Thương đề xuất, cần thành lập một Ban chỉ đạo hoặc có thể là Ban điều phối các hoạt động thương mại điện tử do một lãnh đạo Chính phủ đứng đầu để các hoạt động này thực sự hiệu quả.

Chia sẻ đề xuất này, TS. Vũ Viết Ngoạn cho biết, vấn đề này cũng đã được đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Dưới góc độ nghiên cứu, TS. Nhiễu khuyến nghị, cần nhận thức rõ vai trò quan trọng quyết định của chính phủ đối với phát triển dịch vụ thanh toán điện tử của một quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển Thanh toán điện tử. Trong đó, khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và sự giám sát hợp lý của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống thanh toán điện tử sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường lòng tin của người sử dụng và giới doanh nghiệp vào hệ thống thanh toán điện tử.

Ngoài ra, cần tăng cường điều phối, hợp tác chính sách phát triển dịch vụ thanh toán điện tử trong nước và quốc tế, liên quốc gia, liên ngành. Điều này xuất phát từ thực tế, thanh toán điện tử là phương thức thanh toán cho mọi hàng hóa và dịch vụ được mua bán qua internet, liên quan tới mạng lưới khách hàng trên phạm vi toàn cầu.

Chính phủ cũng cần đầu tư trực tiếp và có chính sách tiếp tục khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội, đầu tư tư nhân nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử.

Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển các thị trường tiềm năng ứng dụng thanh toán điện tử như thị trường giao thông vận tải: hệ thống đường cao tốc, tàu điện ngầm, trên cao, hệ thống giao thông công cộng… Đặc biệt, cần tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giáo dục, tăng cường quảng bá, tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn trong toàn xã hội để thanh toán điện tử trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc với người dân và đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ thanh toán điện tử./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baocongthuong.com.vn/thuong-mai-dien-tu-can-su-vao-cuoc-cua-nhieu-bo-99393.html

http://baocongthuong.com.vn/thanh-toan-di-dong-va-thuong-mai-dien-tu-nam-2018-du-bao-bung-no.html

https://laodong.vn/kinh-te/vi-sao-thuong-mai-dien-tu-boc-lo-nhieu-diem-yeu-643820.bld